1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Những quốc gia nào từng trả lại quyền đăng cai ASIAD?

(Dân trí) - Trong lịch sử, Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên trả lại quyền tổ chức Asiad. Trước đó, Hàn Quốc, Singapore và Pakistan cũng từng xin rút quyền đăng cai vì những lý do chủ yếu xuất phát từ khó khăn kinh tế…

Nhận được quyền đăng cai Asiad 1970, nhưng trước khi Á vận hội diễn ra 2 năm, vào khoảng tháng 4 và tháng 5/1968, Quốc hội Hàn Quốc đã phải lập ra một hội đồng đặc biệt, với mục đích là xin bỏ quyền đăng cai Asiad 1970.

Khi đó, Hàn Quốc đang đối diện với cuộc khủng hoảng an ninh khu vực (chủ yếu là căng thẳng với CHDCND Triều Tiên), trong khi ngân sách của Hàn Quốc chỉ có hạn. Đấy chỉnh là lý do mà Hàn Quốc cho rằng họ nên ưu tiên ngân sách cho những việc cấp bách hơn, thay vì đổ tiền đăng cai Á vận hội, ở thời điểm mà nước này chưa sẵn sàng.

Ngay lập tức, Hội đồng Olympic châu Á đề nghị Nhật Bản thay thế Hàn Quốc, nhưng Nhật cũng từ chối vì những lý do tương tự. Nhật Bản thời điểm đó cũng có một số khó khăn nhất định và cũng đối diện với cuộc khủng hoảng an ninh khu vực ở Đông Bắc Á.

Đấy chính là lý do mà Hội đồng Olympic châu Á một lần nữa phải họp khẩn và đề nghị Thái Lan giải cứu Á vận hội, với quan điểm rằng Thái Lan vốn đã có sẵn cơ sở vật chất của lần tổ chức Asiad 2 năm trước đó, nên sẽ không mất nhiều thời gian cho lần đăng cai năm 1970, đặc biệt là sẽ không tốn quá nhiều tiền cho việc đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho các cuộc tranh tài tại Asiad, cũng như hạ tầng cho việc ăn, ở, di chuyển của các VĐV, quan chức và CĐV đến với đại hội.

Tổ chức Asiad từng là gánh nặng với nhiều nước
Tổ chức Asiad từng là gánh nặng với nhiều nước

Thái Lan nhận Asiad 1970 với điều kiện họ phải được sự giúp đỡ. Kết quả là cả Hội đồng Olympic châu Á và 12 quốc gia khác đồng ý hỗ trợ cho chính phủ Thái Lan, cứu cho Á vận hội năm đó diễn ra đúng hẹn.

2 năm sau, tức vào năm 1972, Singapore vượt qua Nhật Bản để giành quyền đăng cai Asiad 1978, kèm theo lời hứa là sẽ tạo ra một đại hội với những ấn tượng chưa từng có, cùng hàng loạt kế hoạch xây mới các cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, trong lễ khánh thành SVĐ quốc gia Singapore tháng 7/1973, thủ tướng Singapore khi đó là ông Lý Quang Diệu nhận định rằng với dân số ít ỏi (chỉ khoảng 2 triệu người vào các năm 1970), Singapore không nên chạy theo việc tìm kiếm các tấm HCV Olympic và Asiad. Thế nên, việc tổ chức Asiad 1978 vào thời điểm ấy là không phù hợp.

Mục tiêu của đảo quốc sư tử thời bấy giờ là ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chăm lo cho an sinh xã hội, giáo dục, đầu tư phát triển đất nước… Theo họ thì việc bỏ quá nhiều tiền vào Asiad lúc ấy là không phù hợp và sẽ làm lãng phí nguồn ngân sách quốc gia.

Đến đầu năm 1974, Singapore xin rút đăng cai, Pakistan thay thế. Nhưng cũng chỉ chưa đầy 2 năm sau, tức là hơn 2 năm trước khi Asiad 1978 khai màn, Pakistan cung xin rút, vì cơ sở hạ tầng không đảm bảo cho việc đăng cai Á vận hội.

Hội đồng Olympia châu Á đề nghị Nhật Bản rồi Indonesia thay thế, nhưng 2 quốc gia này cũng lần lượt từ chối.

Một lần nữa, Thái Lan tiếp tục là biện pháp chữa cháy, lần thứ 3 đăng cai Á vận hội (1966, 1970, 1978. Sau này, Thái Lan đăng cai thêm lần nữa vào năm 1998, trở thành quốc gia tổ chức Asiad nhiều lần nhất cho đến giờ).

Với việc xin trả lại quyền đăng cai Asiad 2019, Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên trả lại quyền tổ chức Á vận hội. Bên cạnh đó, so với nhiều nước từng trả lại quyền đăng cai Asiad như Hàn Quốc, Singapore và Pakistan, thời gian xin trả lại quyền đăng cai Á vận hội của Việt Nam vẫn còn rộng hơn một số nước.

Từ đây đến Asiad 18 năm 2019 vẫn còn khoảng 5 năm nữa, trong khi nhiều nước như Hàn Quốc hay Pakistan trả lại quyền đăng cai Asiad cận ngày hơn nhiều. Cả 2 nước vừa nêu chỉ tuyên bố không đăng cai Á vận hội khoảng 2 năm trước thời điểm đại hội khai màn.

Kim Điền