(Dân trí) - Trước thềm SEA Games 32, HLV người Anh Steve Darby đã có những chia sẻ thẳng thắn về cơ hội của U22 Việt Nam khi nằm ở bảng đấu với các đối thủ Thái Lan, Malaysia, Singapore.
Trước thềm SEA Games 32, HLV người Anh Steve Darby đã có những chia sẻ thẳng thắn về cơ hội của U22 Việt Nam khi nằm ở bảng đấu với các đối thủ Thái Lan, Malaysia, Singapore.
Xin chào ông Steve Darby, cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn của Dân trí. Chưa đầy một tháng nữa SEA Games 32 sẽ khởi tranh tại Campuchia. Như thường lệ, mối quan tâm đặc biệt nhất được dành cho môn bóng đá nam. U23 Việt Nam lại vừa trải qua U23 Doha Cup 2023 không mấy suôn sẻ. Tại giải đấu ra mắt của HLV Philippe Troussier, U23 Việt Nam toàn thua và không thể ghi bàn. Kết quả này làm dấy lên những hoài nghi về thực lực của đội bóng lẫn vị tân huấn luyện viên (HLV) trưởng của đội tuyển quốc gia và U23. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Cảm ơn câu hỏi của anh. Tôi cho rằng không việc gì phải ầm ĩ lên ở đây. Vấn đề chính là chất lượng đối thủ của thầy trò Troussier.
U23 Việt Nam đã thua Iraq và UAE, những đội bóng trình độ cao của Tây Á, các nền bóng đá phát triển của châu lục. Nếu U23 Việt Nam thi đấu với Nepal hoặc Bangladesh và giành chiến thắng dễ dàng thì hẳn sẽ có ý kiến cho rằng đội tuyển thật tuyệt vời chứ?!
Tôi tin việc thi đấu với các đối thủ nặng ký ở những trận giao hữu là điều tốt. Chỉ có chạm trán những đội bóng đẳng cấp cao mới đẩy các cầu thủ bộc lộ hết khả năng cũng như tích lũy kinh nghiệm và cải thiện trình độ. Cũng nhờ vậy, HLV sẽ phát hiện thực lực của từng cầu thủ, như họ sẽ phải đối mặt trong những giải đấu chính thức.
Ngoài ra, quan trọng không kém, HLV cũng nhận ra tính cách thật sự của mỗi học trò, ai bản lĩnh, ai mạnh mẽ, ai lì lợm, ai giàu tính chiến đấu hoặc ai điềm tĩnh. Tóm lại, kể cả thất bại tại U23 Doha Cup 2023 thì vấn đề chưa có gì là nghiêm trọng và chỉ tốt cho đội tuyển U23 Việt Nam.
Quả thực quá sớm để đưa ra đánh giá nào đó về HLV Troussier hay đội tuyển U23 Việt Nam. Tuy nhiên, có một đề tài gây chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng người hâm mộ bóng đá Việt Nam, đó là về việc HLV Troussier xây dựng lối chơi kiểm soát bóng cho các cấp đội tuyển Việt Nam, định hướng lối chơi này đối nghịch hoàn toàn chiến thuật phòng ngự phản công đã trở nên quá quen thuộc dưới thời HLV Park Hang Seo. Ông đánh giá ra sao về chiến lược của HLV Troussier cũng như cách phản ứng từ dư luận?
- Tấn công hay phòng ngự luôn là màn đánh cược. Đừng quên có những ý kiến chỉ trích chiến thuật của HLV Park Hang Seo tiêu cực và cách điều binh khiển tướng của ông ấy có phần thủ cựu.
Tuy nhiên, không cần đề cập tới thành công, các cấp đội tuyển Việt Nam chưa bao giờ bị thua thê thảm dưới thời vị chiến lược gia này, đồng thời thu hẹp đáng kể khoảng cách với các đội tuyển quốc gia phát triển hơn. Nếu chọn lối chơi tấn công, cũng có thể thắng trận, nhưng cũng có thể nhận thất bại nặng nề trước các đội bóng ưu tú nhất của bóng đá châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Câu chuyện ở đây là không một nhà cầm quân nào có thể làm hài lòng hết người hâm mộ! Ông Troussier chỉ và phải làm những điều ông ấy cảm thấy tốt nhất cho đội bóng và hệ thống trên sân. Tương tự là câu chuyện chọn ra phong cách phù hợp với các cầu thủ.
Điều quan trọng nhất là ông Troussier phải nhận được sự ủng hộ từ phương tiện truyền thông, và từ đó có sự ủng hộ của người hâm mộ lẫn Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).
Cần nói thêm, ông Troussier không chỉ là HLV giỏi mà còn giàu kinh nghiệm và hiểu rõ nền văn hóa bóng đá châu Á nói chung lẫn Việt Nam nói riêng. Tôi từng xem ông ấy huấn luyện và cực kỳ ấn tượng về cách làm việc bài bản, quy củ.
Khi đã ngồi vào ghế HLV đội tuyển quốc gia (ĐTQG) Việt Nam, ông ấy sẽ chịu mọi trách nhiệm. Do đó ông ấy cần sự ủng hộ để đạt được kết quả tốt nhất.
Tại SEA Games 32, lá thăm đưa đội tuyển U22 Việt Nam nằm tại bảng B, bảng đấu có sự hiện diện của hầu hết đội mạnh là Thái Lan và Malaysia. Theo ông dự đoán, cục diện "bảng tử thần" này sẽ thế nào?
- Chắc chắn rồi, bảng B là bảng đấu tử thần. Khó có thể bốc một bảng đấu khốc liệt hơn như thế. Hẳn nhiên người Indonesia cười rất tươi khi được nằm ở bảng A. Kết quả hợp lý nhất là U22 Việt Nam, U22 Thái Lan chia nhau hai vị trí đầu bảng và giành vé vào bán kết.
Ngôi đầu có thể được phân định dựa trên kết quả thi đấu của hai đội trước U22 Malaysia. Ngoài ra, hiệu số bàn thắng bại hay đúng hơn là số bàn thắng ghi được vào lưới các đối thủ yếu cũng đóng vai trò quan trọng. Tất nhiên, cục diện sẽ được định đoạt ở trận đấu trực tiếp giữa Việt Nam và Thái Lan tại lượt trận cuối vòng bảng.
Đội nào thắng chắc chắn đi tiếp và có nhiều cơ hội đứng đầu bảng.
Ông Troussier có phải chịu nhiều áp lực vì người tiền nhiệm đã giành 2 tấm HCV SEA Games liên tiếp?
- Luôn có nhiều áp lực đối với HLV các cấp của đội tuyển Việt Nam, cấp càng cao, áp lực càng lớn, phần nhiều bị ảnh hưởng bởi truyền thông và đôi khi bị áp lực bởi những thứ chẳng hề liên quan. HLV Troussier là một nhà cầm quân thông minh và giàu kinh nghiệm. Ông ấy biết cách để xử lý cái gọi là áp lực.
Về vấn đề mục tiêu bảo vệ tấm HCV, thực tế quan điểm của tôi là những cầu thủ này nên chuẩn bị cho World Cup 2030, chỉ một số xuất sắc nhất mới được triệu tập vào đội tuyển quốc gia tham dự vòng loại World Cup 2026.
Vì vậy, những tuyển thủ U22 Việt Nam hiện nay cần nỗ lực và tận dụng mọi cơ hội để được thi đấu thường xuyên tại V-League và nếu có thể, một số nên ra nước ngoài thi đấu. Chơi bóng ở nước ngoài trui rèn cho các cầu thủ từ kỹ năng, kinh nghiệm đến bản lĩnh.
Để bóng đá Việt Nam cải thiện và đạt được vị thế cao hơn, những cầu thủ giỏi nhất phải chuyển sang thi đấu ở các giải đấu nước ngoài như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Tôi đã thấy sự tiến bộ vượt bậc của hai tuyển thủ Thái Lan là Theerathon và Teerasil Dangda, kể từ khi họ sang Nhật Bản thi đấu.
Đối với SEA Games, đừng đặt nặng vấn đề "vàng" thêm nữa. Hãy xem giải đấu này như một cơ hội trui rèn cho các cầu thủ trẻ. Các đội tuyển mạnh tại Đông Nam Á nên tận dụng SEA Games vào lộ trình phát triển.
Tại đấu trường này, các cầu thủ trẻ của Việt Nam hay Thái Lan sẽ có cơ hội cọ xát với đội tuyển U22 mạnh nhất của các nền bóng đá yếu trong khu vực. Theo logic, Việt Nam nên chuyển dần sang sử dụng lứa U18 tại giải đấu này để tích lũy kinh nghiệm.
Ông có vẻ ấn tượng với các cầu thủ Thái Lan. Ông cho rằng sự khác biệt lớn nhất giữa cầu thủ Việt Nam và Thái Lan cho đến hiện tại là gì?
- Tâm lý! Các cầu thủ Thái Lan luôn khao khát ra nước ngoài thi đấu, để hoàn thiện bản thân và dĩ nhiên cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, các cầu thủ Việt Nam có vẻ hài lòng với việc chơi bóng tại giải V-League chất lượng kém hơn Thai League.
Câu hỏi cuối cùng, ông đánh giá thế nào về đội chủ nhà U22 Campuchia và bảng đấu họ rơi vào với tư cách đội chủ nhà?
- Tôi không có ấn tượng gì nhiều về nền bóng đá đất nước này. Bóng đá Campuchia vẫn ẩn trong lớp màn bí mật trừ khi bạn sinh sống tại đây. Đội tuyển U22 nước này sẽ giành quyền vào bán kết vì họ lọt vào bảng đấu dễ dàng đến khó tin.
Thật bất ngờ vì có một bảng đấu như vậy. Trên lý thuyết, U22 Campuchia sẽ về nhì sau U22 Indonesia. Nhờ lợi thế sân nhà, họ có thể đủ khả năng xếp trên U22 Myanmar. Tuy nhiên, tôi không tin U22 Campuchia giành chiến thắng ở bán kết, trước bất kỳ đối thủ nào tại bảng B!
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Duy Toàn