DMagazine

Vận động viên Nguyễn Văn Lai: Lão tướng "hổ vàng" của điền kinh Việt Nam

(Dân trí) - Đến với điền kinh chuyên nghiệp ở độ tuổi khá muộn, VĐV sinh năm 1986 (Bính Dần) Nguyễn Văn Lai bằng sự kiên trì và ý chí của người lính đã gặt hái được rất nhiều thành công ở bộ môn anh theo đuổi.

Chúng tôi gặp Nguyễn Văn Lai trong một buổi chiều cuối năm Tân Sửu, khi anh và đồng đội đang chuẩn bị bước vào buổi tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia. Anh đã chia sẻ những câu chuyện tới độc giả Dân trí một cách rất chân thật và mộc mạc, như chính con người anh vậy.

Vận động viên Nguyễn Văn Lai: Lão tướng hổ vàng của điền kinh Việt Nam - 1

Bước vào sự nghiệp vận động viên (VĐV) điền kinh chuyên nghiệp ở độ tuổi khá muộn, đã bao giờ điều đó khiến anh cảm thấy băn khoăn khi lựa chọn con đường này?

Đúng vậy, nói về tập điền kinh và thể thao chuyên nghiệp thì tôi là một trong những người tập luyện muộn nhất, nhiều môn khác có thể tập luyện chuyên nghiệp từ khi 6-7 tuổi nhưng cá nhân Lai ở độ tuổi 21 mới chính thức bước chân lên chuyên nghiệp, dù trước đó cũng có tham gia phong trào chạy khi còn đi học, bản thân Lai cũng rất đam mê thể thao.

Vận động viên Nguyễn Văn Lai: Lão tướng hổ vàng của điền kinh Việt Nam - 3

Tuy nhiên, việc tập luyện muộn phần nào cũng có những lợi thế nhất định, cơ thể ở độ tuổi này sẽ ổn định hơn, tôi được hoàn thiện việc học tập, va chạm nhiều nên giao tiếp cũng sẽ tốt hơn so với một số VĐV xa gia đình từ nhỏ. Thời điểm học xong cấp 3, tôi đã xung phong đi bộ đội, lúc đó là 19 tuổi. Hai năm trong quân ngũ là thời điểm giúp bản thân tôi có được rất nhiều thứ, sức khỏe là thứ hàng đầu vì đã là lính thì phải có sức khỏe. Thứ hai nữa là tính kỷ luật, không gì kỷ luật bằng lính. Thứ ba là rèn được ý chí và nghị lực trong quân ngũ, cho tới hiện tại tôi vẫn ghi nhớ được những điều mà thủ trưởng, các anh trong đơn vị đã rèn giũa mình. 

Thật sự ở môi trường quân đội đã giúp Lai có được ý chí kỷ luật thép trong tập luyện và sinh hoạt. Từ những lúc khởi động, thả lòng tôi phải đặt suy nghĩ theo kỷ luật của bản thân đề ra, hôm nay, ngày mai, ngày kia tập luyện ra sao, hồi phục thế nào, chế độ dinh dưỡng phù hợp để đáp ứng được giáo án mà HLV đưa ra.

Vận động viên Nguyễn Văn Lai: Lão tướng hổ vàng của điền kinh Việt Nam - 4

Sang năm 2022, Lai sẽ bước sang tuổi thứ 36 nhưng bản thân luôn cảm nhận được thể trạng như lúc mới tập luyện, chưa hề giảm sút về ý chí cũng như tinh thần. Tôi tập muộn, nhưng muộn chắc. 

Bí quyết để anh luôn giữ được sự bền bỉ trong các đường đua dài khốc liệt như 5.000m, 10.000m, trong khi nhiều VĐV khác thậm chí còn không thể hoàn thành phần thi?

Thứ nhất, chơi được ở thể thao đỉnh cao phải có tố chất, đó là cái khác biệt so với thể thao bình thường, nhờ có nó tôi mới nghĩ tới thành tích để thi đấu các giải trong nước và quốc tế. Thứ hai là sự đam mê, hứng thú với thể thao giúp bản thân tôi tăng thêm nghị lực. Bản thân tôi ngay từ nhỏ đã nghĩ tới việc chơi thể thao và thực sự lúc nào tôi cũng thích chơi thể thao. Điều thứ ba cũng rất quan trọng, đó chính là ý chí và nghị lực, với bộ môn đường trường này nếu không có ý chí, nghị lực, tập luyện một cách khoa học thì rất khó để chinh phục được đỉnh cao cũng như duy trì được thể trạng lâu dài như bây giờ.

Vận động viên Nguyễn Văn Lai: Lão tướng hổ vàng của điền kinh Việt Nam - 5
Vận động viên Nguyễn Văn Lai: Lão tướng hổ vàng của điền kinh Việt Nam - 6
Vận động viên Nguyễn Văn Lai: Lão tướng hổ vàng của điền kinh Việt Nam - 7

Tình hình dịch Covid-19 trong năm qua khiến nhiều giải đấu không được tổ chức, thay vì đó anh chỉ tham gia các giải bán chuyên, điều này liệu có làm ảnh hưởng tới việc duy trì phong độ thi đấu của anh? 

Dịch bệnh 2 năm gần đây khiến mọi thứ trở nên khó khăn, mỗi năm trôi qua tôi lại thêm một tuổi, không được thi đấu cọ sát nhiều khiến tôi phải chủ động hơn trong việc tập luyện. Tôi tìm hiểu trên mạng các phương pháp tập luyện, các bài tập hồi phục cũng như chế độ dinh dưỡng để duy trì thể lực, đặt vào trạng thái luôn sẵn sàng để thi đấu tốt nhất.

Thực tế, với một VĐV chuyên nghiệp trong 12 tháng ít nhất phải thi đấu 6-8 giải để đánh giá được bản thân. Với các giải lớn thì 2 tháng phải chuẩn bị thi đấu một lần, các giải phong trào cũng coi như một bài tập nặng để duy trì cũng như rèn luyện thêm về bản lĩnh khi thi đấu các giải lớn được tốt hơn.

Ở một số môn như bóng đá, bóng chuyền thì cần tinh thần đồng đội ngay kể ở những bài tập, nhưng với điền kinh thì phần lớn nó lại ở sự tập luyện bền bỉ của mỗi cá nhân, vậy đã bao giờ anh cảm thấy nhàm chán trong các bài tập được lặp đi lặp lại quá nhiều?

Đúng vậy, môn điền kinh và nhất là cự ly chạy trung bình và dài, nhiều bài tập lặp đi lặp lại nhàm chán quá. Nhiều VĐV cứ nghĩ các tổ trung bình dài ra sân chỉ ăn với chạy, ngày nào cũng chạy 50-70 vòng mà không nhàm chán, một tuần có 2-3 buổi chạy ít từ 20-30km. Thực tế, tôi luôn suy nghĩ phải làm thế nào để thoát khỏi sự nhàm chán, hôm nay hết động lực thì ngày mai phải tạo ra động lực mới.

Vận động viên Nguyễn Văn Lai: Lão tướng hổ vàng của điền kinh Việt Nam - 8

Với tôi, cách vượt qua điều đó là phải thường xuyên thi đấu, thường xuyên kiểm tra đánh giá kết quả của mình trong một quá trình nào đó thì sẽ bớt đi sự nhàm chán. Nếu chỉ tập luyện mà không thi đấu về lâu dài sẽ giảm đi động lực để duy trì tập luyện lên cao được.

Những kỷ niệm mà anh thấy đáng nhớ nhất khi thi đấu đỉnh cao nhiều năm trong màu áo Đội tuyển quốc gia?

Tôi đã thi đấu cả trăm giải đấu nhưng để nói về kỷ niệm đẹp nhất mà tôi nhớ mãi chính là SEA Games 2015 ở Singapore. Năm đó, tôi đặt mục tiêu giành 2 HCV và phá kỷ lục giải nhưng chung cuộc chỉ đạt 2/3 mục tiêu đề ra, đó là tấm HCV cự ly chạy 5.000m cùng việc phá kỷ lục quốc gia tồn tại 22 năm nội dung thi này. Ở cự ly 10.000m tôi đã không hoàn thành được nhiệm vụ, đó cũng là bài học sâu sắc trên con đường tập luyện, thi đấu của tôi sau này.

Vận động viên Nguyễn Văn Lai: Lão tướng hổ vàng của điền kinh Việt Nam - 9

Câu chuyện về việc phi xe máy từ Bắc Ninh về Mỹ Đức trong lễ đính hôn, anh có thể chia sẻ lại cảm xúc của hiện tại khi nhớ lại thời điểm đó?

Năm 2013, tôi đang học trên Từ Sơn (Bắc Ninh), vợ tôi lúc đó đang làm giáo viên ở Mỹ Đức (Hà Nội). Thời điểm đó, việc học cũng rất bận rộn, nhưng do là ngày quan trọng nên dù mưa lạnh nhưng tôi vẫn phóng xe máy để về đính hôn. Thực sự, cho tới bây giờ tôi vẫn luôn nhớ mãi hình ảnh của ngày đính hôn năm đó.

Vận động viên Nguyễn Văn Lai: Lão tướng hổ vàng của điền kinh Việt Nam - 11

Là một VĐV đỉnh cao thì việc thi đấu xa nhà chắc không phải là điều quá xa lạ, vậy từ phía gia đình anh đã có những động thái như thế nào để ủng hộ, động viên anh thi đấu?

Trong suốt 15 năm qua lúc nào tôi cũng xa nhà hết, chưa lúc nào có cơ hội tập luyện ở gần nhà, nay tập huấn chỗ này, mai tập huấn chỗ khác. Năm 2018, tôi đi tập huấn ở Trung Quốc cũng không có cơ hội về nhà ăn Tết. Năm nay là năm thứ 12 tập trung cùng đội tuyển cũng ít về nhà, có khi 2 tuần hoặc một tháng mới về nhà một lần.

May mắn cho tôi khi vợ cũng từng là một VĐV chạy trung bình dài nên phần nào hiểu được công việc của tôi, chính vì vậy đã động viên tôi cố gắng thực hiện đam mê, khi nào hết đam mê thì về bên vợ con. Thực sự, vợ con và gia đình là nguồn động viên lớn nhất để tôi phấn đấu, tôi cảm thấy rất vui, hạnh phúc với những gì có được ở hiện tại, và biết rằng mình vẫn còn tiếp tục theo đuổi đam mê cho tới khi hết khả năng. 

Bí quyết nào giúp anh giữ được sự cân bằng giữa gia đình và công việc?

Thật sự để giữ được công việc cho tới bây giờ thì vợ tôi đã thông cảm cho tôi rất nhiều, chính vì vậy cái gì nhường được mình cứ nhường, vợ hơi quá một chút cũng nên nhường, mình có nhường nhìn vợ, khi vợ hiểu sẽ nhường nhìn lại mình, nhớ đó mà thực hiện đam mê cũng dễ dàng hơn. Nhường những điều gì mình thấy thỏa đáng, chấp nhận được thì chẳng tội gì mà không nhường cả.

Vận động viên Nguyễn Văn Lai: Lão tướng hổ vàng của điền kinh Việt Nam - 12

Ở giải điền kinh vô địch quốc gia cuối năm qua anh có đặt mục tiêu vượt qua VĐV nhập tịch của Thái Lan trong kỳ SEA Games tới trên sân nhà, anh có thể chia sẻ thêm về những mục tiêu của anh trong năm 2022? 

Mục tiêu đầu tiên chắc chắn là SEA Games 31 trên sân nhà, đây cũng là giải đấu trong sân đầu tiên. Trước đó tôi sẽ có những bài kiểm tra, đánh giá ở các giải vô địch bán chuyên.

Cụ thể, ở SEA Games 31 vào tháng 5, tại nội dung 5.000m sẽ là cuộc tranh chấp HCV cùng VĐV nhập tịch của Thái Lan, người mà tôi đã để thua đúng 1 giây ở giải đấu trước. Với nội dung 10.000m thì tôi sẽ cố gắng nằm trong top đội có huy chương, những kế hoạch tiếp theo sẽ phụ thuộc vào kỳ SEA Games này.

Nếu hoàn thành được mục tiêu dành vàng ở SEA Games 31, tôi sẽ tiếp tục cống hiến và thi đấu thêm một kỳ SEA Games ở Campuchia, nhưng nếu mục tiêu bị bỏ lỡ có thể tôi sẽ tính tới chuyện giải nghệ khi kết thúc năm 2022 để tham gia công tác huấn luyện cũng như thi đấu phong trào.

Vận động viên Nguyễn Văn Lai: Lão tướng hổ vàng của điền kinh Việt Nam - 13
Vận động viên Nguyễn Văn Lai: Lão tướng hổ vàng của điền kinh Việt Nam - 14

Cái Tết của một VĐV chuyên nghiệp liệu có gì khác so với người bình thường không, khi bản thân anh đã tạo được tên tuổi thì người thân, hàng xóm có gì đó ưu ái hơn khi anh về ăn Tết?

Tôi là VĐV đã được 15 năm, mỗi dịp Tết về nhà, làng xóm, gia đình ai cũng hỏi thăm, họ rất quý mến tôi. Tuy nhiên, trong suốt 15 năm ấy chưa có cái Tết nào mà tôi cho phép mình buông thả bản thân, từ việc ngồi uống những chén rượu chúc Tết hay các cuộc vui khác. Tết thường được nghỉ 5 ngày nên bản thân tôi tự giác được việc hạn chế tối đa việc uống bia, rượu, chắc sau này khi nghỉ tập tôi mới có thể vui vẻ hết mình được với anh em, bạn bè hay gia đình.

Thông thường, cứ ra Tết được một tháng là tôi lại thi đấu, việc "giữ mình" giúp tôi cũng giữ được thể trạng, đó là điều hết sức cần thiết.

Vận động viên Nguyễn Văn Lai: Lão tướng hổ vàng của điền kinh Việt Nam - 16