(Dân trí) - Nguyễn Đường Quang Anh năm 18 tuổi dám vượt qua giới hạn bản thân, dám phá vỡ rào cản giữa bố mẹ và con cái, dám là chính mình, dám nỗ lực theo đuổi đam mê trái bóng cam.
Trong trận đấu mang tính quyết định tấm vé bán kết VBA (Giải Bóng rổ Chuyên nghiệp Việt Nam) 2022 hôm 31/7, trước màn rượt đuổi tỉ số nghẹt thở, cầu thủ trẻ số 88 của Hanoi Buffaloes (Trâu Thủ Đô) được tung vào sân.
17 điểm, 1 kiến tạo, 1 lần cướp bóng. Tất cả làm nên màn lội ngược dòng thành công trong phút cuối, giúp Trâu Thủ Đô giành chiến thắng quý giá.
17 cũng là số điểm cao nhất trong một trận đấu của cầu thủ trẻ số 88 tại VBA - Nguyễn Đường Quang Anh, 24 tuổi, biệt danh "Sugar", giúp anh xác lập kỷ lục cá nhân.
"Sugar" đến với bóng rổ một cách đặc biệt và thứ anh nhận về, cũng đặc biệt không kém. Không phải những giải thưởng, càng không phải danh tiếng, điều quan trọng nhất với tay ném sinh năm 1998, chính là tình cảm gia đình.
Bóng rổ, từ một môn thể thao, đã giúp Quang Anh phá vỡ mọi rào cản với bố mẹ.
Nguyễn Đường Quang Anh sinh ra và lớn lên ở Nghệ An trong gia đình không có truyền thống thể thao. Lớp 9, anh sở hữu chiều cao ấn tượng 1m78, lọt vào mắt xanh của thầy cô thể dục trong trường.
Quang Anh được chọn vào đội tuyển bóng rổ, dù trước đó chỉ đam mê bóng đá và không hề biết bóng rổ là môn thể thao thế nào. Những cậu học sinh trung học lần đầu nghe đến bóng rổ như Quang Anh được tập hợp. Chúng nghĩ bóng rổ không đáng chơi, tự hỏi nhau: "Bóng rổ là gì? Chơi làm quái gì môn này?".
Nếu bóng rổ là môn thể thao phổ biến trên thế giới, thì tại Việt Nam, nhiều người vẫn còn xa lạ với trái bóng cam. Sau 1975, phong trào bóng rổ tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề phát triển mạnh mẽ. Trên phạm vi toàn quốc, hàng năm đều tổ chức các giải vô địch hạng nhất, hạng nhì, các giải trẻ thanh thiếu niên.
Tháng 11/1992, Hội bóng rổ Việt Nam được đổi tên thành Liên đoàn bóng rổ Việt Nam, viết tắt là VBF (Vietnam Basketball Federation), là thành viên chính thức của Liên đoàn bóng rổ Quốc tế.
Thời điểm đó, trường Trung học của Quang Anh không có sân bóng rổ chuyên dụng, thầy cô mua hai cái rổ, kẻ sân bằng phấn thành chỗ tập luyện cho lũ trẻ. Từ những kiến thức cơ bản, đến những cú ném bóng đầu đời đầy bỡ ngỡ, nhóm học sinh dần làm quen dần với bộ môn mới.
Hội thi phù đổng cấp trường kết thúc, lớp Quang Anh giành chiến thắng. Những "cầu thủ" giỏi nhất được "gom" lại, chuẩn bị cho giải thi đấu cấp thành phố.
Thời điểm này, huấn luyện viên của Quang Anh là… YouTube. Cậu học sinh dành nhiều thời gian tìm hiểu bóng rổ, tập ném và đập bóng sau mỗi giờ tan học, đến khi nào thành thạo mới thôi thậm chí khi đồng hồ đã điểm 11h đêm.
Thỉnh thoảng, bố Quang Anh "đột kích" bất ngờ, kiểm tra cậu con trai đang chơi bóng rổ hay la cà quán games (trò chơi điện tử). Thấy con ôm trái bóng cam chạy nhảy nhiệt huyết trên sân, ông tạm yên tâm.
Ngày thi đấu giải thành phố, Quang Anh đặt mục tiêu phải thắng. "Trẻ mà, ra sân là chiến, chơi hết mình. Nếu đã mất công tập luyện, thì phải chiến thắng", anh nói. Mỗi lần bóng đến tay, anh chạy nhanh về phía đối thủ, cố gắng bằng mọi cách đưa bóng vào rổ.
Dù chỉ đem về ngôi vị Á quân sau nhiều nỗ lực và quyết tâm cao độ, nhưng "Sugar" không buồn. Anh xem đây là bước đệm giúp bản thân phát hiện năng khiếu, tố chất và đam mê của bản thân.
"Khi chấp nhận từ bỏ bóng đá, tôi khá buồn. Nhưng sau này nghĩ lại, một cánh cửa đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra. Bóng rổ chính là món quà tuyệt vời mà tôi nhận được đằng sau cánh cửa đó", chàng cầu thủ trẻ tâm sự.
Bố mẹ không ủng hộ Quang Anh theo nghiệp thể thao, dù là bóng đá hay bóng rổ. Họ sợ viễn cảnh những lứa cầu thủ vinh quang chốc lát, nhưng bạc bẽo đeo đẳng.
Quang Anh cũng biết rằng, giữa bố mẹ và con cái luôn có một bức tường ngăn cách thế hệ cần được phá vỡ.
Những năm 16, 17 tuổi, như bao đứa trẻ tuổi mới lớn khác, Quang Anh không thường xuyên nói chuyện với bố mẹ. Truyền thống gia đình "trói buộc" và định hướng anh theo ngành quân đội. Trước khi đến với bóng rổ, đây cũng là mục tiêu của anh.
"Cuộc đời tôi vốn như một đường thẳng mà đích đến là Học viện Hậu cần - ngôi trường bố mẹ chọn sẵn", Quang Anh nhớ lại.
Từ ngày "sống cùng bóng rổ", "Sugar" học cách lắng nghe bản thân, nhận ra bóng rổ không chỉ là đam mê, mà còn là lẽ sống, là tương lai. Mỗi lần thi đấu thành công, anh mong muốn chia sẻ khoảnh khắc vinh quang cùng bố mẹ, nhưng có lẽ họ chưa thực sự hiểu và đồng cảm với cảm xúc của con cái khiến anh khó mở lời.
Rào cản giữa bố mẹ và con cái cứ thế lớn dần lên. Đến học kỳ 2 lớp 12, Quang Anh quyết định một lần nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ về tương lai của mình.
"Con không muốn theo ngành quân đội nữa. Con cảm thấy bóng rổ mới là ước mơ của mình".
Bố mẹ im lặng trước "lời tuyên bố" của con trai.
Lúc sau, họ phản đối, quát lớn: "Tại sao lại như vậy? Tại sao cả nhà cùng leo núi, sắp đến đích, thì con lại muốn từ bỏ?".
Quang Anh ấm ức, bật khóc nức nở: "Có bao giờ, bố mẹ lắng nghe và quan tâm con thi đấu như thế nào chưa ạ?".
Buổi nói chuyện kết thúc trong nước mắt và sự thất vọng. Bố mẹ thừa nhận bấy lâu nay đã quá bao bọc con trai. Quang Anh cũng hiểu rằng, bấy lâu nay đã quá sợ hãi mà không dám một lần nói hết lòng mình.
"Nếu không có bóng rổ, sẽ chẳng có buổi nói chuyện tháo gỡ nút thắt nặng trĩu trong suy nghĩ tất cả thành viên", "Sugar" khẳng định.
Dù bố mẹ vẫn không đồng ý cho Quang Anh theo thể thao, nhưng cả gia đình thống nhất đặt cược vào kỳ thi Đại học. Nếu đủ điểm, Quang Anh sẽ đăng ký Học viện Hậu cần. Điều ngược lại bị bỏ ngỏ…
Từ một học sinh khối D, Quang Anh chuyển sang khối A theo đúng nguyện vọng gia đình, kiến thức hai môn Lý và Hóa gần như trống rỗng. Lúc này, anh xác định mục tiêu quan trọng nhất là con đường Đại học, nên tạm thời dừng thể thao, tập trung ôn thi. Anh học liên tục, kèm gia sư 1:1, đến nỗi không có thời gian nghỉ ngơi.
Kỳ thi năm đó, Quang Anh được 22 điểm, trượt mục tiêu Học viện Hậu cần. Bố mẹ rất buồn, an ủi con trai: "Thôi không sao, đã cố gắng hết sức".
Một người chú trong gia đình biết Quang Anh đam mê thể thao, đã hướng anh đăng ký Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao (Hà Nội). Nghe đến cụm từ "thể dục thể thao", chàng trai nhảy cẫng vui sướng, nuôi cơ hội ra Thủ đô phát triển sự nghiệp bóng rổ.
Đại học năm thứ nhất, Quang Anh gia nhập một câu lạc bộ bóng rổ không chuyên ở Hà Nội,
Hè 2017, anh tham gia giải bóng rổ chuyên nghiệp đầu tiên U19 toàn quốc. Đội hình ban đầu gồm 15 người, tập luyện 2 tháng để chọn ra 12 người xuất sắc nhất.
Xuất phát là một tay chơi không chuyên, Quang Anh tự đánh giá bản thân chỉ xếp mức 8-9, không tự tin liệu có thể vượt qua các đối thủ cùng trang lứa. Dẫu vậy, là người có mục tiêu và lập kế hoạch bài bản, anh phấn đấu vượt qua từng người một, cố gắng luyện tập, cạnh tranh và dành suất thi đấu chính thức.
Mỗi ngày, thời gian biểu của chàng sinh viên chỉ gồm: đi học - tập bóng rổ, rời sân khi đã 10h đêm, cũng là lúc ký túc xá đóng cửa. Anh "lang bạt", ngủ nhờ nhà bạn suốt thời gian này.
Mọi sự cố gắng được đền đáp xứng đáng khi Quang Anh được gọi tên vào đội hình 12 cầu thủ xuất sắc nhất. Nam sinh viên năm nhất đứng giữa hai "con đường": Hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong trường Đại học, hoặc tham dự giải đấu chỉ có duy nhất một lần trong đời, không lần này thì sẽ không bao giờ.
Quang Anh đã chọn ngã rẽ thứ hai.
Giải U19 năm đó, dù ngồi hàng ghế dự bị, biết bản thân không phải người xuất sắc nhất, nhưng Quang Anh vẫn được trao cơ hội một vài lần vào sân thể hiện tài năng. Sau cùng, cả đội giành tấm huy chương bạc danh giá.
Tháng 11/2018, "Sugar" có cơ hội luyện tập riêng với huấn luyện viên người nước ngoài trong một tháng, giúp anh biết được cầu thủ chuyên nghiệp thực sự là như thế nào. Đây được xem là giai đoạn quan trọng nhất sự nghiệp của Quang Anh, là đòn bẩy giúp anh từ một người chơi không chuyên có cơ hội tiệm cận chuyên nghiệp.
Mỗi tuần 4 buổi tập, cường độ tăng dần. 10-15 phút đầu của buổi tập đầu tiên, Quang Anh gần như kiệt sức, hoa mắt chóng mặt và buồn nôn, dù chỉ là những bài tập đơn giản.
Sau một tháng, thể lực và trình độ của anh được cải thiện, tăng thời gian luyện tập từ 15 phút lên một tiếng rưỡi, học thêm nhiều kỹ năng mới.
Tháng 12 cùng năm, nhờ lối chơi thông minh và tự tin, Quang Anh là một trong những cái tên được gọi vào đội tuyển U20 Việt Nam thi đấu tại Giải bóng rổ giao hữu quốc tế Cambodia Friendship Games 2018.
Mỗi ngày, đội tuyển tập 2 ca, từ 9-11h và 15-17h. Tuần đầu, cơ thể Quang Anh đau ê ẩm với cường độ tập mạnh, chạy liên tục trên sân. Anh biết rằng bản thân đi lên từ không chuyên nên cần phải nỗ lực gấp nhiều lần so với đồng đội. Anh khao khát được cống hiến, khoác lên mình bộ đồng phục mang màu cờ sắc áo.
Giây phút cái tên "Nguyễn Đường Quang Anh" được xướng vào đội tuyển chính thức, anh hạnh phúc, sẵn sàng đánh đổi kì thi cuối kỳ của sinh viên năm 3 cho giải đấu thiêng liêng này.
Sau 3 tuần luyện lập, đội tuyển Việt Nam sang Campuchia thi đấu một tuần, thành công lên chức vô địch.
Năm 2019, dấu mốc quan trọng khi Quang Anh là cầu thủ thuộc đội tuyển Hà Nội thi đấu giải vô địch Quốc gia 2019 tại Nha trang (Khánh Hòa). Sau 7 trận đấu, tay ném sinh năm 1998 ghi được 100 điểm, nằm trong top cầu thủ ghi nhiều điểm nhất giải, lọt vào tầm mắt của rất nhiều tuyển trạch viên của các đội bóng trong nước.
Là một người dành tình cảm đặc biệt và muốn được cống hiến cho một đội bóng Thủ đô, cùng năm đó, Quang Anh đã có màn chào VBA (Giải Bóng rổ Chuyên nghiệp Việt Nam) bằng việc khoác nên mình màu áo của CLB Hanoi Buffaloes, vị trí hậu vệ dẫn bóng/hậu vệ ghi điểm, chính thức bước chân vào làng bóng rổ chuyên nghiệp khi mới chớm 21 tuổi.
Đôi mắt tinh tường của đội bóng chủ sân Bách Khoa đã không hề sai sau 2 trận đấu "thử lửa" trước mùa giải (Preseason) vô cùng ấn tượng của Quang Anh với lần lượt 11 và 17 điểm.
"Hanoi Buffaloes là giấc mơ mà tôi từng bị lỡ mất. Năm 2018, tôi mua vé ghế Courtside tiền triệu - vị trí vô cùng đặc biệt và độc đáo, đối diện hàng ghế cầu thủ của Hanoi Buffaloes. Tôi đặt mục tiêu, năm sau, mình phải được ngồi hàng ghế đối diện đó, và giấc mơ đã là thành sự thật", Quang Anh nhớ lại, nở nụ cười mãn nguyện.
Theo năm tháng, Quang Anh chứng minh cho mọi người thấy tinh thần nhiệt huyết và sức chiến đấu bền bỉ của một chiến binh thực thụ. Anh trưởng thành qua từng mùa giải, với lối chơi thông minh và tự tin.
"Sugar" không chỉ mạnh mẽ trong tấn công mà còn linh hoạt trong phòng thủ với khả năng bắt bài và cướp bóng nhanh như chớp.
Năm 2020, Quang Anh liên tục gặp chấn thương, như lệch cổ chân, viêm gót bàn chân, đau tay,…
Lần chấn thương nặng và nhớ đời nhất là năm 2021, khi đang chạy trên sân, chân phải của anh bị cứng lại và khụyu gối. Bác sĩ của đội nhanh chóng can thiệp y tế, chườm đá, chẩn đoán "khả năng là đứt bán phần dây chằng chéo trước".
Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy chân của Quang Anh có dịch trong gối, phải theo dõi đứt bán phần dây chằng chéo trước, nặng sẽ phải mổ.
"Một cảm giác thật tệ lúc đó. Tôi đã nghĩ đây là dấu chấm hết cho mùa giải năm đó". Một, hai tuần đầu, chân phải của Quang Anh bị teo, chỉ tập được cường độ 60%, cơ thể đau nhức, hồi phục kém. Khoảng thời gian này, anh bị stress, suy nghĩ nhiều, có lúc tự nhủ "hay thôi, dừng lại".
Từ một thanh niên vô lo vô nghĩ, "Sugar" tự đấu tranh và động viên chính mình. Hàng ngày, anh chỉ tập những bài phục hồi nhàm chán, ngồi một chỗ nhìn đồng đội ra sân tập luyện.
Có lần Quang Anh ra sân, trong trang phục của Hanoi Buffaloes, nhưng chỉ giúp đội trong một số việc lặt vặt như cổ vũ; đưa khăn, nước, để mọi người thi đấu thay phần của mình.
Những lúc này, nam cầu thủ lấy câu nói của huyền thoại Kobe Bryant làm động lực.
"Tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giành chiến thắng trong các trận đấu, cho dù đó là ngồi trên băng ghế vẫy khăn, đưa cốc nước cho đồng đội, hay thực hiện cú ném trúng đích".
Một tháng sau, trước trận đấu quan trọng gặp Đà nẵng, huấn luyện viên đã có cuộc trao đổi với bác sĩ của đội: "Tôi cần Quang Anh, liệu có thi đấu được không?". Con số chỉ dừng lại ở mức 60-70% khả năng.
Kết quả chụp cộng hưởng từ lần 2, chỉ có duy nhất một dòng kết luận: "Còn một ít dịch trong gối".
Quang Anh hỏi lại bác sĩ, được biết dây chằng tuy bị ảnh hưởng, nhưng không đến mức nghiêm trọng, giúp anh như trút được một gánh nặng. Trận đấu hôm đó, anh băng gối, quay lại sân thể hiện sức mạnh của một "con trâu bản lĩnh".
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thể dục Thể Thao, Quang Anh đang học lên thạc sĩ cho sự nghiệp lâu dài và bền vững của bản thân.
6 năm đến với bóng rổ, từ không chuyên lên chuyên nghiệp, Quang Anh biết mình hiện là niềm tự hào của gia đình. Mỗi đêm nhớ con, bố mẹ lại mở điện thoại, xem cậu con trai bé bỏng nay đã trưởng thành thi đấu đầy nhiệt huyết trên sân, như một niềm vui giản đơn.
Nhìn lại cả hành trình, anh nói bóng rổ đã giúp anh phá vỡ khoảng cách với bố mẹ, thuyết phục người lớn kiên nhẫn dõi theo ước mơ và đam mê của con trẻ.
Anh hiểu rằng, bố mẹ không hề khó tính như hồi bé anh từng nghĩ. Trong mắt bố mẹ, con cái dù lớn thế nào thì vẫn là đứa trẻ bé bỏng cần được che chở và định hướng tất cả mọi việc. Đến một thời điểm, anh chứng minh được bản thân đã trưởng thành, bố mẹ sẽ từ từ buông tay, và thay đổi cách ứng xử - mọi thứ sẽ khác đi khi bố mẹ thấy con mình lớn rồi.
Từ những người phản đối kịch liệt, gia đình bây giờ là hậu phương vững chãi cho nam cầu thủ. Họ dõi theo từng trận đấu có tên Nguyễn Đường Quang Anh, nhắn tin động viên anh, dù thua hay thắng.
"Bố mẹ như những người bạn thân thiết, chia sẻ cùng tôi mọi chuyện trong cuộc sống. Tôi có thể thoải mái nói 'con yêu bố', 'con yêu mẹ' bất cứ lúc nào, bằng một cách tự nhiên nhất. Một điều tôi tin chắc, không phải ai cũng dám thể hiện. Mọi rào cản với tội dường như đã được xóa bỏ, hay nói cách khác, bóng rổ đã giúp tôi điều đó....", Quang Anh cười.
Thực hiện: Minh Nhân - Mạnh Quân