Man Utd thua thảm hay triết lý Gegenpressing của HLV Rangnick thất bại?
(Dân trí) - Là bậc thầy về triết lý chơi tấn công toàn diện của bóng đá hiện đại, nhưng HLV Ralf Rangnick đã không thể áp dụng nó ở Man Utd bất chấp sở hữu trong tay một đội hình rất nhiều ngôi sao.
Ngay sau khi Man Utd quyết định sa thải HLV Ole Gunnar Solskjaer, nhiều chuyên gia bóng đá cũng như người hâm mộ cảm thấy háo hức khi HLV giàu kinh nghiệm như Ralf Rangnick đồng ý tiếp quản "ghế nóng" để thay chiến lược gia người Na Uy.
Trong thế giới bóng đá, tên tuổi của HLV Ralf Rangnick khiến nhiều người nể phục, không chỉ bởi tuổi tác mà còn bởi triết lý Gegenpressing (bóng đá tấn công toàn diện) nổi tiếng do ông sáng tạo và từng áp dụng rất thành công ở các CLB như Hoffenheim hay RB Leipzig của nước Đức.
Gegenpressing là lối chơi dùng để dồn ép đối thủ với sự tập trung cao độ khi ở phần sân của họ, đồng thời đây cũng là chiến thuật giành lại bóng nhanh nhất có thể để chống lại những tình huống phản công từ đối thủ.
HLV Ralf Rangnick từng dìu dắt HLV Thomas Tuchel ở những năm tháng đầu sự nghiệp, cũng là người tạo cơ hội cho Julian Nagelsmann (HLV trưởng CLB Bayern Munich) phát triển sự nghiệp. Ngay chính HLV Jurgen Klopp, HLV đưa pressing kiểu Đức lên đỉnh cao khi dẫn dắt Liverpool, cũng thừa nhận mình chịu ảnh hưởng lớn bởi tư tưởng chiến thuật của Rangnick.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, kể từ khi tiếp quản "ghế nóng" ở sân Old Trafford, liệu HLV Ralf Rangnick đã áp dụng thành công Gegenpressing cho các cầu thủ Man Utd hay chưa? Câu hỏi này sẽ rất dễ để trả lời khi chứng kiến màn thua thảm của Man Utd trước Man City với tỷ số 1-4 ở vòng 28 Premier League vừa qua.
Gegenpressing thất bại vì sự có mặt của C.Ronaldo trong đội hình xuất phát
Là người được xem là khởi nguồn của triết lý Gegenpressing, phổ biến, nhân rộng lối chơi này cho nhiều đội bóng, nhưng HLV Ralf Rangnick cho đến lúc này vẫn thất bại trong việc áp dụng nó cho đội chủ sân Old Trafford.
Trước trận đấu với Man City, HLV Ralf Rangnick đã không ít lần muốn áp dụng triết lý Gegenpressing cho các học trò, nhưng ông hầu như không thành công và nguyên nhân thất bại được cho là bởi rào cản từ... Cristiano Ronaldo.
Một lối chơi đòi hỏi các cầu thủ phải chạy rất nhiều, luôn phải giành tối đa quyền kiểm soát bóng, phải đoạt lại bóng nhanh nhất có thể khi để mất bóng, đã không thể triển khai khi rào cản lại đến từ ngôi sao người Bồ Đào Nha - người đã bước sang tuổi 37 nhưng luôn đòi hỏi được đá chính trong suốt trận đấu.
Gegenpressing đòi hỏi các cầu thủ trên hàng công phải tham gia hỗ trợ phòng ngự một cách tích cực. C.Ronaldo hẳn cũng biết điều đó, nhưng khi đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, ngôi sao người Bồ Đào Nha cũng bất lực vì thể trạng không cho phép anh thực hiện yêu cầu mà HLV Ralf Rangnick đề ra.
Thực tế có nhiều trận đấu, Man Utd đá với tâm thế "chấp một người" khi C.Ronaldo chủ yếu đi bộ trên hàng công, rất ít khi tham gia hỗ trợ phòng ngự. Khi mải mê tấn công, hàng phòng ngự của Man Utd luôn rơi vào tình trạng báo động khi bị đối thủ tổ chức phản công nhanh.
Thế nhưng ngay cả khi ngôi sao người Bồ Đào Nha chấp nhận tham gia phòng ngự, Man Utd lại rất khó chuyển đổi trạng thái phòng ngự sang tấn công vì tốc độ C.Ronaldo không đủ tốt để phối hợp cùng các đồng đội của mình. Vô hình trung C.Ronaldo trở thành một rào cản cho thứ triết lý bóng đá hiện đại của chiến lược gia người Đức trong mục tiêu làm mới, cải tổ sức mạnh của đội hình.
Gegenpressing thất bại ngay cả khi không có C.Ronaldo
Thế nhưng, ngay cả khi không có mặt C.Ronaldo trong đội hình xuất phát, Gegenpressing vẫn không thể áp dụng thành công cho Man Utd lúc này. Trận đấu với Man City là một minh chứng quá rõ ràng đối với triết lý bóng đá mà HLV Ralf Rangnick muốn áp dụng.
Ở trận gặp Man City, theo tờ The Sun, để áp dụng Gegenpressing, HLV Ralf Rangnick mạnh dạn cất C.Ronaldo trên băng ghế dự bị. Điều này khiến chân sút người Bồ Đào Nha tức giận, viện cớ gặp chấn thương hông để không phải thi đấu. Chân sút 37 tuổi thậm chí bỏ về Bồ Đào Nha thăm gia đình, không thèm đếm xỉa việc các đồng đội thi đấu như thế nào ở trận đại chiến thành Manchester.
Nhưng nhờ không có C.Ronaldo, lần đầu tiên HLV Ralf Rangnick bố trí được đội hình ra sân như mình mong muốn để có thể áp dụng Gegenpressing vào lối chơi. Dù vậy, mọi toan tính của chiến lược gia người Đức chỉ đúng một nửa, khi các cầu thủ Man Utd có thể chơi tốt với lối đá tấn công tổng lực trong hiệp một. Còn ở hiệp hai, khi bị đối thủ dẫn bàn 3-1, các học trò của HLV Ralf Rangnick đã phải buông xuôi và chấp nhận thất bại chung cuộc với tỷ số 1-4.
Từ một lối đá tấn công tổng lực, chạy thật nhiều để kiểm soát bóng cũng như đoạt lại bóng nhanh nhất có thể trong chân của đối thủ, các cầu thủ Man Utd chỉ biết đi bộ ở 15 phút cuối của trận đấu, với tỷ lệ kiểm soát bóng 8% và chỉ tung ra có 17 đường chuyền, không một pha dứt điểm về phía khung thành đối phương.
Các cầu thủ Man Utd không chỉ buông xuôi về thể lực mà cả về ý chí chiến đấu, điều mà huyền thoại của "Quỷ đỏ" là Roy Keane phải thốt lên: "Đó là điều không thể chấp nhận được với những cầu thủ khoác áo Man Utd. Họ buông xuôi quá sớm, điều đó thật đáng xấu hổ. Họ kém xa đội hình Man Utd trước kia.
Tôi đã rất thất vọng khi xem trận đấu này. Bất cứ ai cũng có thể mắc sai lầm, mọi người sẵn sàng tha thứ cho những sai lầm, nhưng việc họ không thèm di chuyển cướp bóng, có khoảng 5, 6 người như vậy thì họ không nên chơi và nên biến khỏi Man Utd ngay lập tức".
Roy Keane có thể đổ lỗi cho các cầu thủ, nhưng công bằng mà nói thì việc Man Utd chơi tệ hại vẫn là trách nhiệm của chính HLV Ralf Rangnick. Dưới bàn tay nhào nặn của chiến lược gia người Đức, Man Utd vẫn... tệ như xưa. Không có Gegenpressing, mùa trước Man Utd vẫn nằm ở top 4, nhưng ở mùa này, mục tiêu giành được một suất tham dự Champions League đối với "Quỷ đỏ" đang ngày càng xa với.
Lúc này, người ta chỉ cố an ủi rằng, rất may Man Utd vẫn chỉ mới ký hợp đồng tạm quyền với chiến lược gia người Đức mà thôi, bởi việc "Quỷ đỏ" tiếp tục trắng tay các danh hiệu mùa này đã và đang hiển hiện trước mắt một cách rõ mồn một.