1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Nhiều tay vợt trút giận vào công nghệ tại Australian Open 2021

Phù Sa

(Dân trí) - Hệ thống mắt diều hâu và hệ thống giám sát lưới mới áp dụng tại Australian Open 2021 đã được một số tay vợt thi đấu trong tuần đầu tiên nghi ngờ về sự chính xác...

Kyrgios yêu cầu trọng tài tắt hệ thống giám sát lưới

Nick Kyrgios, Gilles Simon và một số tay vợt khác đã trao đổi với các trọng tài về những quyết định được thực hiện bằng công nghệ mà họ không đồng ý. Nhiều tay vợt khác cũng ủng hộ họ trong vấn đề này, tuy nhiên họ cũng không muốn gây ra sự ồn ào lớn.

Theo chia sẻ của cựu tay vợt Sam Groth, người hiện đang làm chuyên gia bình luận Australian Open cho hãng truyền thông Nine, chỉ một số khiếu nại của các tay vợt là chính đáng. Thậm chí, Groth còn khẳng định rằng việc các vận động viên chỉ trích các công nghệ được áp dụng tại Australian Open 2021 đơn thuần là việc họ muốn tìm kiếm thứ gì đó để trút bỏ sự thất vọng.

Nhiều tay vợt trút giận vào công nghệ tại Australian Open 2021 - 1

Simon không hài lòng với công nghệ mới được áp dụng ở Australian Open

Sự ra đời của công nghệ trong điều hành quần vợt bắt đầu vào những năm 1970. Các thiết bị giám sát dây được máy tính hóa sử dụng cảm biến áp suất và chùm tia laser hồng ngoại, được áp dụng để cung cấp cho trọng tài các quyết định chính xác hơn, theo đó khi bóng rơi ngoài dây sẽ được báo hiệu bằng một tiếng bíp lớn. 

Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn các trọng tài dây tại Australian Open năm nay đã nâng tầm ảnh hưởng của công nghệ đối với các trận đấu lên tầm cao mới và dường như các tay vợt đang cảm thấy hối hận.

Công nghệ mắt diều hâu đã được Liên đoàn quần vợt Quốc tế kiểm tra và cho phép sử dụng ở các giải đấu chuyên nghiệp vào năm 2005. Dẫu vậy, Australian Open 2021 trở thành giải Grand Slam đầu tiên khiến các tay vợt không thể đổ lỗi cho "lỗi của con người" về những bất bình của họ. Cho nên Australian Open 2021 trở thành giải đầu tiên buộc các tay vợt phải đổ lỗi cho công nghệ ở những quyết định được cho rằng gây bất lợi với họ. 

Simon, Kyrgios và Frances Tiafoe đều bày tỏ sự không hài lòng với công nghệ mới, (Simon và Tiafoe đều đã thua cuộc), trong khi tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic không nói quá nhiều, tay vợt người Serbia ủng hộ việc sử dụng công nghệ ở các trận đấu trong tương lai.

Nhiều tay vợt trút giận vào công nghệ tại Australian Open 2021 - 2

Ở trận đấu tại vòng 2, Tiafoe từng dừng lại đợi hiệu lệnh trọng tài trong một pha bóng mà Djokovic đánh ra ngoài, tuy nhiên không có hiệu lệnh nên anh phải tiếp tục đánh (chậm nhịp), sau đó đã bị mất điểm

Phản ứng đa chiều không phải việc gì mới. Không riêng gì quần vợt, các vận động viên ở một số môn thể thao trong nhiều năm qua đã thấy tầm quan trọng của việc triển khai công nghệ. Hệ thống mắt diều hâu sử dụng các camera theo dõi từ xa để tự động báo các quyết định liên quan tới dây (đường biên của sân) tới trọng tài chính, loại bỏ những thách thức không cần thiết đối với các vận động viên.

Hầu hết các môn thể thao tận dụng việc tích hợp sự hỗ trợ công nghệ tự động vào thi đấu. The Bunker trong NRL, DRS trong cricket và VAR trong bóng đá đều gây ra tranh cãi kể từ khi chế độ xử lý ảo được áp dụng. Đối với quần vợt, các tranh luận chống lại những quyết định dứt khoát của máy tính có thể không khiến người hâm mộ thấy thích thú, nhưng theo Groth, các tay vợt sẽ tiếp tục tranh luận quan điểm của mình cho dù điều đó đi ngược lại lợi ích của họ.

"Người chơi mãi mãi sẽ than thở về công nghệ mắt diều hâu, họ yêu thích công nghệ và sẽ tranh luận nếu có một trọng tài có mặt trên sân", Groth nói với Wide World of Sports.

"Tôi nghĩ rằng đôi khi các vận động viên muốn tìm kiếm một lối thoát cho bản thân, họ đang tìm kiếm một nơi nào đó để trút bỏ sự thất vọng".

"Tôi nghĩ rằng việc ra đời của công nghệ mắt diều hâu sẽ loại bỏ được rất nhiều sự không chắc chắn. Cho đến bây giờ, mọi người đều đã hài lòng với công nghệ này, vì vậy các tay vợt sẽ đổ lỗi cho ai đó khác".

Nhiều tay vợt trút giận vào công nghệ tại Australian Open 2021 - 3

Kyrgios tranh cãi với trọng tài về hệ thống giám sát lưới

Điểm gây tranh cãi nhất của công nghệ tại Australian Open là hệ thống giám sát lưới. Đó là một cảm biến được gắn vào đầu của lưới để phát hiện rung động, giúp cho trọng tài chính có quyết định chính xác hơn. Độ nhạy của hệ thống này bị Kyrgios nghi ngờ sau chiến thắng ở vòng đầu tiên của anh ấy trước Ugo Humbert.

Kyrgios nói: "Thật khó khăn bởi vì có công nghệ như vậy, bạn giống như một tên ngốc đang cố gắng chống lại nó".

"Tôi có thể nói rằng, ngay cả khi Humbert giao bóng, anh ấy đã có cử chỉ giao bóng qua lưới nhưng bóng đã ra ngoài. Tôi nghĩ, không có may rủi nào là chính xác, theo ý kiến của tôi". Ở trận đấu với Humbert, công nghệ giám sát lưới đã hai lần từ chối những cú ace của Kyrgios, tay vợt người Australia cũng đã tranh luận dữ dội với nữ trọng tài với yêu cầu tắt hệ giống giám sát lưới.

"Chúng ta không thể làm được gì với The Line Calling (Một hệ thống dựa trên camera, nơi có nhiều camera tốc độ cao, gắn xung quanh sân, theo dõi bóng. Chúng được kết nối với một máy tính duy nhất xử lý tất cả dữ liệu và có thể đưa ra chính xác vị trí bóng trên sân) bởi ảnh hưởng của Covid-19, như vậy có thể hiểu. Tuy nhiên, với hệ thống giám sát lưới, có thể giảm độ nhạy và các thứ không cần thiết, tôi chỉ nghĩ rằng có quá nhiều biến số".

Groth đồng ý với đánh giá của Kyrgios, nhấn mạnh sự quan ngại của một số tay vợt về hệ thống cảm biến dây lưới không hoàn hảo, còn nhiều sai sót.

"Đó luôn là một vấn đề gây tranh cãi. Với thiết bị ở đó, đôi khi khi bạn đánh một quả giao bóng đủ nhanh và lướt qua, tôi đoán làn gió bay ra từ quả bóng có thể khiến thiết bị giám sát lưới ngưng hoạt động tạm thời. Chúng tôi đã thấy điều đó trong các trận đấu".

Theo dõi dây lưới đã từng được coi là một công việc rủi ro, các trọng tài lưới được khuyến khích đội mũ bảo hiểm trong quá khứ. Vì thế công nghệ mới được đưa vào vẫn được xem là một bước tiến lớn đối với các trận đấu trong bộ môn quần vợt.