Còn kịp đầu tư vào thị trường điện mặt trời Việt Nam?

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, tổng quy mô các dự án điện mặt trời của cả nước đã và đang được xét duyệt hiện lên đến khoảng 19.000MW. Trong đó, khoảng 86 dự án với tổng công suất 3.000MW đã được chấp thuận đầu tư, dự kiến sẽ đưa vào vận hành trước tháng 6.2019.

Cuộc chạy đua với thời gian

30.6.2019 là thời hạn cuối cùng để các nhà máy điện mặt trời vận hành thương mại nếu muốn hưởng các cơ chế ưu đãi. Cụ thể, theo Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ điện từ dự án điện mặt trời với giá tương đương 9,35 UScent/kWh (tương đương 2.086 đồng/kWh).

Đây là mức giá được cho là có thể giúp các nhà đầu tư thu lãi. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ có những ưu đãi khuyến khích đi kèm khác như miễn giảm thuế, ưu đãi đất đai… Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là Quyết định trên chỉ có hiệu lực đến 30.6.2019. Sau thời hạn này, các nhà máy điện mặt trời muốn bán điện vào mạng lưới quốc gia sẽ theo cơ chế đấu thầu và có thể chịu những rủi ro xảy đến do thay đổi chính sách cũng như giá bán điện.

Còn kịp đầu tư vào thị trường điện mặt trời Việt Nam? - 1

Điều đáng nói là, hiện mới chỉ khoảng 1/4 số dự án điện mặt trời đăng ký được Nhà nước phê duyệt để sẵn sàng vận hành thương mại trước ngày 30.6.2019. Còn lại, các dự án đầu tư điện mặt trời có thể sẽ lỡ cơ hội hưởng các ưu đãi chính sách. Nhưng điều đó không ngăn cản sức nóng của ngành điện mặt trời Việt Nam.

Xu hướng lạc quan

Theo dự kiến, năng lượng mặt trời sẽ chiếm 3,3% tổng công suất phát điện vào năm 2030, tiếp theo là chiếm 20% vào năm 2050. Theo xu hướng chung, Việt Nam đang cố gắng phát triển điện mặt trời thành một nguồn năng lượng chính của đất nước.

Tuy nhiên hiện nay, như đánh giá của ông Nguyễn Trịnh Hoàng Anh, chuyên gia Kinh tế và Chính sách Năng lượng thì thị phần của nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, phong điện) còn rất thấp, dưới 1%.

Còn kịp đầu tư vào thị trường điện mặt trời Việt Nam? - 2

Chuyển dần và phát triển mạnh lĩnh vực điện mặt trời là xu hướng mà các nước thế giới đang tập trung. Báo cáo thường niên về năng lượng tái tạo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, từ nay đến năm 2022, gần 1.000 GW năng lượng tái tạo sẽ được lắp đặt trên toàn thế giới. IEA ước tính đến thời điểm đó, năng lượng tái tạo sẽ cung cấp 30% sản lượng điện của thế giới, so với mức 24% hiện nay. Dự báo này cao hơn 12% so với mức dự đoán của năm ngoái.

IEA còn cho biết, Trung Quốc và Ấn Độ, Mỹ sẽ là những quốc gia phát triển mạnh nhất về năng lượng xanh. Trong đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư. Cùng với Trung Quốc, Nhật Bản ủng hộ các nghiên cứu khoa học và hỗ trợ tích cực cho ngành điện mặt trời phát triển. Riêng Hàn Quốc cũng có chế độ ưu đãi mới cho các nhà sản xuất và tiêu dùng năng lượng tái tạo. Điển hình, Hàn Quốc sẽ mở rộng trợ cấp để hỗ trợ tới 50% chi phí lắp đặt các hệ thống pin năng lượng mặt trời tại các hộ gia đình và trường học.

Còn kịp đầu tư vào thị trường điện mặt trời Việt Nam? - 3

Như vậy, đấu thầu cạnh tranh trong lĩnh vực điện mặt trời không hẳn là cửa hẹp đối với các nhà đầu tư. Nhưng ở Việt Nam, để có được lợi thế trong đấu thầu cũng như giải được bài toán kinh doanh khi giá trúng thầu có thể rẻ hơn mức 9,35 Uscent/KWh, các doanh nghiệp sẽ phải suy tính rất nhiều.

Lời giải mới cho bài toán cũ

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, giám đốc khối kinh doanh Tập đoàn Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK Holdings) cho biết: “Với những vướng mắc còn tồn tại về giá bán điện, chúng tôi tập trung phát triển mảng điện mặt trời áp mái vì thị trường này không bị phụ thuộc nhiều vào vấn đề trên, trong khi năng lượng mặt trời là xu hướng tất yếu và người dân đang có sự hưởng ứng tích cực trong thời gian qua. Đồng thời, với mảng nhà máy điện mặt trời, chúng tôi tập trung cung cấp các đơn hàng pin mặt trời và cung cấp dịch vụ thầu EPC và O&M với lợi thế nhà máy và nhân sự tại địa phương, giảm áp lực về chi phí và thời gian vận chuyển cho các dự án điện mặt trời quy mô lớn.”

Bà Quỳnh cho biết thêm, hiện nay hầu hết các nhà đầu tư đều yêu cầu tấm pin mặt trời của các doanh nghiệp Tier 1 (doanh nghiệp có mức tín nhiệm cao nhất và được ngân hàng bảo lãnh). Những doanh nghiệp này có công suất sản xuất cao nên thường yêu cầu đơn đặt hàng lớn để giảm định phí và yêu cầu trả tiền mặt một lần, dẫn đến các chi phí phát sinh như thuê kho hàng và ngâm vốn.

Còn kịp đầu tư vào thị trường điện mặt trời Việt Nam? - 4

Nhà máy pin mặt trời của công ty năng lượng IREX - Một thành viên của SolarBK có thể giải quyết vấn đề này và làm “nhẹ” chi phí đầu tư bằng cách cung cấp đơn hàng linh hoạt theo tiến độ thi công của nhà đầu tư. Với công suất nhà máy 500 MWp cùng dây chuyền tự động hóa, đạt các tiêu chuẩn Quốc tế xuất vào thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, IREX là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tốt các yêu cầu của nhà đầu tư về pin mặt trời. Hiện doanh nghiệp này đã làm việc được với 3 ngân hàng đồng ý bảo lãnh các đơn hàng pin mặt trời trên 1,5 MW, làm tiêu chí xét duyệt Tier 1 vào năm 2020.

Như vậy, lợi thế của IREX tại thị trường Việt Nam cũng được xem là có phần hơn với các doanh nghiệp Tier 1 khác, nếu xét về yếu tố địa lý và cắt giảm các chi phí cố định khác cho nhà đầu tư. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của công ty mẹ SolarBK Holdings cùng hệ sinh thái khép kín của tập đoàn này, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nếu hợp tác cùng doanh nghiệp.

“70% doanh thu của IREX hiện đến từ xuất khẩu nhưng tỷ trọng này có thể thay đổi khi thị trường điện mặt trời Việt Nam thực sự phát triển mạnh. Đón đầu xu hướng tại nước nhà, IREX đang chuẩn bị những kế hoạch quan trọng, đặc biệt là hoàn thành mục tiêu Tier 1 trong 2020. Trong tháng 6 và tháng 9 vừa qua, IREX tiếp tục tham dự các sự kiện triển lãm Quốc tế InterSolar tại khu vực Châu Âu và SPI tại khu vực Bắc Mỹ, đồng thời mở thêm các chi nhánh, làm bàn đạp tiếp tục vươn mạnh ra Thế giới.” - Bà Quỳnh cho biết thêm.

Để đạt được chuẩn Tier 1 của Tổ chức Bloomberg New Energy Finance (BNEF), doanh nghiệp đó phải cung cấp sản phẩm cho ít nhất 6 đơn hàng được 6 bảo lãnh bởi ngân hàng khác nhau, tính trong vòng 2 năm. Trong đó, mỗi đơn hàng có công suất trên 1,5 MWp; sản phẩm phải được sản xuất và thương mại dưới tên chủ sở hữu. Nếu đúng như kỳ vọng của công ty IREX, đây sẽ là cú hích lớn cho ngành năng lượng sạch Việt Nam, được xem là sự đầu tư xứng đáng trong bối cảnh hiện nay.

KL