(Dân trí) - Người Argentina từng giằng xé và hoang mang về Messi như cái cách họ tranh cãi về phong cách bóng đá đặc trưng của đất nước. Nhưng sau rốt, tất cả nhận ra Messi chỉ có một!
Thiên tài Lionel Messi, dấu ấn Scaloni và bản sắc bóng đá Argentina
Người Argentina từng giằng xé và hoang mang về Messi như cái cách họ tranh cãi về phong cách bóng đá đặc trưng của đất nước. Nhưng sau rốt, tất cả nhận ra Messi chỉ có một!
4% cơ hội và 789 bàn thắng sau 1.000 trận đấu
Ở trận đấu thứ 1.000 trong sự nghiệp, Messi đánh dấu cột mốc chói lọi của bản thân theo cái cách thật rực rỡ, với pha làm bàn đưa Argentina vượt qua Australia để giành vé vào tứ kết World Cup 2022. Giống như 999 trận đấu đã qua, tương tự phần lớn trong số 789 bàn thắng đã ghi, La Pulga đưa trái bóng vào lưới đối phương theo cái cách dứt điểm đặc trưng. Một pha sửa lòng chân trái vào góc xa.
Dù đã hàng ngàn lần sút bóng như vậy, Messi vẫn khiến người xem phải trầm trồ. Anh vừa là người phát động, vừa là người kết thúc tình huống tấn công của Albiceleste. Trái bóng văng ra từ Nicolas Otamendi, dẫu vô tình hay hữu ý, vẫn là đường chuyền cận chân rất khó khống chế. Trước mặt số 10 của tuyển Argentina còn có tới 4 cầu thủ đối phương, người che, người chắn, người lót và người đang ập vào.
Theo tính toán, xác suất thành bàn từ cự ly, góc sút và tình huống như vậy là 4%. Nhưng mọi số liệu trước tài nghệ siêu quần của La Pulga đều là vô nghĩa. Trái bóng từ cú sửa lòng của Messi, như thể ngoài con chíp định vị phục vụ công nghệ bắt việt vị bán tự động còn gắn thêm bộ điều khiến từ xa để khôn khéo luồn lách qua rừng chân cầu thủ Australia rồi "né" khỏi tầm với của thủ thành Ryan trước khi lăn vào lưới.
Từ các cầu thủ đến người hâm mộ, với quá nửa tuổi đời chiêm ngưỡng siêu sao người Argentina chơi bóng, dẫu nhắm mắt cũng có thể hình dung anh sẽ xử lý như thế nào, đường bóng diễn tiến ra sao. Song, ngăn chặn là điều bất khả. Như 999 trận đấu và phần lớn trong số 789 bàn thắng Messi đã ghi. Ngoài pha làm bàn, La Pulga còn nhiều pha bóng khác khiến tất cả phải trầm trồ thán phục. Nhưng chỉ với pha làm bàn mở tỷ số trận Argentina đấu với Australia là quá đủ để một lần nữa phải thốt lên: Thiên tài!
Lược sử bản sắc bóng đá Argentina: La Nuestra và Antifutbol
Muốn hiểu rõ hơn về đặc tính bóng đá Argentina cần sự am tường sâu rộng về văn hóa xứ sở Tango. Bóng đá tại đất nước này chẳng khác nào tôn giáo, là phương tiện phản ánh đời sống tinh thần của nhân dân lẫn biến động lịch sử của đất nước. Nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, chính trị hoặc xã hội học tại Argentina được các học giả thực hiện thông qua môn thể thao vua.
Qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, bóng đá và con người Argentina đã định hình bản sắc của nhau trên xứ sở này. Từ những năm thập niên 1910, đã có vô số tranh luận để xây dựng thương hiệu bóng đá của người Argentina, được gọi là La Nuestra (tạm dịch là đường chúng ta đi).
Đối lập phong cách đặt nặng thể chất và lối chơi đơn điệu của người Anh, nội hàm La Nuestra đắm chìm trong chủ nghĩa lãng mạn. Tương tự Joga Bonito của người Brazil, La Nuestra như một cách để người Argentina tuyên ngôn với thế giới về quan niệm đề cao tính thẩm mỹ, sự sáng tạo, chất ngẫu hứng để làm nên những pha bóng ma thuật. Trong loạt bài kỷ niệm 100 năm quốc khánh Argentina, trong loạt bài nêu cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc trên tờ El Gráfico cũng đề cập đến La Nuestra đầy trang trọng.
Phong cách này trở nên phổ biến từ CLB đến đội tuyển quốc gia, từ cậu bé trên đường phố đến những cầu thủ chuyên nghiệp. Ở giai đoạn từ 1920-1950, đội tuyển Argentina, với phần lớn thời gian được dẫn dắt bởi huyền thoại Guillermo Stabile, đã gặt hái những thành công rực rỡ cùng La Nuestra. Tiêu biểu là 11 chức vô địch Copa America trong giai đoạn 1921 đến 1957.
Nhưng đến năm 1958, "Tai họa Thụy Điển" ập đến và cuộc sống bóng đá tại Argentina đi vào bế tắc. Lần đầu tiên trở lại sân chơi World Cup sau 28 năm, Albiceleste bị loại ngay từ vòng đầu tiên bằng thất bại ê chề 1-6 trước Tiệp Khắc. Nền bóng đá xứ Tango như thể bị ném thẳng xuống đáy vực sâu và La Nuestra rơi tõm vào hố đen hư vô hiện sinh.
La Nuestra bị xét lại và cuộc cách mạng phong cách với tầm nhìn là sự thực dụng của người Ý được thực hiện. Những người ủng hộ hệ tư tưởng mới này là các huấn luyện viên từng tiếp xúc với châu Âu như Osvaldo Zubeldia, Victorio Spinetto và Juan Carlos Lorenzo, những người đã đưa Argentina đến với World Cup 1962 tại Chile.
Tuy nhiên, đời sống tại Argentina tiếp tục sa đọa vì khủng hoảng chính trị, chế độ động tài và được phản ánh qua bóng đá. Lối chơi hung hiểm và bạo lực đã trở thành một phong cách bóng đá mới của Argentina, bây giờ được gọi là antifútbol. Tuy không phổ biến theo đường "chính đạo" nhưng antifútbol ngày càng phổ biến và dần trở thành đặc tính của bóng đá xứ sở Tango.
Giằng xé giữa Menotti tấn công, Bilardo phòng ngự
Những năm cuối thập niên 1960 và 1970, lối chơi bạo lực đã làm hoen ố không ít hình ảnh của bóng đá Argentina trên trường quốc tế. Các cuộc tranh luận dai dẳng về bản sắc bóng đá quốc gia này ngày càng trở nên gay gắt. Tuy nhiên, sự thắng thế và phục hưng của La Nuestra đến cùng sự xuất hiện của Cesar Luis Menotti, vị chiến lược gia quan niệm về bóng đá một cách đầy sâu sắc, triết lý và trí tuệ.
Menotti trở thành ngọn cờ đầu của phong cách duy mỹ. Thành công ở cấp CLB giúp El Flaco được bổ nhiệm làm HLV đội tuyển Argentina vào năm 1974. Với đủ quyền năng, ông bắt đầu truyền thụ thứ bóng đá tấn công duy mỹ, với những đường chuyền hùng hồn, các pha xử lý kỹ thuật uyển chuyển như nước chảy mây trôi. Với Menotti, Albiceleste vô địch thế giới lần đầu tiên vào năm 1978.
Tuy nhiên, 4 năm sau, tại World Cup 1982, Argentina thi đấu khá nhạt nhòa và Menotti bị thay thế bởi Carlos Bilardo, nhà cầm quân có thể ví là phản đề cho mọi thứ El Flaco biểu trưng. Bilardo đề cao tính thực dụng và hướng đến chiến thắng bất chấp thủ đoạn. Vận may cho nhà cầm quân này là sự hiện diện của Maradona trong đội hình. World Cup 1986, một mình thiên tài này phủ bóng cả giải đấu và đưa Albiceleste đến chức vô địch.
Sau hai nhiệm kỳ của hai nhà cầm quân nổi tiếng này, cuộc tranh luận dai dẳng về chủ nghĩa duy mỹ và chủ nghĩa thực dụng trong lòng bóng đá Argentina càng trở nên gay gắt. La Nuestra và Antifútbol xuất hiện thêm 2 cái tên: Menottisme đối đầu Bilardisme....
Dấu ấn Scaloni và thiên tài Messi chỉ có một
Đến trước triều đại Lionel Scaloni, Albiceleste vẫn bị giằng xé dữ dội giữa hai trường phái và liên tiếp chuốc lấy những thất bại cay đắng trên đấu trường quốc tế, đặc biệt là sân chơi World Cup. Tuy vậy, chiến thuật bóng đá luôn tiến hóa không ngừng và câu chuyện trường phái chỉ còn mang tính tương đối. Scaloni dung hòa hai phong cách bằng cách áp dụng cho đội tuyển Argentina lối đá hiện đại hơn, vừa cầm bóng phối hợp tấn công, vừa tận dụng khả năng gây áp lực (pressing) tầm cao và cũng sẵn sàng lùi sâu đội hình phòng ngự.
Dĩ nhiên, lối chơi nào thì vẫn xoay quanh Messi, cái tên đã khiến người Argentina giằng xé suốt thời gian dài. Messi sở hữu tài nghệ siêu quần như tiền bối Maradona, nhưng thay vì tinh quái và thủ đoạn, La Pulga khôn ngoan và thực dụng như một người Catalonia, nơi anh gắn bó gần như trọn vẹn sự nghiệp.
Thay vì thò cái tay hất trái bóng vào lưới hay văng ra câu chửi tục để khiêu khích đối phương, Messi trầm lắng và luôn xoa dịu đồng đội bằng một câu bằng cái giọng đều đều đặc trưng: Tranquilo, tranquilo! (Bình tĩnh, bình tĩnh lại nào!). Chẳng cần dẫn dụ đâu xa, ngay sau chiến thắng trước Mexico tại vòng bảng, Messi đã nói: "Chúng tôi nhận ra phải bình tĩnh hơn. Trong hiệp 2, chúng tôi bắt đầu cầm bóng lâu hơn và tìm thấy khoảng trống giữa các tuyến".
Cả Menottisme lẫn Bilardisme đều không có sự điềm đạm rất châu Âu ấy. Những giải đấu lớn trước đây, phong cách chơi bóng quen thuộc của đội tuyển Argentina là ném trái bóng cho Messi tự xử lý, thay vì tổ chức tấn công hay phòng ngự một cách lớp lang. Bởi vậy, một thời gian dài Messi không được đón nhận rộng rãi ở xứ sở Tango bởi tính cách chứ không phải tài năng.
Albiceleste dưới thời Scaloni thì khác. Đội bóng này phòng ngự chắc chắn bằng đội hình chặt chẽ. Hãy để ý sau cú sốc thua Saudi Arabia, Argentina giữ sạch lưới 2 trận liên tiếp và ở trận thắng Australia, họ chỉ nhận bàn thua bởi pha dứt điểm đập người. Trên mặt trận tấn công, Argentina lên bóng theo khối, các đồng đội phối hợp cùng Messi hay thậm chí "bảo vệ" siêu sao này khỏi sự săn lùng của hệ thống phòng ngự đối phương.
Có những thời điểm Argentina lên bóng, La Pulga chỉ đứng trên 3 hậu vệ. Chỉ đến khi cơ hội rõ ràng, Messi mới xuất hiện và "ra đòn" bằng tài năng thiên phú, như cú sút tung lưới Mexico hay Australia. Dẫu sao đi nữa, Messi chỉ có một và khoác áo đội tuyển Argentina. Trông đợi vào cầu thủ đã ghi 789 bàn thắng sau 1.000 trận đấu và ghi bàn ở 6/7 trận gần nhất cho Albiceleste vẫn là cơ hội sáng nhất cho thầy trò Scaloni. Người hâm mộ Argentina cũng đã hiểu ra điều đó. Vậy mới có Messi thăng hoa như ngày hôm nay!
Khải Hưng