Ngành tôm Bạc Liêu:

Nhiều lợi thế, không ít... "nút thắt"

(Dân trí) - Ngành tôm đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng để xây dựng thương hiệu Quốc gia của tôm Bạc Liêu thì vẫn còn phải tháo gỡ nhiều… “nút thắt”

Ngày 16/11, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo khoa học tổng kết thực tiễn về phát triển ngành tôm Bạc Liêu gắn với ứng dụng công nghệ cao, chuỗi giá trị ngành tôm và xây dựng thương hiệu Quốc gia.

Hội thảo khoa học ngành tôm Bạc Liêu ngày 16/11.
Hội thảo khoa học ngành tôm Bạc Liêu ngày 16/11.

Tiềm năng, lợi thế có…

Báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định, qua 10 năm phát triển (2008 - 2018), ngành tôm đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, luôn giữ vai trò là “trụ đỡ” và góp phần quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 42% GRDP toàn tỉnh.

Báo cáo cho thấy, diện tích nuôi tôm từ 120.924 ha năm 2008 tăng lên 131.683 ha năm 2017 (tăng bình quân hàng năm 0,95%); sản lượng tôm từ 63.985 tấn năm 2008 tăng lên 116.365 tấn năm 2017 (tăng bình quân hàng năm 6,87%).

10 năm qua, ngành tôm đã góp phần đem lại giá trị sản suất ngành thủy sản theo giá hiện hành từ 10.455 tỷ đồng năm 2008 tăng lên 29.738 tỷ đồng năm 2017.

Bạc Liêu cũng đã được Chính phủ cho phép thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm và tiến tới xây dựng thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng vừa khánh thành đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước nuôi tôm, là đỉnh cao công nghệ ngành tôm thế giới và cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước có cơ sở nuôi tôm xây dựng thành công đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, về phát triển ngành tôm, tỉnh này phấn đấu đến năm 2025 đạt kim ngạch xuất khẩu tôm là 970 triệu USD (tăng bình quân 5,28%/năm), góp phần cùng ngành tôm Việt Nam đạt 10 tỷ USD.

UBND tỉnh Bạc Liêu cũng chỉ ra nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh như có 56 km bờ biển và diện tích nuôi trồng thủy sản chiếm hơn 50% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh; sản lượng tôm hàng năm khoảng 115.800 tấn (đứng thứ 3 cả nước), mang lại giá trị hơn 12.000 tỷ đồng.

Điều kiện tự nhiên, thời tiết của Bạc Liêu rất phù hợp để nuôi tôm và sản xuất con giống, để các doanh nghiệp chế biến và các cơ sở nuôi duy trì hoạt động thường xuyên. Trong đó, tỉnh Bạc Liêu chiếm hơn 50% vùng ĐBSCL và khoảng 20% cả nước trong sản xuất tôm giống chất lượng cao.

Trên địa bàn tỉnh cũng tập trung nhiều nhà máy chế biến, xuất khẩu tôm có tổng công suất thiết kế đứng thứ 3 cả nước, góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm tôm của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Ngành tôm Bạc Liêu vẫn còn nhiều việc phải làm để xây dựng thương hiệu. (Ảnh minh họa)
Ngành tôm Bạc Liêu vẫn còn nhiều việc phải làm để xây dựng thương hiệu. (Ảnh minh họa)

“Nút thắt” thương hiệu

Tuy nhiên, ngành tôm tỉnh Bạc Liêu vẫn còn nhiều thách thức như sản xuất hộ nhỏ lẻ, manh mún; người nuôi thiếu nguồn vốn nên đầu vào kém chất lượng; năng suất của một số mô hình nuôi tôm còn thấp, giá thành sản xuất còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tôm gắn với ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế;…

Để xây dựng thương hiệu không chỉ đơn giản là nhiều người biết, mà đó là khả năng nhận diện, uy tín, niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Thương hiệu tôm chỉ có ý nghĩa khi sản phẩm đến được tay người tiêu dùng với dấu hiệu nhận diện nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo, ổn định và được người tiêu dùng chấp nhận, tin tưởng,…

Trong khi đó, việc xây dựng thương hiệu tôm thì có 3 nút thắt lớn nhất mà ngành tôm Bạc Liêu cần tháo gỡ: Chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm; thương hiệu, xuất xứ hàng hóa, kiểm soát an toàn thực phẩm; vấn đề về khoa học công nghệ đang là thách thức, trong bối cảnh hội nhập và cách mạng 4.0 cho ngành tôm.

Nếu không tháo gỡ những nút thắt nói trên sẽ có tác động, gây cản trở tiến trình liên kết và xây dựng thương hiệu ngành tôm Quốc gia của Bạc Liêu.

Do đó, cần phải tập trung tái cơ cấu lại sản xuất ngành tôm, đây là một đòi hỏi lớn và cấp bách, nếu không làm được thì ngành tôm Bạc Liêu sẽ không những không phát triển mà còn bị tụt hậu so với các tỉnh khác trong khu vực và cả nước.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm