1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Những quốc gia khốn đốn với nợ công sau các đại hội thể thao lớn

(Dân trí) - Hy Lạp đang đối diện với cuộc khủng hoảng nợ công chưa từng có trong lịch sử. Điều đáng nói là Olympic Athens 2004 lại là một trong những sự kiện góp phần làm gia tăng nợ công của Hy Lạp. Mà đây lại chẳng phải là chuyện riêng của xứ sở thần thoại…

Olympic góp phần làm kiệt quệ kinh tế Hy Lạp

Trước thời điểm tổ chức Olympic Athens 2004, kinh tế Hy Lạp đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu suy thoái. Dù vậy, thời điểm đó, chính phủ nước này vẫn quyết tâm tổ chức Olympic, với hy vọng rằng thông qua Thế vận hội 2004, ngành du lịch của Hy Lạp sẽ được hưởng lợi, hình ảnh và vị thế của đất nước Hy Lạp được in đậm trong tâm trí người dân toàn thế giới, người dân được khơi dậy niềm tự hào dân tộc, trước khi có thêm động lực để cùng giúp nền kinh tế Hy Lạp vượt qua sóng gió.

Thế nhưng, thực tế không như những gì mà BTC Olympic Athens và chính phủ Hy Lạp mong đợi. Một kỳ Olympic quá tốn kém khiến cho đất nước của những câu chuyện thần thoại này đã khó càng thêm khó.

Theo BBC, tổng chi phí mà Hy Lạp phải chi cho kỳ Thế vận hội năm đó là vào khoảng 10 tỷ bảng Anh. Đến ngày 13/11/2004, Ủy ban Olympic Hy Lạp công bố con số chính thức đã tiêu tốn cho kỳ Olympic trên sân nhà là 8 tỷ 954 triệu bảng Anh (tương đương 21,2 tỷ USD thời điểm năm 2004).

Sau Olympic 2004, nhiều công trình thể thao ở Athens (Hy Lạp) lâm vào tình cảnh không người sử dụng
Sau Olympic 2004, nhiều công trình thể thao ở Athens (Hy Lạp) lâm vào tình cảnh không người sử dụng


Con số này chưa bao gồm 1,08 tỷ Euro (khoảng 1,35 tỷ USD) chi phí cho các hoạt động quốc phòng và bảo vệ an ninh cho Thế vận hội (tổng chi phí gần đúng với con số khoảng 10 tỷ bảng mà BBC ước tính trước đó).

Riêng chuyện đảm bảo an ninh cho Thế vận hội mùa hè 2004 đã khiến cho chính phủ Hy Lạp hết sức đau đầu, họ phải nhờ đến NATO và lực lượng an ninh châu Âu hỗ trợ về nhân lực cũng như khí tài trong suốt quá trình diễn ra đại hội.

Lo ngại của chính phủ Hy Lạp là không thừa vì các kỳ Đại hội thể thao lớn luôn là mục tiêu đối với các tổ chức khủng bố quốc tế. Thậm chí, có thời điểm, người ta còn lo rằng một vụ tương tự như vụ 11/9/2001 ở Mỹ sẽ xảy ra ở Hy Lạp trong thời gian diễn ra Olympic. Bởi thế mà NATO cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Sau Olympic 2004, nhiều công trình thể thao ở Athens (Hy Lạp) lâm vào tình cảnh không người sử dụng
Báo chí Anh từng lấy sự lãng phí của Olympic Athens để cảnh báo chính phủ Anh trước khi nước này tổ chức Olympic 2012


Hy Lạp có một kỳ Olympic thành công về mặt chuyên môn và khâu tổ chức. Nhưng chuyện xảy ra sau đó mới đáng nói: Nhiều công trình phục vụ cho Olympic 2004 cho đến nay gần như bỏ không vì không người sử dụng, Olympic cũng không hề tạo ra cú hích đủ lớn như ngành du lịch Hy Lạp mong đợi. Và đáng kể nhất là vì bỏ ra khoảng chi phí khổng lồ cho Olympic mà tình trạng nợ công của Hy Lạp lên mức báo động, trong khi các nguồn lực trong nước cạn kiệt dần.

10 năm sau Olympic Athens 2004, Hy Lạp ngày nay là một trong những quốc gia khó khăn nhất châu Âu, cùng tình trạng nợ công đã ở mức lịch sử. Năm 2008, tờ Independent (Anh) đã cảm thán chạy tít: “Đằng sau buổi tiệc, chuyện gì xảy ra khi Olympic rời bỏ các thành phố?”, để than thở cho Olympic Athens.

Ukraine không khá hơn sau Euro 2012

Khi Ukraine nhận đăng cao Euro 2012, nền kinh tế của nước này vẫn đang ở vào giai đoạn phát triển tốt (đặc biệt là từ giai đoạn từ năm 2000 - 2007). Tuy nhiên, từ năm 2008, kinh tế Ukraine có dấu hiệu sa sút, GDP liên tục giảm trong các năm tiếp theo.

Chính sự sa sút về mặt kinh tế ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chuẩn bị cho Euro 2012 của chính phủ Ukraine vào lúc đó. Khoảng 6,6 tỷ USD đã được đất nước Đông Âu này bỏ ra để xây mới và sửa chữa các công trình phục vụ giải vô địch bóng đá châu Âu như SVĐ, khách sạn, đường xá… cũng như công tác tổ chức.

Cũng cần nói thêm rằng 6,6 tỷ USD đã là con số được giảm tối đa, nhờ chính phủ Ukraine nhận được sự giúp sức của một số nhà tài phiệt giàu nhất đất nước trong công tác cải thiện cơ sở hạ tầng, nhất là việc nâng cấp các SVĐ thuộc sở hữu tư nhân.

Du lịch Ukraine có dịp hốt bạc trong dịp Euro, với giá phòng khách sạn và một số dịch khác tăng lên mức 1.000% so với ngày thường, để thu về cho Ukraine khoảng 1,5 tỷ USD. Nhưng thu vẫn không đủ bù chi.

Thời gian diễn ra Euro 2012 cũng là thời gian mà Ukraine phải thanh toán một phần nợ cho Nga (khoảng 2 tỷ USD) và châu Âu (500 triệu USD trái phiếu).

Nhiều gánh nặng phải thanh toán cùng lúc khiến cho Ukraine không thể “gồng” nổi. Đấy là chưa kể đến tình trạng tham nhũng, trong đó có cả những vụ tham nhũng liên quan đến việc xây mới các công trình phục vụ Euro 2012, khiến lòng dân Ukraine càng bất an, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng toàn diện ở nước này.

Gánh nặng liên tiếp đến với các quốc gia đăng cai, khiến cho ngay cả những nước giàu như UAE, Nhật Bản ngày nay cũng phải dè dặt với các kỳ đại hội thể thao tầm châu lục trở lên!

Kim Điền