1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Nhờ Iran và Iraq, đội tuyển Việt Nam mới hiểu rõ sức mạnh của mình

(Dân trí) - Sau khi vô địch AFF Cup 2018, tinh thần của đội tuyển Việt Nam đang lên rất cao. Dù vậy, nếu nhìn rộng ra đấu trường châu Á, chúng ta vẫn kém về đẳng cấp. Nhờ những thất bại trước Iran, Iraq, thầy trò HLV Park Hang Seo mới biết mình đang đứng ở đâu…

Việt Nam 0-2 Iran: Chênh lệnh đẳng cấp

Đội tuyển Việt Nam đã thất bại trong cả hai trận đối đầu với các đối thủ mạnh là Iran và Iraq. Dù có chút tiếc nuối (đặc biệt là ở trận đấu với Iraq) nhưng cũng phải thừa nhận rằng thầy trò HLV Park Hang Seo thua hẳn đối thủ về đẳng cấp.

Nhờ Iran và Iraq, đội tuyển Việt Nam mới hiểu rõ sức mạnh của mình - Ảnh 2.

Iran quá mạnh so với Việt Nam

Ở trận đấu với Iraq, chúng ta đã hai lần vượt lên dẫn trước nhưng lại không thể giữ được lợi thế ấy và… thua ngược. Trong khi đó, trước Iran, đội tuyển Việt Nam gần như không thể kháng cự trước sức tấn công mạnh mẽ.

Người hâm mộ có thể thất vọng khi đội tuyển Việt Nam trắng tay sau hai trận đấu và đối diện với nguy cơ bị loại ở Asian Cup 2019. Cần nhấn mạnh rằng đây là thời điểm mà sự tự tin của những người Việt Nam đang tăng cao sau chức vô địch AFF Cup 2018. Trước đó, lứa U23 Việt Nam đã gặt hái thành công rực rỡ ở giải U23 châu Á hay Asiad 2018.

Nhưng nói qua cũng phải nói lại, nhờ những trận thua trước Iran hay Iraq mà đội tuyển Việt Nam mới biết mình đang đứng ở đâu. Rõ ràng, cúp châu Á có tính chất khác hoàn toàn so với giải trẻ hay ở khu vực Đông Nam Á. Đối diện với đội tuyển Việt Nam đều là những ngôi sao đang thi đấu ở châu Âu hay góp mặt ở World Cup.

Dù không hiểu quá nhiều về bóng đá Việt Nam nhưng cựu danh thủ của MU, Dwight Yorke cũng khẳng định rằng: "Nếu muốn vươn tầm đẳng cấp, các cầu thủ Việt Nam cần ra nước ngoài thi đấu. Có như vậy, họ mới thích nghi được với môi trường bóng đá đỉnh cao và trưởng thành vượt bậc".

Đơn giản, những lời của Dwight Yorke gần như là "công thức chung" của nền bóng đá thế giới. Ở đất nước mà giải VĐQG chưa phát triển tới đỉnh cao như Premier League, La Liga hay Serie A… việc các cầu thủ thi đấu ở giải VĐQG phát triển sẽ có lợi rất nhiều. Ngay cả Iran, nới vốn có giải VĐQG hàng đầu châu Á, nhiều ngôi sao đã ra chinh chiến ở trời Âu. Tương tự là nền bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc hay Australia.

Nhờ Iran và Iraq, đội tuyển Việt Nam mới hiểu rõ sức mạnh của mình - Ảnh 3.

Đẳng cấp là vấn đề của sự phát triển dài hơi, chứ không thể có trong một sớm một chiều

Không phải ngẫu nhiên mà các CLB mạnh ở Thái Lan chấp nhận để những ngôi sao tốt nhất như Chanathip, Teerasil Dangda hay Theerathon Bunmathan sang Nhật Bản thi đấu theo hợp đồng cho mượn. Trong đó, chỉ có Chanathip được CLB Consadole Sapporo mua đứt, còn hai cầu thủ còn lại bị trả về CLB. Dù vậy, ít nhiều, họ cũng trải nghiệm ở giải đấu đẳng cấp cao như Nhật Bản.

Thái Lan là đất nước đi đầu ở Đông Nam Á về vấn đề này. Bóng đá Việt Nam từng chứng kiến những lần "xuất ngoại" của Xuân Trường, Công Phượng hay Tuấn Anh nhưng không thành công. Chủ yếu là do các cầu thủ vẫn chưa trang bị tâm lý đủ vững để "bơi" ở giải đấu cấp cao.

Nhưng không phải vì thế mà chúng ta chùn bước. Theo nhận định của báo châu Á, đội tuyển Việt Nam vẫn còn nhiều cầu thủ Văn Hậu, Quang Hải có khả năng thi đấu ở nước ngoài. Mới nhất, thủ thành Đặng Văn Lâm đã quyết định sang giải VĐQG Thái Lan thi đấu.

Tất nhiên, bóng đá là sự phát triển dài hơi. Chúng ta không thể tỉnh dậy sau một đêm mà tìm ngay được… đẳng cấp cao. Thay vào đó, nó cần phải được xây dựng theo lộ trình, từng bước một và thậm chí trải qua nhiều thế hệ.

Có thực tế rằng, thế hệ của Quang Hải, Công Phượng ít nhiều đã có bản lĩnh thi đấu và thể lực tốt hơn so với thế hệ đàn anh. Điều đó ghi nhận sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Nhưng nếu muốn vươn tới đẳng cấp châu Á, đó lại là vấn đề hoàn toàn khác. Đội tuyển Việt Nam thời HLV Park Hang Seo có thể chiến đấu kiên cường trước các đối thủ mạnh hơn nhưng họ vẫn chưa xóa nhòa khoảng cách về đẳng cấp.

Một phần bởi hầu hết các tuyển thủ Việt Nam vẫn còn quá trẻ. Mặt khác, toàn bộ đội hình Việt Nam đang thi đấu ở giải quốc nội và chưa có sự "va chạm" với những nền bóng đá phát triển hơn.

Vì vậy, đừng nhìn vào chức vô địch bóng đá Đông Nam Á mà quá đề cao sức mạnh của đội tuyển Việt Nam mà hãy nhìn vào hai trận đấu với Iran và Iraq, để thấy thiếu xót của các tuyển thủ.

Giải Asian Cup 2019 có thể là cánh cửa để đội tuyển Việt Nam bước ra biển lớn. Việc đối đầu với các đối thủ lớn ở đây là cần thiết cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

H.Long