U23 Việt Nam thua do thiếu may mắn hay do trình độ?
(Dân trí) - Quả là đội bóng của HLV Miura thiếu may mắn khi đối thủ ghi 2 bàn trong lúc họ hầu như chỉ có 2 tình huống đáng ăn bàn, trong khi chúng ta bỏ lỡ quá nhiều cơ hội. Nhưng bỏ lỡ nhiều cơ hội chẳng phải là vì trình độ hay sao?!
Làm được tất cả, trừ bàn thắng
Nếu đi tìm trận đấu đẹp nhất của U23 Việt Nam trong suốt hành trình SEA Games năm nay, có thể nhiều người sẽ chọn trận đấu với U23 Myanmar ở bán kết. Ngặt nỗi, ngay ở trận mà chúng ta đá đẹp nhất, tấn công bài bản nhất, mảng miếng rõ ràng và đa dạng nhất, thì chúng ta lại thua.
So về số lượng cơ hội, U23 Việt Nam hơn đứt U23 Myanmar. So về thời lượng kiểm soát bóng, đội bóng của HLV Miura cũng hơn đứt đội bóng được dẫn dắt bởi đồng nghiệp Kiy Lwin. Nhưng về số lượng bàn thắng, chúng ta lại thua.
U23 Việt Nam một lần nữa không thể vượt qua U23 Myanmar
Ngặt một nỗi nữa, trong bóng đá, số lượng bàn thắng quan trọng hơn số lượng cơ hội và thời lượng kiểm soát bóng, đồng thời kết quả xem ra còn quan trọng hơn lối chơi.
Bảo U23 Việt Nam kém may mắn khi thất bại không phải không có lý, khi ở bàn thua thứ 2, bàn thua chính thức tiễn chúng ta ra khỏi trận chung kết, bóng dội chân hậu vệ U23 Việt Nam rồi bay vào lưới theo hướng không ngờ nhất. Nhưng, một thất bại thì không chỉ bao gồm chuyện may mắn hay không may mắn.
Không thể nói việc các chân sút U23 Việt Nam thiếu may mắn khi liên tục bỏ lỡ những cơ hội tốt. Đấy là vấn đề thuộc về năng lực, cụ thể là năng lực dứt điểm, năng lực kỹ thuật. Mà so về điểm này, U23 Myanmar rõ ràng trội hơn U23 Việt Nam.
Họ hầu như chỉ có 2 tình huống đáng có bàn thắng trong suốt trận, nhưng họ tận dụng hết cả 2 tình huống ấy. Cùng một trận đấu, cùng phải chịu áp lực như nhau, cầu thủ U23 Myanmar giải quyết tốt hơn cầu thủ U23 Việt Nam khi cần giải quyết các tình huống, thì rõ ràng phải thừa nhận họ hơn mình.
HLV lão làng Nguyễn Thành Vinh chia sẻ những gì mà chúng ta thấy ở đội tuyển hiện nay nói cho cùng cũng chỉ là sản phầm từ giải quốc nội. Nhìn lại trình độ thực chất của chính chúng ta để thấy rằng cách các đội bóng trong nước hiện sử dụng các chân sút ra sao, để đến nỗi các chân sút trở nên kém cỏi như bây giờ?
Thua 3 trận knock-out liên tiếp
Ở Asiad tháng 9 năm ngoái, U23 Việt Nam bị loại ở vòng 1/8, sau khi đá cực hay ở vòng bảng. Ở AFF Cup 2014 vào cuối năm, đội tuyển quốc gia của chúng ta thua ở bán kết. Và giờ, đội U23 lại thua ở vòng bán kết SEA Games 2015.
Cũng không thể nói chuyện may mắn hay không may mắn ở đây, bởi chuyện may – rủi thì không thể cứ lặp đi lặp lại hết giải này đến giải khác. Mà vấn đề thực chất có khi nằm ở chỗ năng lực giải quyết các trận đấu theo kiểu một mất một còn của chúng ta có hạn.
Đấy lại là vấn đề liên quan đến bản lĩnh, mà bản lĩnh cũng là trình độ. Tại sao đối phương biết cách đứng vững trước áp lực của chúng ta, của khán giả Việt Nam tràn ngập trên các khán đài, còn cầu thủ của ta thì không?
Vấn đề này cũng được HLV kỳ cựu Nguyễn Thành Vinh lý giải thông qua lăng kính giải quốc nội. Theo ông Vinh, làm sao các cầu thủ bản lĩnh cho được khi nhiều đội bóng trong nước hiện nay chưa chú trọng đến chuyện sử dụng các cầu thủ trẻ tại V-League. Nói nôm na, cầu thủ không được sử dụng thường xuyên thì lấy đâu ra bản lĩnh?
Ngay ở đội tuyển U23 Việt Nam hiện nay cũng vậy thôi, nhiều cầu thủ chưa phải là các trụ cột tại CLB, thậm chí chưa phải là những người thường xuyên được đá chính ở giải quốc nội, kể cả nhóm trụ cột của đội tuyển U23 như Huy Toàn, Duy Mạnh, Ngọc Thắng, Tiến Dũng, Minh Long…
Ở đây, HLV Miura dù có giỏi nhào nặn cách mấy, có cố gắng cách mấy thì ông không thể trong một thời gian ngắn, thay đổi được bản lĩnh của một đội bóng gồm nhiều cầu thủ thậm chí còn chưa được đánh giá cao ở tầm CLB.
Nhìn thấy rõ năng lực thật sự của mình để mà thay đổi, thay đổi cả một hệ thống, thì mới thấy được sự bổ ích của thất bại. Phải nhìn đúng trình độ của mình ở đâu, thì mới mong thay đổi được trình độ ấy, thay vì nói chuyện may mắn hay không may mắn ở đây!
Kim Điền