Trưởng đoàn Trần Đức Phấn: “Bản quyền Asiad sẽ giúp VĐV Việt Nam thi đấu tốt hơn”
(Dân trí) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự Asiad 2018, ông Trần Đức Phấn, đã rất vui khi Việt Nam chính thức mua bản quyền Á vận hội, bởi điều ngày có tác động rất tích cực tới tinh thần thi đấu của các VĐV tại Indonesia.
Ngày 21/8/2018, được sự ủy quyền của Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC (đơn vị thành viên của Đài Tiếng nói Việt Nam) đã ký hợp đồng với Công ty KJSM World Corp để mua bản quyền Asiad 2018.
Trước thông tin rất vui này, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, ông Trần Đức Phấn chia sẻ: “Việc Đài Tiếng nói Việt Nam mua được bản quyền Asiad 2018 thực sự là thông tin rất vui. Qua sóng phát thanh, truyền hình, khán giả cả nước sẽ cổ vũ cho các VĐV và HLV của chúng ta. Đây là như nguồn năng lượng tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho đoàn thể thao Việt Nam”.
Theo ông Trần Đức Phấn, việc những ngày qua Việt Nam không có bản quyền Asiad khiến các VĐV rất thiệt thòi, khi họ không nhận được sự cổ vũ của người hâm mộ quê nhà.
“Trong những ngày qua, đoàn thể thao Việt Nam đã tranh tài ở nhiều nội dung thi đấu, đặc biệt là có sự góp mặt của một số VĐV trọng điểm, việc không có tường thuật trực tiếp cũng là thiệt thòi cho các VĐV”, ông Phấn thừa nhận.
Trịnh Văn Vinh giành HCB cử tạ 62kg nam hôm 21/8
Tuy nhiên, khi Đài Tiếng nói Việt Nam mua bản quyền và tường thuật trực tiếp các nội dung thi đấu của Asiad 2018, ông Phấn tin rằng điều này có thể giúp các VĐV thi đấu tốt hơn, đạt thành tích cao hơn.
Chia sẻ với báo chí, Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ cho biết, việc VOV làm việc này trước hết là vì người hâm mộ. Chứ không phải vì thương hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam. Các doanh nghiệp hỗ trợ cũng không phải vì đánh bóng danh hiệu. Hai doanh nghiệp lớn đồng hành thậm chí còn không muốn nhắc tên.
Nếu mua bản quyền làm người hâm mộ mãn nguyện thì các doanh nghiệp đó đã cảm thấy hài lòng. Họ không đòi hỏi phải có quyền lợi gì trong việc quảng cáo hay tuyên truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Cũng theo ông Kỷ, đây có thể xem là một kinh nghiệm cho các đơn vị báo chí. Từ nay trở đi, có những sự kiện thể thao văn hóa thu hút sự quan tâm của người dân, chúng ta phải chủ động. Nếu cần phải mua bản quyền, chúng ta cần đi tìm nguồn tài chính.
Dương Thúy Vi giành HCĐ wushu ngày hôm qua
Ở một diễn biến mới nhất đáng chú ý, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã gửi công văn đề nghị được tiếp phát nguyên trạng các chương trình, các trận thi đấu, do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Kỹ thuật số (VTC) phát sóng, trong khuôn khổ Asiad 2018.
Nếu VOV/VTC đồng ý chia sẻ bản quyền phát sóng cho VTV thì người hâm mộ Việt Nam sẽ được theo trực tiếp các môn thi đấu tại Asiad 18 trên kênh sóng của truyền hình quốc gia.
Phía VOV/VTC cũng để ngỏ việc cấp quyền cho các Đài phát thanh - Truyền hình trong cả nước, nếu có nhu cầu, được phép tiếp phát nguyên trạng các chương trình, các trận thi đấu, do VOV/VTC phát sóng, trong khuôn khổ Asiad 2018.
Như vậy, kể từ ngày 22/8, khán giả Việt Nam sẽ được theo dõi trực tiếp những môn thi đấu tại Asiad 18 trên 3 hệ thống truyền hình, phát thanh và nền tảng internet. Mức giá để có bản quyền Asiad là dưới 1,7 triệu USD, rẻ một nửa so với chào giá ban đầu của đơn vị sở hữu gửi VTV.
Quốc Huy (từ Indonesia)