1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Cơn gió lạ” trên thị trường viễn thông di động

GTEL Mobile được đánh giá sẽ là “cơn gió lạ” trên thị trường viễn thông di động trong nước bởi lần đầu tiên Việt Nam có một mạng di động quốc tế với sự đầu tư của Tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới VimpelCom.

Rất nhiều doanh nghiệp và cả người tiêu dùng đang chờ xem với sự hậu thuẫn của “đại gia” VimpelCom, GTEL Mobile sẽ thổi “luồng gió” này như thế nào.

 

Sự mong chờ GTEL Mobile sẽ có những chiến lược gì không phải là không có lý khi mà tính đến thời điểm này, GTEL Mobile vẫn là mạng di động đến sau, thị trường viễn thông di động Việt Nam gần như đã trở thành chiếc áo khá chật với 6 mạng viễn thông di động đang ganh đua quyết liệt. Nếu là trước đây, S-Fone có thể phát triển trước 2 đại gia VinaPhone và MobiFone nhờ chiến lược “đại dương xanh”, không đối đầu trực tiếp mà đi vào những phân khúc các mạng khác chưa hướng đến là khai thác dịch vụ di động trền nền công nghệ CDMA; Viettel tạo dựng được vị thế nhờ “bom tấn” giá rẻ... thì nay GTEL Mobile cũng sẽ phải chọn cho mình một chiến lược độc đáo trong cuộc đua mà GTEL Mobile đã xuất phát chậm hơn các đối thủ khác và gặp phải không ít khó khăn. Chính vì lý do trên mà người ta muốn chờ xem, GTEL Mobile sẽ xoay sở thế nào, liệu sự hậu thuẫn của “ông lớn” VimpelCom có đủ để GTEL Mobile tạo nên một cú nhảy ngoạn mục không.

 

Ông Aleksey Yu Blyumin, Giám đốc GTEL Mobile cho rằng, mức độ thâm nhập mạng di động của Việt Nam hiện nay là 85%. Nhưng con số này không phải là quá quan trọng, vì thực tế ở nhiều thị trường con số này thậm chí có thể lên tới 100%. Tại Đông Âu, sự cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông cũng rất gay gắt, mức độ thâm nhập thực tế lên tới trên 100%. Cũng theo ông Aleksey Yu Blyumin, chính nhờ sự cạnh tranh như vậy mới khiến cuộc chơi thú vị hơn, đòi hỏi tất cả các nhà khai thác phải có tính chiến đấu cao. Thị trường Việt Nam vẫn là một cơ hội kinh doanh tốt.

 

Theo nhiều chuyên gia viễn thông, dù thị trường viễn thông Việt Nam không còn là “kẹo ngọt” nhưng nếu có một chiến lược kinh doanh đúng đắn cộng với tiềm lực tài chính thì GTEL Mobile hoàn toàn có thể thành công, mà tiềm lực kinh tế là điều đã nhìn thấy trước. Bởi thực tế cho thấy dù thị trường Việt Nam đã có hơn 90 triệu thuê bao có thể coi là thị trường đã bão hòa nhưng số lượng thuê bao ảo chiếm rất lớn và chưa kể trường hợp một người dùng cùng lúc nhiều số. Các thuê bao trên thị trường hiện nay sẵn sàng bỏ mạng đang dùng để sang một mạng mới nếu mạng đó giá rẻ hơn. Tình trạng nghẽn mạng, mất sóng, tin nhắn rác… vẫn thường xuyên diễn ra. Nếu GTEL Mobile khắc phục được những nhược điểm này thì khả năng thành công của GTEL Mobile còn cao hơn nữa. Cũng theo các chuyên gia, giống như các câu chuyện hợp tác giữa thương hiệu Việt và một thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, khi hợp tác với một công ty lớn như VimpelCom, cái được của GTEL Mobile không chỉ dừng lại ở lợi ích kinh tế mà còn là thương hiệu cũng được “nâng tầm”, đội ngũ nhân lực cũng được bổ sung. Vì vậy, khả năng thành công của GTEL Mobile là hoàn toàn có thể.

 

 

 

 

 

“Cơn gió lạ” trên thị trường viễn thông di động - 1

 

 

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Thông tin - Truyền thông, mạng di động hợp tác giữa GTEL Mobile và VimpelCom sẽ chính thức “trình làng” vào tháng 7 sắp tới và không loại trừ khả năng “người khổng lồ” VimpelCom sẽ mang thương hiệu di động đã rất nổi tiếng của họ là Beeline vào Việt Nam. Nếu quả như vậy, mạng di động thứ 7 tại Việt Nam không chỉ là mạng di động quốc tế đầu tiên mà còn là một mạng đi dộng đã có sẵn thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Hy vọng họ sẽ là một cơn gió thực sự “lạ” thổi vào thị trường viễn thông di động Việt Nam thời điểm này.
 
Theo kế hoạch, GTEL Mobile sẽ đi theo công nghệ GSM/EDGE và là mạng di động công nghệ 2,75 G  tại Việt Nam. Trong dự án GTEL Mobile, Tổng công ty GTEL chiếm giữ 60% cổ phần và VimpelCom nắm giữ 40% cổ phần còn lại. . VimpelCom là một trong những mạng di động hàng đầu tại khu vực Đông Âu, toàn bộ các dịch vụ viễn thông của tập đoàn được cung cấp dưới thương hiệu thống nhất là Beeline.
 

Năm 2009 thương hiệu Beeline được đánh giá vào khoảng 8,9 tỷ USD và lọt vào top 100 thương hiệu đắt giá nhất thế giới và top 10 tên tuổi đắt giá nhất trên thị trường viễn thông, theo hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Millward Brown Optimor. Chỉ trong vòng 5 năm gần đây, giá trị thương hiệu của Beeline đã tăng 49% so với con số 5 tỷ USD của năm 2005, khi Beeline bắt đầu tham gia xếp hạng