1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

VFF khi nào thôi hết chuyện?

(Dân trí) - Càng sát ngày Đại hội nhiệm kỳ VFF thì chính các quan trong tổ chức này càng cãi nhau to. Thậm chí Phó chủ tịch (PCT) phụ trách tài chính – vận động tài trợ kiêm ông bầu bóng đá Đoàn Nguyên Đức còn đòi bỏ bóng đá, khiến mọi thứ trở nên phức tạp.

Có đúng, có sai và có chỗ chưa đủ

Cách nay không lâu, đứng trước câu hỏi cắt cớ của truyền thông, rằng “Các anh nói thật đi, nội bộ VFF có đoàn kết hay không?”, PCT phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Gụ đã trả lời rằng “VFF không phải không đoàn kết, mà là đoàn kết… chưa cao”.

Bây giờ thì qua cách các quan chức VFF cãi nhau, thậm chí nói xấu nhau trên các phương tiện truyền thông, người ngoài càng hiểu rõ mức độ “đoàn kết” của bộ máy điều hành bóng đá nội ở mức nào.

Bầu Đức mấy ngày qua là người dội bom mạnh mẽ nhất vào VFF trước thềm Đại hội nhiệm kỳ 8. Vấn đề là trong triền miên các phát biểu của ông bầu này, có chỗ đúng, có chỗ sai và có chỗ chưa đủ.

Càng gần đến ngày Đại hội nhiệm kỳ mới, nội bộ VFF càng xuất hiện nhiều thông tin mang tính công kích lẫn nhau (ảnh: Trọng Vũ)
Càng gần đến ngày Đại hội nhiệm kỳ mới, nội bộ VFF càng xuất hiện nhiều thông tin mang tính công kích lẫn nhau (ảnh: Trọng Vũ)

Chuyện ông Đức chỉ trích VFF sai sót trong việc lập danh sách ứng viên cho các chức danh lãnh đạo nhiệm kỳ mới, mà bỏ qua một số đề cử của các tổ chức thành viên VFF là đúng. Hiện, VFF cũng đã sửa sai bằng việc cho gia hạn thời gian đề cử các ứng viên.

Ông Đức nói đến chuyện ứng cử viên ghế PCT phụ trách tài chính – vận động tài trợ Trần Anh Tú hiện đang kiêm nghiệm quá nhiều ghế cũng có lý của ông Đức. Bản thân ông Tú cũng đã nói rõ rằng trước đó ông từng tuyên bố, trên tư cách chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VPF rằng ông sẽ tuyển Tổng giám đốc và Trưởng ban điều hành giải mới, sau khi tìm được người phù hợp, và đặc biệt là sau khi ông Tú cùng HĐQT VPF giải quyết xong những rắc rối tồn tại từ nhiệm kỳ cũ của VPF.

Nhưng cãi nhau đến mức đòi bỏ bóng đá, tẩy chay hệ thống thi đấu quốc nội và đẩy giải V-League vào cảnh xáo trộn như bầu Đức tuyên bố là không hợp lý. Thứ nhất, đấy là vị đương kim PCT VFF thiếu trách nhiệm với cương vị của chính mình, trong vai trò một trong những người lãnh đạo của bóng đá nội. Thứ nhì, bầu Đức thiếu trách nhiệm với chính các cầu thủ của ông, những người có nguy cơ… ra đường sau quyết định bỏ bóng đá của ông chủ.

Nếu làm thế, bầu Đức liệu có khác gì những ông bầu nổi tiếng chơi ngông, chơi trội kiểu bầu Trường (V.Ninh Bình), bầu Thuỵ (XM Xuân Thành Sài Gòn), hay Navibank Sài Gòn… đầy scandal trước đây?

Và có một số chuyện bầu Đức cũng không nói đủ. Ví dụ như việc ông Đức tố bộ máy lãnh đạo VFF giải quyết nhiều việc mà không thông qua đầy đủ ý kiến của các uỷ viên thường trực, khiến ông không biết và không thể góp ý.

Ai cũng hiểu, bầu Đức đóng góp nhiều cho bóng đá Việt Nam và dấu ấn của các cầu thủ HA GIa Lai ở giải U23 Việt Nam là minh chứng rõ nét nhất. Tuy nhiên, dư luận cũng cần biết tường tận việc trong suốt gần 4 năm ngồi ở ghế PCT phụ trách tài chính – vận động tài trợ của VFF, công việc cụ thể của bầu Đức là gì? Ông Đức mang về được bao nhiêu bản hợp đồng thật sự có giá trị cho VFF, theo đúng nhiệm vụ chuyên môn của ông?

Người cãi nhau to nhất chưa hẳn là người làm giỏi nhất

Theo nguồn tin từ chính VFF, thì trong 4 năm đấy, bản hợp đồng tài trợ duy nhất mà bầu Đức mang về là hợp đồng với một hãng sữa, nhưng chỉ vào những ngày gần cuối nhiệm kỳ 7 và giá trị của hợp đồng cũng không hề lớn.

Bầu Đức ở nhiệm kỳ 7, dù ngồi ghế PCT phụ trách tài chính - vận động tài trợ, nhưng việc làm thường xuyên của ông Đức không phải là kiếm tài trợ cho VFF, mà là những phát biểu can thiệp sâu vào chuyên môn (ảnh: Trọng Vũ)
Bầu Đức ở nhiệm kỳ 7, dù ngồi ghế PCT phụ trách tài chính - vận động tài trợ, nhưng việc làm thường xuyên của ông Đức không phải là kiếm tài trợ cho VFF, mà là những phát biểu can thiệp sâu vào chuyên môn (ảnh: Trọng Vũ)

Thành ra, nhiệm kỳ 7 của VFF mang tiếng có hai “doanh nhân ngàn tỷ” ngồi ghế lãnh đạo (chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và PCT Đoàn Nguyên Đức), nhưng công tác tài chính và vận động tài trợ đều trông chờ vào những nguồn khác, chứ không từ năng lực kiếm tiền của hai nhân vật này.

Cái thiếu sót tiếp theo của bầu Đức ở chỗ ông liên tục chỉ trích VFF không đề cử được những ứng viên xứng tầm (theo quan điểm của ông Đức), ứng cử vào nhiệm kỳ mới, nhưng bản thân ông Đức trước khi rút cũng không giới thiệu được người kế nhiệm sáng giá, theo đúng chức năng và nhiệm vụ.

Mãi đến khi một bộ phận dư luận lên tiếng, bầu Đức mới chỉ ra 3 cái tên cho vị trí PCT phụ trách tài chính - vận động tài trợ, gồm các ông Phạm Phú Hoà (nguyên Phó TGĐ phụ trách tài chính – vận động tài trợ của VPF), Cao Văn Chóng (nguyên TGĐ VPF) và Lê Thành Trung (Phó TGĐ HDBank).

Ông Phạm Phú Hoà và ông Cao Văn Chóng đã không được các thành viên HĐQT VPF tín nhiệm giao tiếp nhiệm vụ ở nhiệm kỳ mới, chứng tỏ chưa chắc được đánh giá cao về năng lực kiếm tiền, còn ông Lê Thành Trung thậm chí “ngoại đạo” hơn cả người bị bầu Đức chỉ trích là “ngoại đạo” Trần Anh Tú.

Thế mới thấy, các quan ở VFF cãi nhau thì giỏi, nhưng thậm chí người cãi nhau to nhất, mạnh miệng nhất cũng chưa chắc là người làm giỏi nhất! Mà các quan càng cãi nhau, cầu thủ càng ở vào thế khó, trong bối cảnh mà bóng đá Việt Nam vừa mới kéo được khán giả trở lại sân, đã phải chứng kiến thêm nhiều chuyện mất hay, mất vui!

Trọng Vũ

VFF khi nào thôi hết chuyện? - 4

Dòng sự kiện: Đại hội VFF