Tranh cãi nảy lửa bàn thắng giúp Nhật Bản tạo ra địa chấn và giành ngôi đầu

H. Long

(Dân trí) - Dù trọng tài đã sử dụng VAR để xác định bàn thắng của Nhật Bản vào lưới Tây Ban Nha là hợp lệ nhưng vẫn còn khá nhiều quan điểm trái chiều.

Đánh bại Tây Ban Nha, Nhật Bản giành ngôi đầu bảng

Trong trận đấu ở lượt cuối cùng bảng E, Nhật Bản đã khiến tất cả kinh ngạc khi lội ngược dòng giành chiến thắng trước ứng cử viên vô địch Tây Ban Nha. Kịch bản ở trận đấu này y hệt như khi họ vượt qua Đức ở vòng mở màn.

Tranh cãi nảy lửa bàn thắng giúp Nhật Bản tạo ra địa chấn và giành ngôi đầu - 1
Tranh cãi nảy lửa bàn thắng giúp Nhật Bản tạo ra địa chấn và giành ngôi đầu - 2

Nhiều góc máy khác nhau chưa thể xác định bóng đã qua vạch vôi hay chưa?

Với hai chiến thắng trước Tây Ban Nha và Đức, Nhật Bản xuất sắc giành ngôi đầu bảng E. Đây là kỳ tích mà ít người nghĩ rằng "Samurai xanh" có thể làm được trước thềm giải đấu. Tuy nhiên, bên cạnh lời khen, Nhật Bản vẫn còn tạo ra chút gợn trong chiến thắng.

Theo đó, ở tình huống diễn ra ở phút 51, Kaoru Mitoma đã nỗ lực cứu bóng, trước khi thực hiện đường chuyền cho Ao Tanaka dễ dàng ghi bàn nâng tỷ số lên 2-1 vào lưới Tây Ban Nha. Sau thời gian dài tham khảo VAR, trọng tài đã quyết định công nhận bàn thắng cho Nhật Bản.

Tuy nhiên, sau trận đấu, làn sóng tranh cãi nảy lửa đã xuất hiện liên quan tới tính hợp lệ của pha bóng này. Bởi lẽ, Ban tổ chức không cung cấp được hình ảnh cụ thể, chứng minh trái bóng có đi hết đường biên ngang khi Kaoru Mitoma chuyền bóng hay không.

Thậm chí, một vài bức ảnh chụp lại cho thấy hình ảnh trái bóng đã đi qua vạch biên ngang. Một vài bức ảnh khác (không rõ ràng) chưa đủ để chứng minh tính hợp pháp của bàn thắng này.

Tranh cãi nảy lửa bàn thắng giúp Nhật Bản tạo ra địa chấn và giành ngôi đầu - 3

Góc máy được nhiều người tạm chấp nhận nhưng nó chưa rõ ràng. Bóng có thể tiếp tục lăn qua vạch vôi trước khi được Mitoma chuyền ra.

Bình luận trên ITV, Gary Neville cho biết: "Tôi không tin vào thuyết âm mưu. Camera trên cao có thể chỉ ra trái bóng đã qua vạch biên ngang hay chưa. Tôi cảm thấy không thoải mái khi không được FIFA cung cấp góc máy chính xác".

Cựu HLV Graeme Souness chia sẻ: "Chúng tôi đã trải qua tình huống tranh cãi nhưng lại không nhận được hình ảnh chứng minh điều đó. Nếu vậy thì 80 triệu người Đức sẽ phát điên mất. Họ cần bằng chứng lúc này".

Trong khi đó, bình luận viên Clive Tyldesley thốt lên: "Pha bóng ấy sẽ trở thành một phần trong lịch sử bóng đá Nhật Bản. Tôi cần xem lại để xác thực nó".

Trên trang Twitter, nhiều cổ động viên cho rằng VAR chỉ là trò lừa bịp. Xuất hiện bình luận như sau:

"Làm thế nào Nhật Bản được công nhận bàn thắng thứ hai vậy?".

"Tôi nhìn thấy toàn bộ quả bóng ra ngoài".

"Thêm một lần VAR thất bại. Nó giống như trò lừa bịp. Bằng cách nào đó, Nhật Bản đã nhảy lên dẫn đầu bảng".

Dù sao, chiến tích đứng đầu bảng trước Tây Ban Nha và Đức là vô cùng đáng khen ngợi của Nhật Bản. Họ sẽ gặp Croatia ở vòng 1/8 World Cup 2022.