Vì sao Taekwondo Việt Nam thất bại ở sân chơi tầm thế giới?
(Dân trí) - Trả lời cho việc Taekwondo Việt Nam không có suất dự Olympic Rio 2016, chủ tịch Liên đoàn Taekwondon Việt Nam Trương Ngọc Để cho rằng chúng ta chuẩn bị kém. Nhưng lời giải thích này chưa thuyết phục và không phản ánh chính xác sự sa sút có hệ thống của bộ môn.
Cần nhắc lại rằng sự đi xuống của Taekwondo Việt Nam không chỉ ở vòng tuyển chọn VĐV tham dự Olympic Rio 2016 – khu vực châu Á, diễn ra tại Philippines mới đây. Thất bại đấy chỉ là đỉnh điểm của quá trình sa sút kéo dài, mang tính hệ thống, khiến dư luận và báo chí không thể ngồi yên, chứ không phải là thất bại đơn lẽ, mang tính thời điểm.
Trước khi Taekwondo Việt Nam chính thức mất suất dự Thế vận hội vào mùa hè năm nay, chúng ta nhiều năm qua cũng không còn đủ sức cạnh tranh tấm HCV ở các kỳ Asiad. Cho dù, có thời đấy là thế mạnh của chúng ta.
Thành tích của các VĐV Taekwondo ở các kỳ Asiad và Olympic nói chung cũng đi xuống dần đều, tức là kỳ giải sau lại ít cơ hội hơn kỳ giải trước. Ví dụ như ở đầu trường Asiad, trong các năm 1994 và 1998, chúng ta có HCV (lần lượt thuộc về Trần Quang Hạ và Hồ Nhất Thống). Đến năm 2006, xuống dần ở mức cạnh tranh HCV (Hoàng Hà Giang giành HCB). Rồi đến các năm 2010 và 2014, khả năng cạnh tranh này cũng không còn.
Thành ra, lời giải thích của chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam Trương Ngọc Để rằng chúng ta mất suất dự Olympic Rio 2016 vì chuẩn bị kém là không thuyết phục và chưa đầy đủ.
Mà đã đề cập đến khâu chuẩn bị, có lẽ chúng ta không chỉ chuẩn bị kém ở giải này, mà còn kém trong suốt nhiều năm, dẫn đến chất lượng VĐV và sức cạnh tranh của chúng ta ngày càng kém.
Đấy là sự yếu kém trong khâu tuyển chọn VĐV, làm cho chất lượng các tài năng giảm sút. Đấy còn là sự định hướng sai lộ trình. Ví dụ Taekwondo Việt Nam vẫn có HCV ở các nội dung biểu diễn tầm châu Á, nhưng lại thiếu khả năng cạnh tranh ở các nội dung đối kháng, trong khi phong trào Olympic chỉ xem trọng nội dung đối kháng, không đưa các nội dung biểu diễn vào chương trình thi đấu.
Điều đó cho thấy bộ môn Taekwondo đang ngược lại xu thế chung của ngành TDTT, trong việc đầu tư trọng điểm hướng về Asiad và Olympic.
Cũng nhân nói chuyện về công tác phát hiện và đào tạo VĐV Taekwondo trong vài năm qua, công tác này khó bảo là tốt, khi các đơn vị thay vì tìm kiếm và phát triển nguồn tài năng của mình, lại chọn cách vay mượn quân của nơi khác để đi tìm thành tích nhất thời (mà đỉnh điểm là chuyện một số quan chức ngành TDTT TPHCM từng phải giải trình với cơ quan chủ quản về việc đem quân cho nơi khác mượn tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014, khiến dư luận bức xúc). Vấn đề đấy cũng chưa được đề cập thẳng thắn và mổ xẻ đến nơi đến chốn.
Một vấn đề khác được chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam Trương Ngọc Để nhắc đến rằng thất bại của Taekwondo Việt Nam xuất phát từ sự sa sút của Taekwondo TPHCM, nơi nhiều nhân tài gồm các VĐV nổi tiếng năm nào giờ trên tư cách là HLV không cùng nhìn về một hướng để giúp phong trào chung phát triển.
Về vấn đề này, trên cương vị là những người quản lý tầm vĩ mô, câu hỏi được đặt ra là Liên đoàn Taekwondo Việt Nam cũng như bộ môn thuộc Tổng cục TDTT biết chuyện, nhưng sao không chấn chỉnh, mà để tình trạng đấy kéo dài, dẫn đến sự đi xuống có hệ thống ở một môn từng được cho là niềm tự hào của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế?
Kim Điền