1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Olympic Việt Nam sẽ được gì từ những trận giao hữu?

(Dân trí) - Thường thì các đội bóng trên thế giới hay chọn những đội bóng có lối chơi tương tự như những đối thủ mà họ sắp gặp ở các giải đấu lớn, để đá giao hữu. Olympic Việt Nam không may mắn như vậy, nhưng mong rằng trong cái khó ló cái khôn.

Thử và thật không giống nhau

Thói quen của các đội bóng hàng đầu trên thế giới là chọn những đối thủ tương tự như các đối thủ mà mình chuẩn bị đụng độ ở các giải đấu lớn, để đá giao hữu. Ví dụ như trước thềm VCK World Cup, nếu một đội bóng châu Âu nằm chung bảng với các đội đến từ Nam Mỹ, châu Phi và châu Á, họ sẽ chọn những đối thủ ở cùng lục địa với các đội bóng vừa nêu để đá giao hữu.

Rồi các đội Nam Mỹ, châu Phi hay châu Á cũng sẽ làm điều tương tự nếu họ nằm chung bảng với các đội châu Âu hoặc một số khu vực khác, tức là chọn các đội đá giao hữu với mình có lối chơi gần tương đồng với những đội mà họ chuẩn bị đá giải chính thức.

Thậm chí, cụ thể hơn, nếu nằm chung bảng với một đội bóng Đông Á (Hàn Quốc chẳng hạn), người ta sẽ đá giao hữu với một đội bóng Đông Á khác (ví dụ như CHDCND Triều Tiên), nếu nằm chung bảng với một đội bóng Bắc Âu (Thụy Điển chẳng hạn), người ta sẽ tìm một đội láng giếng với đội bóng Bắc Âu ấy để đá giao hữu (Đan Mạch hoặc Phần Lan)…

Ở đây, các đội bóng mà Olympic Việt Nam đá giao hữu trước thềm vòng loại Olympic châu Á gồm Indonesia, Uzbekistan và Thái Lan rất ít có nét tương đồng với với các đội mà chúng ta chuẩn bị đụng độ ở bảng I – vòng loại Olympic châu Á, gồm Nhật, Malaysia và Macau (Trung Quốc).

Olympic Việt Nam sẽ trưởng thành hơn sau các trận đấu cọ xát (ảnh: Gia Hưng)
Olympic Việt Nam sẽ trưởng thành hơn sau các trận đấu cọ xát (ảnh: Gia Hưng)


Nếu chuẩn bị gặp Malaysia, tìm đội bóng có lối chơi gần giống Malaysia nhất là Singapore có lẽ hợp lý hơn. Nếu sắp gặp Nhật Bản, có lẽ đá với Hàn Quốc sẽ tốt hơn là đá với Uzbekistan, vì Nhật và Hàn Quốc ở đẳng cấp tương tự nhau.

Đấy là điều nên rút kinh nghiệm. Dù vậy, trong bối cảnh và vị thế không mạnh của bóng đá Việt Nam bây giờ, có lẽ cũng khó đòi hỏi nhiều hơn, vì chúng ta muốn đá với họ, nhưng chưa chắc họ chịu đến với chúng ta. Thành ra, điều quan trọng nhất vẫn là tự bản thân đội tuyển sẽ rút ra được những gì từ các trận giao hữu quốc tế.

Cơ hội xới tung đội hình

Điểm mạnh nhất của HLV Miura sau khoảng 1 năm ông dẫn dắt các đội tuyển bóng đá Việt Nam nằm ở chỗ các đối thủ không bao giờ đoán được đội hình tối ưu, mà vị HLV người Nhật áp dụng trong từng trận đấu ở các giải chính thức.

Mà muốn có được sự luân phiên về mặt nhân sự như vậy, HLV Miura phải có sự chuẩn bị tốt nhất cho mọi cầu thủ mà ông có trong tay. Hay nói cách khác, mọi học trò của vị HLV người Nhật cần sẵn sàng lúc được dùng đến.

Chỉ có thông qua các trận đấu HLV Miura mới biết hết điểm mạnh, điểm yếu của từng cầu thủ mà mình có trong tay, trước khi biết dùng cầu thủ đấy ở đâu và vào lúc nào, trong những giải chính thức.

Cũng chỉ thông qua các trận đấu giao hữu, những cầu thủ của ông Miura mới thực sự sẵn sàng cho những nhiệm vụ mà vị HLV người Nhật sẽ cần họ. Thành ra, HLV Miura luôn cần rất nhiều những trận đấu cọ xát, trước các giải đấu quan trọng. Ông cho quân mình đá nhiều trận cọ xát hơn những HLV khác. Thậm chí, bên cạnh các trận giao hữu quốc tế, vị HLV người Nhật còn tận dụng luôn các trận đấu tập để thử nghiệm đội hình.

Đấy cũng là cái được lớn nhất xung quanh các trận giao hữu chúng ta có trong thời gian chuẩn bị cho vòng loại Olympic châu Á, cho dù đối tượng để đá giao hữu có thể vẫn chưa thật ưng ý về mặt chuyên môn.

Đấy cũng là lý do mà đừng lạ nếu HLV Miura xáo tung đội hình ở các trận giao hữu vừa nêu, rồi không đạt kết quả hào nhoáng trong những trận ấy. Kết quả trong những trận đấu giao hữu dĩ nhiên không quan trọng bằng việc người ta sẽ nhìn thấy gì về mình và về đối phương thông qua những trận đấu dạng này.

Kim Điền