1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Sự xuống cấp trầm trọng của V-League

(Dân trí) - Công văn yêu cầu tăng cường giám sát V-League do chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng ký để chuyển đến VPF có đoạn đề cập đến uy tín và hình ảnh của bóng đá nội. Quả thật, nhiều hành động của các đội không ý thức được rằng họ đang làm mất giá chính mình.

Cùng một nhà tài trợ, một thương hiệu tài trợ nhưng Thai-League được hưởng gói nguyên mùa lên đến khoảng 170 tỷ đồng, trong khi cũng nhà tài trợ ấy chỉ trao cho V-League số tiền 30 tỷ đồng/mùa, mà chưa biết mùa sau còn thế nào?

Đánh giá của những nhà tài trợ, nhất là những doanh nghiệp hàng đầu về các giải đấu không phải là đánh giá cho có. Vì chuyện liên quan mật thiết đến tiền bạc nên những tập đoàn đa quốc gia như doanh nghiệp đang tài trợ cho Thai-League của Thái Lan và V-League đánh giá rất kỹ, dựa trên hàng loạt thông số về tính hấp hẫn của giải đấu, khả năng thu hút khán giả, khả năng quảng bá…

Và sự chênh lệch giữa số 170 tỷ đồng ở Thai-League và 30 tỷ đồng ở V-League về cơ bản lột tả giá trị của 2 giải đấu này.

 

v-league-27-8-15-81e56
Chẳng ai muốn vừa mất thời gian đến sân vừa chuốc vào thân cảm giác khó chịu (ảnh: Nguyễn Đình)

 

Không phải ngẫu nhiên mà cách nay không lâu, thống kê của một tạp chí chuyên về bóng đá uy tín ở châu Á cho biết trong nhóm 10 CLB có lượng khán giả trung bình/mùa cao nhất Đông Nam Á, những vị trí dẫn đầu đều thuộc về các CLB của Thai-League, trong khi 2 CLB đông khán giả nhất V-League và Hải Phòng và Than Quảng Ninh chỉ lần lượt xếp ở các vị trí thứ 9 và thứ 10 trong nhóm ấy.

Chất lượng của Thai-League nằm ở tính cạnh tranh cao, các CLB đầu tư nghiêm túc, những điều trái ngược hẳn với V-League hiện nay. V-League với 14 đội tham gia nhưng chỉ có 1 suất rớt hạng, và chưa đá thì các đội bóng đã có khoảng 93% cơ hội trụ hạng thì dễ hiểu các trận đấu ở nửa sau mùa giải hầu hết là các trận thủ tục với nhiều đội.

Chính những trận đấu thủ tục đấy làm giảm sức hấp dẫn của V-League. Nhiều đội bóng và người tham gia giải vô địch quốc gia không ý thức được rằng họ càng đá với thái độ qua loa thì càng làm giảm giá trị của chính mình.

Ai dám mặn mà với một giải đấu mà ở đấy người ta không biết nhiều trận các đội đá thật hay đá… cuội? Ai muốn gắn bó với một giải đấu mà ở đấy có quá nhiều trận người ta ra sân bóng mà cứ ngỡ là mình ra nhầm… sân khấu kịch?

Những nhà tổ chức giải thỉnh thoảng cứ hay nhắc truyền thông sao cứ đưa những mặt trái của V-League lên báo, khiến nhà tài trợ nản? – Nhưng ô hay, truyền thông đâu thể từ không nói có, cũng đâu dựng chuyện hoặc bưng bít, rồi không thông tin những điều vẫn sờ sờ ra đấy!

Công việc chính là phải nhanh chóng cải tiến phương thức thi đấu, phương thức phân chia tiền thưởng, cách thức lên xuống – hạng để giải đấu hấp dẫn hơn thì nhà tổ chức chưa làm, hoặc làm không đến nơi đến chốn!

Uy tín của bóng đá nội, hình ảnh của bóng đá nội bị ảnh hưởng vì người tham gia sân chơi này không ý thức được rằng chính thái độ của họ trên sân khiến người xem thiếu tôn trọng chính họ, mất niềm tin vào họ.

Người tham gia V-League không ý thức được rằng họ cần khán giả, cần nhà tài trợ, nên đừng có những trận đấu theo kiểu… đẩy khán giả ra xa các sân bóng.

Mà có lẽ chẳng nên nói dông dài làm gì, có khán giả và có nhà tài trợ là có tiền đấy! Đằng này cứ làm khán giả, làm nhà tài trợ mất niềm tin thì ai dám đổ tiền vì mình? Ai muốn vừa tốn tiền vừa chuốc vào thân cảm giác khó chịu với những trận đấu thật - giả lẫn lộn?

Trọng Vũ

 

logobanthethao-840e5