1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Giá trị võ thuật Trung Quốc không nằm ở thực chiến

(Dân trí) - Dù vẫn còn nhiều quan điểm bảo vệ sức mạnh võ thuật truyền thống Trung Quốc, tuy nhiên có lẽ tất cả đều phải đồng ý rằng giá trị cốt lõi của võ thuật Trung Quốc không nằm ở thực chiến.

Vài năm gần đây, những nghi ngờ võ thuật truyền thống Trung Quốc dối trá, lừa bịp ngày càng gia tăng mạnh. Vốn từ vị thế được cả thế giới ngưỡng mộ thì giờ đây lại bị đặt dấu hỏi lớn, bởi rất nhiều võ sĩ của các môn phái võ thuật truyền thống Trung Quốc thất bại ở những trận chiến trước các đối thủ đến từ các môn phái khác, đặc biệt MMA (Võ thuật tổng hợp), Muay Thái… Thậm chí nhiều "sư phụ" trong làng võ cổ truyền Trung Quốc thua rất nhanh khi giao đấu.

Giá trị võ thuật Trung Quốc không nằm ở thực chiến - 1

Võ sĩ MMA Từ Hiểu Đông nhiều lần giao đấu, thách đấu với các võ sĩ võ thuật cổ truyền Trung Quốc.

Cộng thêm hàng loạt các "võ sư giả", thể hiện khoe mẽ võ công trên mạng xã hội thay vì thực tế, khiến võ thuật cổ truyền Trung Quốc càng chịu nhiều lời đàm tiếu. Những tranh cãi sẽ không bao giờ dứt, khả năng thực chiến của võ thuật cổ truyền Trung Quốc tới đâu cũng không thể định lượng rõ ràng. Tuy nhiên, dù phản đối hay ủng hộ thì có lẽ mọi người đều phải thừa nhận rằng giá trị cốt lõi của võ thuật truyền thống Trung Quốc không nằm ở thực chiến.

Bàn về vấn đề này, trên Sohu có bài viết: "Võ cổ truyền có thực lực chiến đấu không?". Bài viết cho biết:

"Chúng ta đều biết rằng văn hóa võ thuật của Trung Quốc rất rộng lớn và sâu sắc, bởi vì ngay từ khi người xưa cố gắng tồn tại, võ thuật đã bắt đầu nảy mầm. Vì vậy, lịch sử của võ thuật rất lâu đời. Vào thời Chiến Quốc, do đấu tranh con người đã phát minh ra vũ khí, khiến võ thuật chỉ xuất hiện trong các cuộc chiến tranh. Với sự phát triển của thời đại và sự tiến bộ của công nghệ, ngày nay võ thuật không còn cần thiết trong các trận chiến bởi các vũ khí công nghệ cao sẽ được sử dụng".

Giá trị võ thuật Trung Quốc không nằm ở thực chiến - 2

Trên phim ảnh, võ thuật Trung Quốc có sức mạnh phi phàm.

Một trong những nguyên nhân khiến thế giới hiểu lầm về võ thuật Trung Quốc là bởi phim ảnh: "Dưới ảnh hưởng của các bộ phim điện ảnh và truyền hình, dường như ai cũng nghĩ võ thuật vô cùng lợi hại. Xét cho cùng, các nhân vật chính trong phim ảnh đều là cao thủ võ lâm, có thể đánh bại trăm người, có thể bay trên không, nhảy qua tường chỉ bằng cái nhún nhẹ.... Nhưng đấy chỉ là phim ảnh, ngoài đời không phải như vậy. Vậy ngoài đời võ cổ truyền có thực chiến được không? Khả năng chiến đấu thực tế mạnh đến mức nào? Đây cũng là vấn đề mà mọi người đều rất quan tâm, dù sao thì võ thuật Trung Quốc rất rộng, nhưng nhiều người không hiểu gì về tinh hoa dân tộc Trung Quốc, bởi họ bị ảnh hưởng qua các bộ phim.

Trên thực tế, võ thuật cổ truyền Trung Quốc được kết hợp với văn hóa Nho giáo, vì vậy võ thuật thực sự không phải để chiến đấu, mà là để truyền bá một tư tưởng Nho giáo rằng hòa bình là điều quan trọng nhất. Bởi ngoài đời, võ thuật chỉ để vun đắp tình cảm, tu thân. Hơn nữa, võ học biểu hiện một loại mỹ đức, không phải mục đích hướng nắm đấm lên người khác. Do vậy võ học Trung Quốc không có thực lực thực chiến quá mạnh, nhưng có thể khiến người ta bình tĩnh mà bồi dưỡng tâm tính, có thể cường tráng thân thể. Cho nên thực lực chiến đấu của võ học không quá quan trọng, cũng không thể nói võ cổ truyền là dối trá. Võ cổ truyền đã trở thành văn hóa Trung Quốc và là biểu tượng của đất nước Trung Quốc.

Giá trị võ thuật Trung Quốc không nằm ở thực chiến - 3

Võ thuật cổ truyền Trung Quốc không đặt nặng khả năng thực chiến.

Có thể nói, võ thuật cổ truyền là nhân tố quan trọng trong việc truyền bá văn hóa Trung Quốc ra thế giới bên ngoài và là cơ hội để người nước ngoài tìm hiểu về Trung Quốc. Hơn nữa, trong văn hóa truyền thống Trung Quốc luôn chủ trương hòa bình, nếu có mưu cầu quyền lực quá mức thì cũng vi phạm ý đồ ban đầu của văn hóa truyền thống nước nhà. Võ học, sự coi trọng của nó còn lớn hơn khả năng thực chiến.

Suy cho cùng, võ công là kỹ năng cổ truyền, cũng giống như xe ngựa thời cổ đại, nhưng bây giờ đánh nhau là xe hơi. Câu trả lời đã rõ ràng, nhưng chúng ta không thể phủ nhận giá trị của xe ngựa, vì vậy dù võ thuật không có khả năng thực chiến nhưng chúng ta không thể phủ nhận giá trị của võ thuật cổ truyền".

Có lẽ nhiều người đồng tình với quan điểm trên, bởi trên thực tế với hàng trăm phái võ khác nhau tồn tại ở Trung Quốc, bộ môn Thái Cực Quyền đang có được số lượng học viên đông nhất, chiếm thị phần lớn nhất. Tuy nhiên, môn phái này cũng nổi tiếng với việc "không biết đánh đấm".

Vì vậy, nếu bỏ qua việc "làm màu" của một số "sư phụ", một số cá nhân liên quan thì thấy được giá trị cốt lõi của võ truyền thống Trung Quốc không nằm ở sức mạnh như nhiều môn võ thuật khác, vì vậy cũng dễ hiểu khi các môn sinh của các phái võ cổ truyền Trung Quốc lại thua các võ sĩ của MMA, Muay Thái, Kickboxing... ở những trận chiến đối kháng.