1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thuốc bảo vệ thực vật: Đâu là “quân cờ” phòng ngự an toàn?

(Dân trí) - Thuốc BVTV là vật tư không thể thiếu trong nông nghiệp. Việc sử dụng giải pháp BVTV không chỉ bảo vệ nông sản khỏi sâu bệnh, mà đồng thời giúp ngăn ngừa mầm bệnh lây lan sang người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV không đúng quy cách của nhà nông mang lại nhiều hệ quả tiêu cực trong ngành nông nghiệp nói riêng và xã hội nói chung. Vậy đâu là nước cờ vừa giúp nhà nông canh tác hiệu quả, vừa giúp xã hội an tâm với các loại nông sản?

Sử dụng sai hướng dẫn: Nguyên nhân cốt lõi

Thời gian gần đây, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) vừa công bố kết quả của một xét nghiệm ngẫu nhiên cho thấy, 31 trong số 67 người tham gia xét nghiệm có thuốc bảo vệ thực vật lưu tồn trong máu.

Hiện trạng đáng quan ngại như trên đã khiến thuốc BVTV phải hứng chịu cái nhìn gay gắt của xã hội. Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Kim Vân, chuyên gia tại Hội Bảo vệ thực vật Việt Nam đã chỉ ra rằng, những hệ lụy có nguồn gốc từ thuốc BVTV không bắt nguồn từ bản thân các sản phẩm thuốc BVTV mà xuất phát việc sử dụng các chế phẩm sinh hóa này không đúng cách.

Thuốc bảo vệ thực vật: Đâu là “quân cờ” phòng ngự an toàn?  - Ảnh 1.

Những hệ lụy từ thuốc BVTV không bắt nguồn từ bản thân sản phẩm mà xuất phát từ việc sử dụng không đúng cách


Việc sử dụng thuốc BVTVchưa đúng cách đến từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, PGS.TS. Nguyễn Kim Vân nhận định: "Với trình độ còn hạn chế, nhiều bà con nông dân thường mua và sử dụng thuốc BVTV dựa trên thói quen hoặc lời tư vấn của các đại lý thuốc BVTV. Mà chuyên môn của các nhà đại lý lại chưa được kiểm chứng, thời nay ai cũng có thể trở thành đại lý do điều kiện kinh doanh còn lỏng lẻo, lực lượng thanh tra mỏng."

Thứ hai, nông dân vì mục đích lợi nhuận đã sử dụng thuốc giá rẻ, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hoặc không sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc; thời gian cách ly giữa lần phun thuốc cuối cùng đến lúc thu hoạch không theo quy định, dẫn đến dư lượng thuốc BVTV trên nông sản có nguy cơ vượt ngưỡng cho phép.

"Sử dụng quá mức hiển nhiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng, người tiêu dùng nông sản và môi trường. Vấn đề quan trọng nhất hiện tại là sử dụng đúng, đủ chứ không phải bài trừ", ông Vân nói.

môi trường. Vấn đề quan trọng nhất hiện tại là sử dụng đúng, đủ chứ không phải bài trừ", ông Vân nói.

Loại bỏ thuốc BVTV có phải là giải pháp?

Thực tế, thuốc BVTV là một vật tư không thể thiếu trong nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm ngày càng cao của cộng đồng. Theo ước tính của Hiệp hội Bảo vệ cây trồng châu Âu, thuốc BVTV giúp năng suất trồng trọt tăng trưởng bền vững, cụ thể, các phương pháp bảo vệ cây trồng giúp tăng 20-50% sản lượng rau và cây ăn quả, 60-70% đối với ngũ cốc và 75% năng suất của khoai tây.

Thuốc bảo vệ thực vật: Đâu là “quân cờ” phòng ngự an toàn?  - Ảnh 2.

Thuốc BVTV góp phần quan trọng trong việc bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh


Ngược lại, các trung tâm nghiên cứu dịch bệnh ước tính rằng việc thiếu vắng các biện pháp bảo vệ mùa màng sẽ đưa các loại cây trồng vào thế bất đắt dĩ đối đầu với 30,000 loài cỏ dại; 10,000 loại côn trùng; 3,000 giống sâu hại cùng nhiều dịch bệnh do nấm, vi khuẩn, virus gây ra. Cụ thể, tại Mỹ, 95% năng suất vụ mùa nho, 86% vụ táo, 62% vụ dưa hấu… mất đi do các loại bệnh từ nấm.

Thuốc bảo vệ thực vật: Đâu là “quân cờ” phòng ngự an toàn?  - Ảnh 3.

Sâu bệnh chính là một trong những nỗi lo phổ biến của người nông dân


"Với những "tai tiếng" gần đây do việc sử dụng không đúng quy cách, xã hội và các cơ quan chức năng có xu hướng bỏ bớt các giải pháp hóa nông. Nhưng loại bỏ như thế nào để đảm bảo mùa màng vẫn được bảo vệ, nông dân không thiệt thòi,… là vấn đề lớn, cần nghiên cứu kỹ", theo ông Bùi Văn Kịp – Giám đốc Kỹ thuật và Đăng ký sản phẩm Bayer Việt Nam.

Nếu đột ngột cắt bỏ nhiều loại thuốc BVTV, nông dân sẽ là người chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Khi đó, chi phí giá thành sản xuất sẽ tăng mạnh vì phải áp dụng các biện pháp trừ cỏ, trừ sâu bệnh khác như làm cỏ thủ công, sử dụng phân bón sinh học hoặc phải chấp nhận giảm năng suất, giảm sản lượng nông sản.

Thuốc bảo vệ thực vật: Đâu là “quân cờ” phòng ngự an toàn?  - Ảnh 4.

Nếu đột ngột loại bỏ thuốc BVTV, người nông dân sẽ phải đối mặt với nhiều mối nguy: sâu bệnh, dịch bệnh,…

Mặt khác, việc cắt bỏ thuốc BVTV vì có quá nhiều tên thuốc được lưu hành không giải quyết triệt để vấn đề, vì tình trạng ô nhiễm môi trường, tồn dư thuốc BVTV trên nông sản không phải vì do có quá nhiều tên thuốc được lưu hành mà phần lớn là do việc sử dụng sai quy cách.

Trong khi đó, mới đây, trong một tuyên bố chung gửi Chính phủ Việt Nam về vấn đề thúc đẩy đổi mới ngành nông nghiệp bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, 7 tổ chức Hội, Hiệp hội các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam cũng cho rằng, cần có lộ trình cụ thể trong việc loại bỏ bớt các loại thuốc BVTV đang được lưu hành hiện nay.

Các Hội, Hiệp hội này cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần tham vấn rộng rãi ý kiến chuyên sâu với các bên hữu quan trong và ngoài nước, đánh giá dựa trên cơ sở khoa học với những quy chuẩn và phương pháp được quốc tế công nhận trong quá trình rà soát các sản phẩm thuốc BVTV.

Giải pháp "lưỡng toàn" cho bài toán về thuốc BVTV

"Điều quan trọng hiện nay không phải vấn đề số lượng thuốc nhiều hay ít mà là trình độ sử dụng của người dân. Bà con nông dân hiểu biết ít nên không biết cách sử dụng sao cho đúng, dẫn đến việc lạm dụng thuốc. Do vậy, vấn đề lớn hiện nay là cách sử dụng các sản phẩm này", ông Nguyễn Kim Vân nhấn mạnh. Tuy nhiên, việc đi tìm "quân cờ" phòng ngự an toàn cho thuốc BVTV đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhà nông, nhà sản xuất, kinh doanh và nhà quản lý.

Từ góc độ bà con nông dân – người trực tiếp sử dụng thuốc BVTV, cần tiếp thu và nắm rõ nguyên tắc "bốn đúng": đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc, đúng cách. Ngoài ra, cần tuân thủ khoảng cách giữa các lần sử dụng theo khuyến cáo và đảm bảo thời gian cách ly an toàn.

Về phía các doanh nghiệp sản xuất, cần tuyên truyền cho bà con vào sản xuất chuỗi. Có như vậy, bà con nông dân sẽ tuân thủ theo nguyên tắc phun thuốc đúng bệnh, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng đối tượng, tránh tình trạng cứ có sâu là dùng thuốc, PGS.TS Nguyễn Kim Vân khẳng định thêm: "Ngoài việc nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm chất lượng, các doanh nghiệp phải tâm niệm rằng lợi nhuận đi đôi với ý thức vì xã hội, vì môi trường."

Thuốc bảo vệ thực vật: Đâu là “quân cờ” phòng ngự an toàn?  - Ảnh 5.

Ngoài việc nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm chất lượng, doanh nghiệp cần tăng cường các chương trình trách nhiệm cộng đồng


Về phía các cơ quan chức năng, cần có tiêu chí cụ thể về xây dựng, ban hành và sử dụng danh mục thuốc BVTV. Thuốc nhập khẩu phải có phiếu xác nhận xuất xứ, phù hợp với hồ sơ đăng ký; tăng thuế nhập khẩu với các loại thuốc thuộc diện không khuyến khích sử dụng, miễn, giảm thuế đối với loại thuốc khuyến khích sử dụng; định kỳ 3 năm/lần cần rà soát lại sản phẩm, loại bỏ các loại thuốc đã bộc lộ nhiều nhược điểm, hạn chế.

Việc cho rằng thuốc BVTV là một thứ gây nguy hại cho cây trồng và cho sức khỏe con người, cần loại bỏ hoàn toàn là cái nhìn một chiều và thiếu tính khách quan. Để có sự công bằng với thuốc BVTV bên cạnh tăng cường sự hiểu biết, nhận thức đầy đủ về thuốc BVTV, cần có sự gia tăng quản lý việc sản xuất kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV, sự tỉnh táo và thông minh của người tiêu dùng cũng như sự hiểu biết, khách quan, tôn trọng khoa học trong thông tin tuyên truyền của các cơ quan truyền thông.

Bùi Hiền