V-League tồn tại nhờ cổ động viên Thanh Hoá và… Hải Phòng
(Dân trí) - Thử tưởng tượng nếu không có CĐV Thanh Hoá và Hải Phòng, V-League còn mấy người xem? Dĩ nhiên, ở đây chúng ta đang đề cập đến những CĐV chân chính, riêng chuyện những quả pháo sáng lọt được vào sân, phải hỏi trách nhiệm của BTC sân, BTC giải và đơn vị điều hành giải.
Thanh Hoá, Hải Phòng là 2 trong số những đội bóng đông khán giả nhất từ đầu V-League đến giờ. Hễ có họ là các trận đấu sôi động. Số ít ỏi các đội thu hút đông người xem khác có thể kể thêm SL Nghệ An, nhưng chỉ khi đội này thi đấu ở các sân ở phía Nam (riêng “chảo lửa” thành Vinh đã nguội lạnh), và các trận trên sân nhà của Than Quảng Ninh.
Không có những nhóm CĐV cuồng nhiệt đấy, thật khó tưởng tượng rằng V-League còn mấy người xem. Hà Nội FC, B.Bình Dương, Cần Thơ, Sài Gòn FC từ lâu không còn mấy CĐV ruột. CLB TPHCM đang tìm nhiều cách để thu hút người đến sân Thống Nhất, nhưng hiệu quả vẫn cực thấp.
SHB Đà Nẵng, Khánh Hoà và SL Nghệ An (trong những trận đấu ở thành Vinh) đang chứng kiến tình trạng sụt giảm người xem nghiêm trọng. Còn HA Gia Lai, sân Pleiku của họ giờ cũng không còn lắp đầy các chỗ trống như hồi lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn mới nổi khoảng 3 năm trước. Khi Gỗ đi đến sân đối phương, lứa đấy cũng không còn gây sốt ở các địa phương nữa rồi.
Các trận đấu của Hà Nội FC của Sài Gòn FC trên sân nhà thường không thu hút nổi ngàn người/trận, trừ khi các đội nọ đối đầu với… Thanh Hoá hoặc Hải Phòng.
V-League càng tổ chức thì càng… xa người hâm mộ. Dĩ nhiên, ở đây chúng ta đang nói về những người hâm mộ chân chính. Không thể vì một vài quả pháo sáng được đốt lên không đúng quy định mà chúng ta chê toàn bộ CĐV Hải Phòng.
Ngược lại, chúng ta phải khen những CĐV chân chính của đội bóng đất Cảng, bởi nhờ họ mà các khán đài ở V-League vẫn còn một số trận còn giữ được sức sống. Riêng chuyện những quả pháo sáng lọt vào bên trong sân, rồi được đốt lên không đúng quy định thì phải hỏi trách nhiệm của BTC sân, của BTC giải và của đơn vị quản lý giải đấu.
Cả làng cầu đều biết một ít fan quá khích của Hải Phòng thích đốt pháo sáng, thường tìm cách giấu pháo sáng, nhưng vẫn để những quả pháo sáng đấy lọt được vào bên trong sân, thì thử hỏi những người có trách nhiệm đã làm tròn trách nhiệm hay chưa?
Và đã có ai hỏi đến chuyện cần những án phạt cho chính những người đang điều hành giải đấu? Những người lẽ ra phải có trách nhiệm phải giữ được kỷ cương của V-League, có trách nhiệm giữ kỷ cương trên các khán đài và bên dưới mặt sân?
Nhiệm vụ của họ là phải ngăn ngừa sự cố, nhưng họ vẫn để sự cố xảy ra thì họ có đáng bị phạt hay không?
Hình ảnh của đơn bị đang sở hữu quyền điều hành giải V-League bây giờ là VPF giống hệt như hình ảnh của ông trưởng BTC giải Nguyễn Minh Ngọc hôm xảy ra sự cố lịch sử trên sân Thống Nhất tối 19/2, làm hoen ố bóng đá Việt Nam trên bình diện quốc tế: Cầu thủ Long An quay lưng với bóng, bỏ trống khung thành không buồn thi đấu, nhưng ông trưởng BTC giải có mặt ngay tại chỗ cũng như không!
Giải V-League lộn xộn vì khi có sự cố xảy ra, dư luận không biết đâu là nơi và đâu là nhân vật phải chịu trách nhiệm cho sự lộn xộn đấy?
Ví dụ như trong trường hợp của ông trưởng Ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường, ông ra quyết định kỷ luật, sau đó lại gần như “mất tích”, không thể liên lạc được, khiến dư luận muốn được làm rõ các bản án cũng không biết làm rõ ở chỗ nào? Cho dù ông là người phát ngôn của khâu kỷ luật thuộc về giải đấu.
Ra quyết định rồi không dám đối diện với quyết định của chính mình, thì làm sao dám đối diện với cả làng cầu Việt Nam đang đầy những thắc mắc và những trăn trở? Làm sao đủ dũng khí để tháo gỡ và tìm định hướng cho toàn bộ V-League?
Trọng Vũ