Tranh cãi về giới tính của VĐV lập kỷ lục ở cự ly 200m nữ

Sông Lam

(Dân trí) - Christine Mboma của Namibia đi vào lịch sử điền kinh khi trở thành nữ VĐV dưới 20 tuổi chạy 200m nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, đang có những tranh cãi xung quanh giới tính của VĐV này.

Elaine Thompson Herah giành HCV nội dung chạy 200 mét

Vào ngày hôm qua (3/8), trên sân vận động Olympic Tokyo ở Nhật Bản, Christine Mboma giành tấm huy chương bạc chạy 200m nữ với thành tích 21 giây 81. Cô về sau đàn chị Elaine Thompson-Herah (Jamaica), người có thành tích 21 giây 53. Elaine Thompson-Herah không có đối thủ ở cự ly chạy ngắn tại Olympic 2020 khi cô đã giành HCV ở cả nội dung chạy 100 mét và 200 mét.

Tranh cãi về giới tính của VĐV lập kỷ lục ở cự ly 200m nữ - 1

Christine Mboma (trái) giành HCB cự ly chạy 200m và cô cũng được ghi nhận lập kỷ lục thế giới mới 200m nữ lứa tuổi dưới 20 với thành tích 21 giây 81.

Với Mboma, vận động viên (VĐV) 18 tuổi này đã trở thành nữ VĐV trẻ nhất trong lịch sử giành huy chương Thế vận hội ở một nội dung chạy tốc độ sau 49 năm. Cô cũng được ghi nhận lập kỷ lục thế giới mới 200m nữ lứa tuổi dưới 20, phá kỷ lục cũ 21 giây 98 của chính mình lập tại bán kết hai ngày trước đó.

Chỉ trong vòng hai năm, Mboma đã rút ngắn thành tích cá nhân tốt nhất (PB) từ 25 giây 05 xuống 21 giây 81 để giành HCB Olympic Tokyo là một kỳ tích đáng nể.

Tuy nhiên, đang có những tranh cãi về giới tính của Christine Mboma, bởi VĐV người Nambia chỉ được cho phép tranh tài ở những cự ly ngắn 200m và 100m, còn những cự ly 400m trở lên thì không. 

Trước khi tranh tài chung kết 200m ở Olympic Tokyo, Mboma cũng giành quyền tham dự nội dung 400m nữ. Tuy nhiên, Tòa án Thể thao Quốc tế (CAS) đã bác bỏ quyền này theo một luật có tên là DSD. DSD là hội chứng Khác biệt về sự phát triển giới tính. Ở đó, những VĐV có giới tính "gốc" nhưng mang trong mình những thông số phụ của giới tính đối nghịch.

Tranh cãi về giới tính của VĐV lập kỷ lục ở cự ly 200m nữ - 2

Mboma mang trong mình nhiều hooc-môn nam giới vượt ngưỡng bình thường của một nữ giới và bị cấm thi đấu ở cự ly chạy 400m trở lên.

Cụ thể, Mboma được công nhận là nữ, nhưng bên trong cơ thể cô, mức testosterone trong máu nhiều hơn bình thường. Nhờ có những hooc-môn nam giới vượt ngưỡng bình thường nên các nhà khoa học xác nhận Mboma có lợi thế hơn các VĐV nữ khác khi chạy ở những cự ly dài 400m trở lên.

Chính vì vậy CAS đã áp dụng quy định cấm tham dự đối với những VĐV mang trong mình hội chứng DSD.

Không chỉ Christine Mboma mà một VĐV đồng hương khác của cô là Beatrice Masilingi cũng đã bị cấm thi đấu 400m nữ Olympic Tokyo vì lý do trên. Nhưng cô vẫn được tranh tài ở nội dung 200m nữ, do quy định không cấm các VĐV thi đấu các cự ly ngắn hơn 400m.

Ở Olympic Rio 2016, cả 3 VĐV Semenya, Francine Niyonsaba và Margaret Wambui giành huy chương ở cự ly chạy 800m đều không được công nhận thành tích vì quy định tương tự với hội chứng DSD.

VĐV Caster Semenya giành HCV ở Olympic Rio 2016 đã miệt mài thưa kiện nhiều năm qua để đòi quyền được thi đấu bình thường, nhưng mọi phán quyết từ CAS vẫn chưa cho phép những VĐV nữ mang "dòng máu nam" như cô được tranh tài ở các nội dung "thuần nữ".

Dòng sự kiện: Olympic Tokyo