Sức sống mới của thức uống nội
Việc Coca-Cola và Pepsi bị “soán ngôi vương” trên thị trường nội địa thực sự là câu chuyện thần kỳ được tạo ra bởi các doanh nghiệp trong nước.
Sau một thời gian dài để mất thị phần của mình cho đối thủ truyền kiếp Pepsi và các doanh nghiệp trong nước, Coca-Cola vừa tung ra sản phẩm Real Leaf đầu tiên tại Việt Nam. Sản phẩm này được quảng bá là chứa trà xanh nguyên chất kết hợp với ba thành phần thiên nhiên là nhân sâm, bông cúc và la hán. Đó quả là một nỗ lực củng cố thêm cho thương hiệu vang bóng một thời tại Việt Nam.
Sản phẩm Real Leaf được giới thiệu là nhãn hàng mới nhất với sự hợp tác giữa công ty Coca-Cola và nhãn hàng Nestea nổi tiếng với các thức uống về trà trên thế giới. Real Leaf là sản phẩm đầu tiên trên thị trường kết hợp trà xanh nguyên chất 100% với ba thành phần thiên nhiên hữu ích bông cúc, la hán quả và nhân sâm. Thông cáo báo chí, các bài viết tràn ngập những lời cổ súy cho thức uống được coi là đột phá của Coca-Cola này. Tuy nhiên, nếu bình tâm nhìn lại, Real Leaf mang một dấu hiệu rõ ràng rằng các ông lớn đã mất dần vị thế tại thị trường nước giải khát đầy tiềm năng với gần 90 triệu dân này.
Vào những năm 90 của thập kỷ trước, Coca - Cola chiếm lĩnh thị trường Việt Nam với các sản phẩm như Coca Cola, Fanta và Sprite. Sau đó, Pepsi với các nỗ lực marketing hiệu quả đã lấy lại được thị trường khi tung ra các loại đồ uống có nguồn gốc thiên nhiên và tập trung nhóm khách hàng mục tiêu là giới trẻ. Những ngày đó, khắp nơi, chỉ là sự xuất hiện sản phẩm của hai ông lớn này từ những bữa ăn hàng ngày, các quán giải khát lớn bé, các chuyến đi dã ngoại và thậm chí họ thay nhau “độc quyền” ở một số nhà hàng bằng chính sách phân phối theo kiểu thị trường của người bán. Kết quả là họ đã ký hợp đồng “xâm nhập” các kênh tiêu thụ và thống lĩnh thị trường từ Nam ra Bắc. Các doanh nghiệp trong nước hoặc là bị mua lại, hoặc là phải chuyển hướng, sản xuất sản phẩm khác, ít cạnh tranh hơn.
Vào thời điểm đó, người dân hàng ngày chứng kiến những chiến dịch quảng cáo, tiếp thị và bán hàng đôi khi đồng điệu, đôi khi trái ngược của hai hãng nước giải khát lớn nhất thế giới này. Trong khi những chiếc xe tải nhỏ mang hình ảnh của thương hiệu Pepsi ung dung chở hàng tới bỏ cho các đại lý và quán cà-phê thì người ta lại thấy những chiếc xe 3 bánh “nhỏ xíu” của Coca-cola được đẩy đi bán dạo trên hè phố và trong các con hẻm... Ðây có lẽ cũng là một chiêu thức “độc đáo” trong việc chiếm thị phần của Coca Cola, vì đẩy xe bán dạo là một trong những hình ảnh “thân quen” trong cuộc sống đô thị của người Việt... Hai hình ảnh trái ngược trên nói lên sự cạnh tranh bền bỉ, dai dẳng, kiên nhẫn và cũng vô cùng khốc liệt của hai “đế quốc nước ngọt” trong cuộc “thư hùng” về kinh tế.
Sự soán ngôi kỳ diệu
Nhưng cạnh tranh có những nguyên tắc của nó. Cả Pepsi và Coca-Cola đã quá tự hào với dòng nước giải khát có ga và ung dung với nhận định thị trường là của họ, vấn đề là thị phần của ai nhiều hơn mà thôi. Thế nhưng, chính từ sự thất thế về nước giải khát có ga lại lộ ra khoảng trống màu mỡ ít ai ngờ tới. Đó là dòng nước giải khát không gas và đặc biệt là có nguồn gốc từ thiên nhiên với quy mô tăng gần 30% mỗi năm, với hơn 50% người tiêu dùng thành phố lựa chọn và con số này đang tiếp tục tăng lên từng ngày.
Đầu tiên, phải kể đến sự thành công của Trà xanh không độ của một công ty hoàn toàn Việt Nam. Sau một thời gian ra mắt, Trà xanh không độ là thương hiệu phát triển nhanh nhất với mức độ tiêu thụ có lúc tăng tới 500% và đứng đầu trong việc tăng trưởng của các sản phẩm tiêu dùng nhanh. Về thị trường trà xanh, nếu như trên thế giới là các sản phẩm của Lipton, Pepsi, Nestlé, Coca-Cola, Uni President, URC... chiếm ưu thế thì Việt Nam lại là vương quốc của cái tên Trà xanh không độ của Tân Hiệp Phát, C2 của URC,C100 của Tribeco, Queen Tea, Pure Green của Uniliver. Trong suốt 5 năm tồn tại và phát triển, Trà xanh không độ vẫn luôn khẳng định vị thế dẫn đầu với hơn 50% thị phần và phần còn lại chia cho khoảng 20 thương hiệu trà xanh khác.
Nếu như ai đó đã chứng kiến suốt cả thập kỷ qua thế thượng phong của các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành hàng hóa mỹ phẩm khi Unilever và P&G thống lĩnh thị trường, thực phẩm thì có Acecook, sữa có Abbot, Mead Jonhson, Dutch Lady... thì sẽ thấy việc các doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh được thị phần nước giải khát ngay chính trên quê hương mình quả là một kỳ tích.
Theo Sức khỏe & An toàn thực phẩm