DMagazine

Từ Schillaci đến Rodri: Giấc mơ bóng đá đẹp và cỗ máy kiếm tiền

(Dân trí) - Thế giới bóng đá vừa nói lời tiễn biệt Salvatore Schillaci, Vua phá lưới World Cup 1990 tại Italy. Ông là hiện thân về một thời sôi nổi, chuyển mình của bóng đá, để bây giờ đi đến giới hạn.

HLV Azeglio Vicini không có kế hoạch cụ thể nào cho Salvatore Schillaci. Ông không đưa anh đến Stadio Olimpico, dưới cái nóng như thiêu đốt của kỳ World Cup trên sân nhà, để trở thành quân bài chiến thuật phức hợp cầu kỳ.

HLV đội tuyển Italy, Vicini không phải mẫu chiến lược gia như thế. Chỉ thị của ông rất đơn giản: "Entra E Fai Gol" - Hãy vào sân và ghi bàn.

Từ Schillaci đến Rodri: Giấc mơ bóng đá đẹp và cỗ máy kiếm tiền - 2

Sau chỉ thị, Schillaci được tung vào sân muộn trong trận mở màn World Cup 1990 của đoàn quân Thiên thanh. Vài phút sau, Schillaci khi đó 25 tuổi, hoàn thành nhiệm vụ ông thầy giao.

Cú đánh đầu của anh giúp Italy dẫn trước Áo. Màn ăn mừng của anh, đôi mắt mở to kinh ngạc khi cả sân vận động Stadio Olimpico như tan chảy xung quanh, đã làm say đắm cả một đất nước. Từ khoảnh khắc ấy trở đi, anh mãi mãi được gọi bằng biệt danh Toto.

Từ Schillaci đến Rodri: Giấc mơ bóng đá đẹp và cỗ máy kiếm tiền - 3

Những ngày qua, thế giới bóng đá liên tiếp đón nhận những tin buồn. Aston Villa đeo băng tay đen để tưởng nhớ Gary Shaw, người hùng của hành trình chinh phục chức vô địch Cúp C1 năm 1982.

Trước đó, sân Anfield mặc niệm Ron Yeats, thủ quân đầu tiên của Liverpool giai đoạn Bill Shankly vĩ đại. Hay chiến lược gia nổi tiếng người Thụy Điển, Sven Goran Eriksson cũng vừa qua đời tại quê nhà.

Không ai tránh được quy luật thời gian, bao gồm những thần tượng bóng đá. Nhưng có những cái tên trở thành bất tử trong lịch sử túc cầu, góp công to lớn để đưa môn thể thao này từ trò tiêu khiển thành hiện tượng toàn cầu.

Từ Schillaci đến Rodri: Giấc mơ bóng đá đẹp và cỗ máy kiếm tiền - 5

Gigi Riva và Franz Beckenbauer đều ra đi trong năm nay, là những huyền thoại đời đầu của bóng đá, với tên tuổi vang vọng vượt ra khỏi ranh giới sân cỏ. Schillaci vừa ra đi hồi trung tuần tháng 9 ở tuổi 59.

Ông cũng là cái tên mang tính biểu tượng của làng túc cầu, dù chắc chắn ông không bao giờ tự nhận ngang hàng với tên tuổi như Beckenbauer. Schillaci tự đánh giá bản thân là kẻ vô dụng trên không và tự cho mình là người xuề xòa. Phần lớn sự nghiệp của Schillaci không quá nổi bật dù vẫn đáng nể trọng.

Ông có vài mùa giải thành công ở Serie B và thời gian ngắn thăng hoa tại Serie A. Tuy nhiên, trong một tháng mùa hè ở World Cup 1990, Schillaci trở thành sự khác biệt. Chắc chắn ông là cầu thủ được yêu mến nhất ở Ý và là một trong những cầu thủ nổi tiếng nhất thế giới.

Từ Schillaci đến Rodri: Giấc mơ bóng đá đẹp và cỗ máy kiếm tiền - 7

Tầm ảnh hưởng của Schillaci có thể cảm nhận được qua nỗi buồn đau bao trùm sau khi tin tức ông qua đời được công bố. Cả nước Ý chìm trong tang tóc. Ở quê nhà Palermo, thành phố mở cửa sân vận động để người hâm mộ đến bày tỏ lòng thành kính.

Một danh sách dài huyền thoại và những người có tầm ảnh hưởng lớn của bóng đá Italy nói lời ca tụng và tiễn biệt ông.

Trong số tất cả lời tri ân, có lẽ xúc động nhất đến từ cây bút Marco Gaetani trên tờ Ultimo Uomo, với một bài viết đậm chất thơ về "niềm si mê điên dại và không thể cưỡng lại của một mùa hè" nước Ý.

Không khó hiểu tại sao Schillaci được yêu mến như vậy tại quê nhà. Ông được triệu tập vào đội tuyển Italy tham dự World Cup một cách rất muộn màng, đến mức không xuất hiện trong album dán nhãn Panini. Schillaci chỉ có suất dự giải sau khi gây ấn tượng trong trận giao hữu trước thềm giải đấu với Thụy Sĩ.

Từ Schillaci đến Rodri: Giấc mơ bóng đá đẹp và cỗ máy kiếm tiền - 9

Dù vậy, Schillaci không được kỳ vọng nhiều. Ông là tác giả của 15 bàn thắng cho Juventus ở mùa giải vừa qua, nhưng HLV Vicini sở hữu hàng loạt ngôi sao lừng lẫy trên hàng công: Gianluca Vialli, Aldo Serena, Andrea Carnevale và tất nhiên, ngôi sao vĩ đại với mái tóc đuôi ngựa, Roberto Baggio.

Nhưng, mùa hè ấy thuộc về Schillaci. Ông ghi bàn vào lưới Áo, sau đó ghi thêm bàn nữa vào lưới Tiệp Khắc (cũ) ở trận đấu cuối vòng bảng. Ông tiếp tục giúp Italy vượt qua Uruguay ở vòng 1/8 và Ireland tại tứ kết.

Màn ăn mừng của Schillaci in sâu vào tâm thức người dân Italy, không khác nào những bàn thắng của ông: đôi mắt mở to, kinh ngạc và mê say, như thể không tin nổi vào những gì mình đang chứng kiến, những gì mình đang làm được.

Suốt giải đấu, Schillaci lặp đi lặp lại rằng mọi thứ đến "như một giấc mơ", đến nỗi niềm phấn khích ấy lan tỏa ra xung quanh mãnh liệt.

Từ Schillaci đến Rodri: Giấc mơ bóng đá đẹp và cỗ máy kiếm tiền - 12

Ca khúc chính thức của Italy 1990 mang tên Un'Estate Italiana, được sáng tác từ năm trước, như thể tiên tri những gì xảy đến với Schillaci, người hùng đến từ hư vô. Một câu trong bài hát viết: "Trong đôi mắt anh, khát khao chiến thắng".

Một câu khác lại viết: "Giấc mơ anh có từ thuở thiếu thời, giấc mơ ấy tưởng như luôn xa vời, nhưng không phải là chuyện cổ tích". "Ông ấy nhập vai vào lời bài hát sát thực đến nỗi khiến thính giả nghĩ nó được viết riêng dành cho ông", Gaetani bình luận.

Tuy nhiên, không chỉ riêng Italy phải lòng Schillaci. World Cup 1990 không phải là giải đấu hấp dẫn theo tiêu chuẩn thống kê. Trận khai mạc, Argentina thua Cameroon đầy kịch tính, bất ngờ và giàu cảm xúc, nhưng cũng tàn bạo bất khả chối cãi, khi đại diện châu Phi kết thúc trận đấu chỉ với 9 cầu thủ trên sân.

Đó là tông màu chủ đạo suốt một tháng World Cup 1990. Frank Rijkaard nhỏ nước bọt vào Rudi Voller. Hooligan Anh phá tan nhiều địa điểm đẹp tại Ý. Trận chung kết, có lẽ là một trong những trận đấu xấu xí nhất lịch sử, vì quá toan tính và buồn tẻ, Argentina mất hai cầu thủ vì thẻ đỏ, Tây Đức ghi bàn từ chấm phạt đền. Hồi còi mãn cuộc vang lên như sự giải thoát.

Tuy nhiên, ít kỳ World Cup nào lại được nhớ đến một cách đong đầy tình cảm và tạo ra nhiều dấu ấn đến vậy. Phần lớn nhờ "bao bì" của giải đấu: một bản nhạc hay, những sân vận động hùng vĩ, là mái nhà của nhiều CLB nổi tiếng thế giới và linh vật kỳ quái mang tên Ciao.

Từ Schillaci đến Rodri: Giấc mơ bóng đá đẹp và cỗ máy kiếm tiền - 13

Những ký ức ấm áp cũng mang tính thời điểm. Đó là giai đoạn có nhiều cột mốc quan trọng để bóng đá chuyển mình từ giai đoạn xám xịt thập niên 1980 đến tương lai tươi sáng của thương mại hóa những năm đầu thập niên 1990: Thảm họa Hillsborough; sự ra đời của Premier League và Champions League; truyền hình vệ tinh nở rộ tại châu Âu; hay vụ kiện của Jean-Marc Bosman, nguồn cơn tạo nên luật Bosman giúp cầu thủ ngày nay trở thành triệu phú.

Bởi vậy, Italy 1990 lại trở nên quyến rũ, bí hiểm và tinh tế. Tại Anh, giọt nước mắt của Paul Gascoigne khi anh nhận ra sẽ bị treo giò nếu đội tuyển Anh vào chung kết (dù thực tế bị loại), đã chạm đến trái tim người hâm mộ, những người khát khao cả kịch tính đời thực lẫn thể thao.

Trong vòng một tháng ấy, Schillaci trở thành biểu tượng cho khoảnh khắc chuyển mình vĩ đại: một cầu thủ, hoặc ít nhất một hiện tượng, không xuất hiện trước hoặc sau đó vài năm.

Italy 1990 tạo ra sức lan tỏa trên toàn thế giới và biến Schillaci chỉ sau một đêm, nhưng đó cũng là tàn dư của thời đại trước, một trong những giải đấu cuối cùng được tổ chức trước khi truyền hình phủ sóng toàn diện, trò chơi điện tử và rồi cả internet khiến người hâm mộ miễn nhiễm bí ẩn danh tính, khiến mọi tên tuổi đều trở nên quen thuộc.

Khi bước vào World Cup 1990, Schillaci gần như vô danh bên ngoài nước Ý. Khi giải đấu khép lại, ông trở thành biểu tượng của mùa hè năm đó. Ông không chỉ là "hình ảnh thu nhỏ một tháng lịch sử của nước Ý" như Gaetani bình luận mà còn là điều gì đó lớn lao hơn: một cái tên, chỉ hai âm tiết, gợi nhớ về khoảnh khắc của cả một thế hệ, một thời đại.

Từ Schillaci đến Rodri: Giấc mơ bóng đá đẹp và cỗ máy kiếm tiền - 16

Bước chuyển mình thập niên 1990 đưa bóng đá trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Theo ước tính có 3 tỷ người theo dõi bóng đá thường xuyên. Vì thế, bóng đá là di sản văn hóa, là phong cách sống, là một nhánh trị giá hàng tỷ USD của ngành công nghiệp giải trí.

Thế nên, các nhà quản lý luôn tìm mọi cách để tối đa hóa nguồn thu. Từ cấp câu lạc bộ (CLB), các đội bóng hàng đầu châu Âu từ lâu nay đã biến giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải mới trở thành chuyến du đấu khắp thế giới để kiếm tiền.

Ở cấp quốc gia, các Liên đoàn bóng đá và ban tổ chức các giải đấu tìm mọi cách để đảm bảo các CLB phải tham dự trên dưới 50 trận mỗi mùa. Cá biệt trường hợp La Liga còn biến Siêu Cúp Tây Ban Nha từ trận đấu trở thành giải đấu và tổ chức tại Trung Đông.

Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) cũng chẳng vừa, khi họ thay đổi thể thức Champions League, tăng số trận vòng bảng từ 6 lên 8 trận.

Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) cũng mở rộng quy mô FIFA Club World Cup từ 8 đội lên tới 32 đội tham dự và dự kiến diễn ra từ ngày 15/6 (16 ngày sau trận chung kết Champions League) đến ngày 13/7/2025 tại Mỹ.

Từ Schillaci đến Rodri: Giấc mơ bóng đá đẹp và cỗ máy kiếm tiền - 18

Nếu như Man City lọt vào chung kết mọi giải đấu đội bóng này tham dự, thầy trò Pep Guardiola phải cày ải tới 75 trận, tức bình quân chưa đầy 5 ngày lại phải ra sân một lần. Số liệu này chưa bao gồm các trận giao hữu và quãng đường di chuyển nửa vòng Trái Đất.

"Điều này đang đẩy mọi thứ tới điểm giới hạn", ông Richard Master, Giám đốc điều hành Premier League phát biểu tại Đại hội các giải vô địch quốc gia (VĐQG) châu Âu. "Phản hồi chúng tôi nhận được từ các cầu thủ là lịch thi đấu quá dày đặc và ngày càng mở rộng. Vấn đề không chỉ là lịch thi đấu mà còn cả khả năng để các cầu thủ duy trì thể trạng và phong độ tốt nhất. Đừng để giọt nước tràn ly".

Thực tế "giọt nước đã tràn ly" và Rodri là một trong những nạn nhân. Theo thống kê, tiền vệ người Tây Ban Nha này chỉ vắng mặt 5 trận vì chấn thương kể từ khi gia nhập Man City vào năm 2019, cho đến khi dính chấn thương đầu gối trong trận gặp Arsenal và nhiều khả năng nghỉ thi đấu đến hết mùa giải này.

Chỉ mới tuần trước, chính Rodri cũng lên tiếng về việc cầu thủ đang phải cày ải quá nhiều. "Chúng tôi sắp đình công", tiền vệ người Tây Ban Nha trả lời phỏng vấn trước trận đấu giữa Man City và Inter Milan. "Đó là ý kiến chung của nhiều cầu thủ và nếu tình hình cứ tiếp diễn thế này, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác".

Phát biểu của Rodri nhanh chóng được tán thành. "Rodri nói đúng", Thibaut Courtois, thủ thành Real Madrid đưa ra quan điểm. "Mọi người nói chúng tôi kiếm được nhiều tiền, chúng tôi không có quyền phàn nàn, điều đó phần nào đúng, nhưng chúng tôi phải tìm được sự cân bằng. Không phải lúc nào cũng tung ra sân những cầu thủ giỏi nhất được".

HLV Enzo Maresca của Chelsea đồng ý: "Về mặt số lượng trận đấu thì quá nhiều. Tôi không nghĩ chúng tôi bảo vệ được cầu thủ. Đối với tôi, số lượng trận đấu chúng tôi đang phải tham gia là không phù hợp".

Họ không hề đơn độc. Đội trưởng Aston Villa, John McGinn cũng bày tỏ sự nghi ngờ tương tự, cũng như thủ môn Alisson của Liverpool , huấn luyện viên Pep Guardiola của Man City, Chủ tịch La Liga Javier Tebas và hậu vệ Jules Kounde của Barcelona.

Từ Schillaci đến Rodri: Giấc mơ bóng đá đẹp và cỗ máy kiếm tiền - 19

Nhưng trong khi các huấn luyện viên và cầu thủ phần lớn đều mong muốn giảm tải thì các đơn vị lập lịch thi đấu ngoài các giải đấu trong nước (FIFA và UEFA) dường như không muốn cắt giảm số trận đấu.

Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin đã nói trên tờ Gazzetta dello Sport hai năm trước: "Thật dễ dàng để chỉ trích FIFA và UEFA, nhưng vấn đề rất đơn giản. Nếu bạn thi đấu ít hơn, bạn sẽ nhận được ít tiền hơn. Những người nên phàn nàn là những công nhân nhà máy chỉ nhận được 1.000 euro mỗi tháng".

Dễ thấy, phản biện chủ yếu cho chủ đề lịch thi đấu dày đặc là các cầu thủ kiếm được hàng trăm ngàn euro mỗi tuần, vì thế họ không có quyền phàn nàn. Đây là điểm gây tranh cãi vì bản thân người hâm mộ cũng phải "chịu đựng" chứ không riêng Rodri và đồng nghiệp của anh.

Những cầu thủ giỏi nhất không thể lúc nào cũng ra sân với thể trạng và phong độ cao nhất. Ngoài ra số lượng trận đấu quá nhiều dẫn đến sự rập khuôn và nhợt nhạt về đấu pháp, khi ban huấn luyện không thể tìm hiểu và phân tích kỹ lưỡng từng trận.

Tựu trung chất lượng trận đấu sẽ giảm, số lượng lại tăng. Cần nhấn mạnh, bóng đá là để thưởng thức. Và bên cạnh đó, tiền có thực sự là lý do bào chữa cho việc chà đạp lên phúc lợi của cầu thủ?!

Vì sự vụ lợi ngày càng rõ rệt trong các tổ chức quản lý bóng đá lẫn các CLB, những cầu thủ như Rodri bị biến thành cái máy kiếm tiền và chẳng còn đâu những câu chuyện cổ tích đẹp đẽ, mộng mơ như của Schillaci tại World Cup 1990 ở Italy.

Nội dung: Ngọc Trung

Thiết kế: Đức Bình