Trồng cây mắc ca ở Tây Nguyên: Đề xuất đột phá của LienVietPostBank

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, ông đã đề xuất với Ngân hàng Nhà nước giải pháp cho vay 10.000 tỷ đồng để các hộ nông dân khu vực Tây Nguyên thay đổi cơ cấu cây trồng.

Đề án cụ thể cũng đã được LienVietPostBank xây dựng, nhằm phát triển cây mắc ca tại khu vực Tây Nguyên; góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất của các hộ nông dân, cũng như kỳ vọng tạo hiệu quả lớn hơn nhiều so với cây cà phê - loại cây chủ lực trong nhiều năm qua.

Là người chủ trì đề án này, ông Nguyễn Đức Hưởng đặt vấn đề: “Cây cà phê tại địa bàn Tây Nguyên đang có sự sụt giảm mạnh mẽ về năng suất do sự già hóa theo thời gian. Chúng tôi muốn hướng đến một sự chuyển đổi có hiệu quả kinh tế lớn hơn nhiều”.

Trồng cây mắc ca ở Tây Nguyên: Đề xuất đột phá của LienVietPostBank

Cụ thể, đề án dẫn dữ liệu của Viện Khoa học nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, trong số hơn 450 nghìn ha cà phê của khu vực hiện đã có khoảng 100 nghìn ha bị già cỗi (hơn 20 năm tuổi), năng suất dưới 1,5 tấn/ha, không có khả năng phục hồi hay ghép cải tạo. Dự tính, đến năm 2020, hơn 70% diện tích cà phê ở khu vực này cũng sẽ lâm vào tình trạng tương tự, đòi hỏi phải nhổ bỏ để trồng lại.

Theo ông Hưởng, để thực hiện tái canh, các hộ dân rất khó thực hiện, do phải mất 5 - 6 năm cây cà phê mới cho thu nhập trở lại, chi phí đầu tư cũng rất tốn kém (mỗi ha để tái canh cần đầu tư khoảng 250 - 300 triệu đồng). Nhưng đây được xem là một cơ hội để người dân từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đó là đưa cây mắc ca vào thay thế, trồng thuần hoặc trồng xen với cây cà phê. Theo đánh giá của giới chuyên gia, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để các hộ nông dân khu vực Tây Nguyên thay đổi cơ cấu cây trồng, với trọng tâm là cây mắc ca là một đột phá trong bối cảnh hiện nay.

Theo Thông tư 05/TT/BKHĐT hướng dẫn Nghị định 2010/2013/NĐ - CP cũng vừa được ban hành và có hiệu lực, “các dự án trồng cây macadamia có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây macadamia quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở …

Với nguồn vốn và nguồn lực tập trung cho cây mắc ca hiện nay, gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho nông dân trồng mắc ca của LienVietPostBank đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Hiện khá nhiều doanh nghiệp cũng đã đầu tư vào lĩnh vực này. Đơn cử như Công ty CP Vinamacca đã đầu tư rất mạnh cho sản xuất cây giống và trồng cây trong khi doanh nghiệp Donafood lại tập trung cho chế biến và xuất khẩu. Đặc biệt, Công ty IDT International ngoài triển khai trồng 4.000 ha mắc ca tại Điện Biên cũng vừa tung ra thị trường hơn 20 loại sản phẩm chế biến khác nhau từ nhân mắc ca nhập khẩu từ Úc.

Trồng cây mắc ca ở Tây Nguyên: Đề xuất đột phá của LienVietPostBank

Một tài liệu từ Hội Làm vườn Việt Nam cho biết, cây mắc ca còn có tên gọi là cây quả cứng Hawaii. Cây cho quả có nhân chứa chất dinh dưỡng khá cao, hàm lượng dầu tới 78%. Trong dầu mắc ca có trên 87% là axit béo không no, hàm lượng protein trong nhân lên tới 9,2%, cùng 20 loại axít amin rất cần thiết cho cơ thể…

Hạt mắc ca được mệnh danh là hoàng hậu của các loại hạt khô, có thể dùng để ăn sống hoặc chế biến thành nhiều loại thực phẩm và mỹ phẩm. Tại Việt Nam, mắc ca đã được trồng khoảng 20 năm, chủ yếu ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên nhưng diện tích vẫn còn hạn chế, khoảng 3.000 hecta. Đây được xem là cây trồng làm giàu của nông dân khi chi phí đầu tư trồng mắc ca thấp hơn cây cà phê và có thể cho lãi từ 510 - 520 triệu đồng/ha/năm trong hơn 60 năm.

PV