Năm 2012, nhà đầu tư nội địa đón chờ thông tin gì?

Năm 2012 sẽ tiếp tục là năm thử thách với nền kinh tế Việt Nam. Thách thức từ nội địa sẽ là kiềm chế lạm phát, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, hạ lãi suất, giảm thâm hụt ngân sách…

Từ bên ngoài, các dự báo, chỉ tiêu kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới đều điều chỉnh theo xu hướng giảm xuống, khủng hoảng nợ công châu Âu thêm trầm trọng, kinh tế Mỹ phục hồi yếu ớt, và bất ổn định chính trị sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới một nền kinh tế dễ bị tổn thương như Việt Nam. Vậy trong năm nay những thông tin gì sẽ có tính quyết định đối với các nhà đầu tư nội địa?

Theo đại diện của Cổng thông tin - dữ liệu tài chính chứng khoán Việt Nam CafeF, website nằm trong top 20 website tại Việt Nam theo xếp hạng của Alexa, một số thông tin sau sẽ dành được nhiều chú ý của nhà đầu tư.

Năm 2012, nhà đầu tư nội địa đón chờ thông tin gì? - 1


 
Các tín hiệu từ nền kinh tế vĩ mô
 
Sức khoẻ kinh tế vĩ mô luôn là nền tảng quan trọng nhất quyết định xu hướng dài hạn của dòng tiền đầu tư, kênh đầu tư. Cú sốc chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô vừa qua chính là một nguyên nhân làm thị trường chao đảo.
 
Trong năm nay, các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản như lạm phát, lãi suất, cán cân thương mại, dự trữ ngoại hối, ngân sách quốc gia, chi tiêu chính phủ… sẽ được các nhà đầu tư chú ý sát sao và toàn diện hơn. Hết thời lướt sóng, việc bỏ tiền đầu tư sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở triển vọng vĩ mô.

Năm 2012, nhà đầu tư nội địa đón chờ thông tin gì? - 2

Năm 2012, Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, theo đó chính sách tiền tệ cũng sẽ linh hoạt hơn, doanh nghiệp có khả năng sẽ dễ tiếp cận nguồn vốn hơn. Đồng thời, Chính phủ cũng đã có chủ trương giảm, giãn thuế thu nhập cho doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính, đây cũng là một phương thức hỗ trợ để doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn hiện tại.

Chính sách lãi suất
 
Khu vực ngân hàng sẽ tiếp tục nóng trong năm nay với chính sách tái cơ cấu do NHNN thực hiện. Sáp nhập ngân hàng, xử lý nợ xấu, giải quyết vấn đề mất thanh khoản của một số ngân hàng… sẽ góp phần quan trọng cho xu hướng hạ mặt bằng lãi suất .
 
Lãi suất hạ sẽ tạo lợi thế cho các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản hấp dẫn hơn đồng thời sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh và phục hồi trở lại.

Theo Thống đốc NHNN : nếu lạm phát giảm xuống mức từ 8-8,5% thì lãi suất sẽ hạ xuống 10%. Đại diện NHNN cũng cho hay, với mức tăng 1% của CPI trong tháng 1/2012 đã tạo tiền đề tốt để thực hiện chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ. NHNN cũng đang tập trung vào việc xử lý thanh khoản của các tổ chức tín dụng. Nếu xử lý tốt vấn đề này sẽ tạo thêm tiền đề vững chắc cho việc giảm lãi suất trong năm 2012. Đây cũng chính là thông tin được mong mỏi nhất trong năm nay của cộng đồng đầu tư và các doanh nghiệp.

Xu hướng M&A
 
Khi khủng hoảng xảy ra, tài sản mất giá, thanh khoản thị trường yếu cũng là cơ hội để hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) nở rộ. Năm 2011 đã có rất nhiều thương vụ thay tên đổi chủ như Masan mua cổ phần chi phối Vinacafe Biên Hoà, Hùng Vương mua Faquimex Bến Tre, Unicharm mua 95% cổ phần Diana, Fortis Healthcare mua 65% cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ… Năm nay hoạt động M&A được dự báo sẽ còn sôi động hơn.
 
Mùa đại hội cổ đông bắt đầu khoảng từ tháng 3 trở đi được dự báo cũng sẽ xuất hiện nhiều thông tin bất ngờ liên quan tới thay đổi chủ sở hữu. Ngoài ra, các dự án bất động sản gặp khó khăn trả nợ sẽ phải bán, sang nhượng để thu hồi vốn.
 
Mảng thông tin M&A năm nay sẽ dành được nhiều quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là các tổ chức sẵn tiền. Tuy vậy, thông tin trong mảng này thường là kín đáo, không công khai.

Ông Đặng Như Tùng, đại diện Cổng thông tin – dữ liệu tài chính chứng khoán Việt Nam CafeF - nhận xét " Thị trường Việt Nam rất dễ tổn thương. Khi có một cú sốc xảy ra tài sản không những rớt giá nhanh mà còn kèm theo mất luôn thanh khoản thị trường. Việc mất thanh khoản là tồi tệ nhất. Do đó, để giảm bớt rủi ro, các nhà đầu tư sẽ phải theo dõi nền kinh tế toàn diện hơn là chỉ đầu tư theo tăng trưởng của một vài chỉ số như trước đây."

Năm 2011 qua đi với không ít những thăng trầm và đầy bất ngờ đối với các nhà đầu tư. Năm nay được dự báo là lúc kinh tế VN chuẩn bị đón nhận những thách thức và cơ hội mới sắp đến. “Con tàu kinh tế 2012” dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít điểm sáng.