Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với những viên đạn cuộc đời

(Dân trí) - Dù có thất bại, hay thành công, thì trong đôi mắt xạ thủ người Quân đội vẫn ánh lên nỗi buồn khó tả. Những viên đạn cuộc đời khiến Xuân Vinh nhiều lần mất huy chương, nhưng trên hết là nỗi đau mà anh từng chịu đựng cùng tuổi thơ đầy cơ cực.

Mồ côi mẹ khi chỉ mới 3 tuổi, tuổi thơ với Xuân Vinh là chuỗi ngày cơ cực. Thương con, bố Vinh đi bước nữa. Tuy nhiên, cũng như người mẹ đẻ, khi mà Vinh chưa cảm nhận được tình thương mẫu tử thì người mẹ kế dính căn bệnh quái ác liệt nửa người.

“Mẹ của tôi mất. Khó khăn thêm chồng chất, bố tôi làm đủ mọi nghề để nuôi anh em ăn học. Khi cuộc sống đỡ cơ cực hơn, thương bố, chúng tôi động viên ông đi bước nữa, nhưng rồi căn bệnh liệt nửa người quái ác với người mẹ kế, lại đẩy gia đình tôi vào cảnh bữa no, bữa đói”, Vinh kể.

Lần này thì Vinh quyết không để mất mẹ một lần nữa. Sau giờ học, người ta lại thấy thằng Vinh còi nhom về giúp bố bán hàng và làm đủ thứ công việc để lo tiền thuốc cho mẹ.


Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã vượt qua những khó khăn để thăng hoa tại đấu trường Olympic

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã vượt qua những khó khăn để thăng hoa tại đấu trường Olympic

Người mẹ thứ 2 của Vinh đã qua đời. Với Vinh, dường như anh đã quá quen với những nỗi đau, sự hy sinh. Môt số phận đầy bất hạnh và hy sinh, nhưng không biết có phải vì thế, mà làng súng Việt Nam đã sinh ra một Hoàng Xuân Vinh luôn biết cách vượt qua mọi gian khó, mang bao chiến tích về cho thể thao nước nhà.

Bắn súng là môn thể thao vô cùng khắc nghiệt. Các xạ thủ không chỉ phải trải qua một cuộc đấu sức, đấu trí căng thẳng, mà họ có thể tay trắng chỉ vì một viên đạn bắn không trúng đích. Từng lập nhiều chiến tích cho bắn súng Việt Nam, nhưng xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cũng không ít lần rơi vào cảnh thất bại đầy tiếc nuối. Thế nhưng, thất bại với Xuân Vinh luôn là mẹ của thành công. Cho đến giờ, làng bắn súng Việt Nam vẫn ghi nhận Xuân Vinh là xạ thủ số 1, lập bao chiến tích, cột mốc cho bắn súng nước nhà.

4 năm trước, tại Olympic 2012, vị là Đại tá Quân đội này từng phải trải qua nỗi đau để đời khi hụt mất tấm HCĐ theo cách không thể nghiệt ngã hơn ở nội dung 50m súng ngắn bắn nhanh.

Trong bài thi chung kết, Xuân Vinh thi đấu cực tốt ở 8 loạt bắn đầu tiên, giành tới 563 điểm. Ở viên thứ 9, chỉ cần bắn vào ô 8 điểm, Xuân Vinh sẽ chắc chắn đoạt HCĐ.

Dù vậy ở lượt bắn này, anh chỉ ghi được 7,3 điểm trong khi những đối thủ cạnh tranh đều ghi trên 9 điểm. Sau đó, dù bắn được 10,2 điểm ở lượt thứ 10, Hoàng Xuân Vinh chỉ đạt 658,5 điểm, kém đối thủ đoạt HCĐ Wang Zhiwei (Trung Quốc) đúng 0,1 điểm. Trước đó Vinh cũng để hụt HCV ở ASIAD 2010 vì để súng cướp cò đúng viên đạn cuối.

Qua 4 năm, Vinh đã liên tục tạo đột phá để từ vị thế của một đấu thủ có thể tạo bất ngờ trở thành ứng viên tranh chấp sòng phẳng huy chương tại mọi giải đấu quốc tế. Năm 2013, Vinh từng giành HCV giải súng hơi châu Á. Năm 2014, anh thậm chí còn đoạt HCĐ kèm theo 1 kỷ lục thế giới tại Cúp vô địch thế giới.

Ngoài những tấm HCV SEA Games treo đầy trong tủ kính, Xuân Vinh đã chinh phục được những đỉnh cao ở sân chơi thế giới, gần nhất là tấm HCV và cũng là KLTG ở cúp bắn súng thế giới tại Mỹ. Xuân Vinh đã xuất sắc bảo vệ được ngôi vô địch của mình. Không những vậy, sau 61 năm, bắn súng Việt Nam mới có một xạ thủ phá được kỷ lục thế giới (trước đó là xạ thủ Trần Oanh năm 1953).

Đặc biệt, rạng sáng nay, Xuân Vinh đã thể hiện bản lĩnh cao cường của mình ở loạt bắn chung kết để xuất sắc giành HCV, phá kỷ lục Olympic. Lần đầu tiên trong lịch sử, quốc kỳ Việt Nam được cất lên ở thời khắc trang trọng nhất của Thế vận hội Rio 2016 và cái tên Hoàng Xuân Vinh đã đi vào lịch sử với 202,5 điểm.

“Huy chương cũng là cách có thêm đồng tiền trang trải cuộc sống. Song, bản lĩnh chỉ đến khi người ta được tôi luyện trong môi trường khắc nghiệt thực sự. Đó là những cuộc đầu sức, đấu trí, là trách nhiệm với quốc gia, với chính bản thân mình”, Xuân Vinh tâm sự.

Già nhất đội, với hàm Đại tá Quân đội, giờ Vinh dường như đã có tất cả. Thế nhưng, anh chưa nghĩ mình lại giải nghệ ở thời điểm này, bởi như lão tướng Mạnh Tường chỉ nghỉ khi bước qua tuổi 50-độ tuổi tay run, mắt kém không thể cầm súng.

“Theo quy luật, cứ già là nghỉ thôi, cố mãi làm gì. Nhưng tôi nghĩ, mình vẫn chơi được ít năm nữa. Mắt tôi còn tinh, tay tôi còn vững, cái đầu không bị dao động, thì còn bắn súng được. Hơn nữa giờ lứa đàn anh ở đội tuyển bắn súng, còn ai đâu. Nếu tôi nghỉ, ai sẽ là người dẫn dắt lớp trẻ. Bọn trẻ so với thời chúng tôi ngày xưa, kém hơn nhiều”, Xuân Vinh chia sẻ.

Những viên đạn trở thành nỗi ám ảnh, nhưng cũng có những viên đạn đã đưa Xuân Vinh lên đỉnh cao của sự nghiệp. Giờ thì anh còn có trách nhiệm dìu dắt những lớp trẻ của bắn súng Việt Nam và đó cũng là một viên đạn cuộc đời mà anh phải bắn trúng hồng tâm.

B.Tường

Dòng sự kiện: Olympic Rio 2016

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm