Khi người Thái phải “nhìn gương” đội tuyển Việt Nam…
(Dân trí) - Bóng đá có lúc thăng lúc trầm. Không có kẻ mạnh tuyệt đối và ngược lại, không có kẻ yếu vĩnh viễn. Nhưng ở bất kỳ giai đoạn nào, những “kỳ phùng địch thủ” luôn cần có nhau để phát triển. Và giờ đây, người Thái đang phải “nhìn gương” đội tuyển Việt Nam…
Messi và C.Ronaldo chưa bao giờ nhận nhau là bạn nhưng họ vẫn luôn dành cho nhau sự tôn trọng lớn. Đơn giản, họ cần có nhau để phát triển. Chỉ có sự cạnh tranh (đôi khi tới mức hằn học như khi C.Ronaldo bĩu môi nhìn Messi giành Quả bóng vàng) mới giúp họ có thể đứng trên đỉnh thế giới cả thập kỷ.
Ở nước Anh, những CĐV Liverpool và MU ghét nhau tới mức thù hằn bởi sự thù địch trong quá khứ. Nhưng ở khía cạnh nào đó, chính sự thù địch ấy lại là động lực cho cả hai. MU từng vươn tầm mạnh mẽ, chấm dứt sự thống trị của Liverpool ở bóng đá Anh. Và giờ đây, The Kop lại đang có hướng phát triển hơn so với đối thủ kình địch.
Cần nhấn mạnh, điều đó ứng với từng cặp “kỳ phùng địch thủ” trong bóng đá cũng như trong cuộc sống. Đôi khi chúng ta không chỉ cần những người bạn tốt mà còn cần một kẻ thù đủ mạnh để phát triển…
Nhìn sang bóng đá Đông Nam Á, điều đó ứng với hai đội tuyển Việt Nam và Thái Lan lúc này. Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam chưa bao giờ so sánh được với Thái Lan nhưng ở góc độ nào đó, hai đội tự xem nhau là “kỳ phùng địch thủ”.
Cách đây vài năm, HLV Kiatisuk từng thẳng thừng tuyên bố: “Bóng đá Việt Nam phải 10 năm nữa mới thắng được Thái Lan”. Rõ ràng, câu nói ấy cho thấy huyền thoại của bóng đá Thái Lan cũng xem Việt Nam là “kỳ phùng địch thủ”. Bằng không, ông đã so sánh với bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á.
Nhưng cuộc sống là chuỗi vận động không ngừng. Không có kẻ mạnh tuyệt đối và không có kẻ yếu vĩnh viễn. Không quá khi nói rằng, bóng đá Việt Nam có động lực vươn tầm nhờ chính những câu nói mang tính “tổn thương” sâu sắc tới vậy.
Hai đội tuyển Thái Lan và Việt Nam cần có nhau để phát triển
Và giờ đây, người Thái đang bị “tổn thương” bởi chính thành công của đội tuyển Việt Nam. Chính vì thế, trong thời gian qua, nhiều thành viên ở đội tuyển Thái Lan đã thể hiện quyết tâm cao nhất để giành chiến thắng trước thầy trò HLV Park Hang Seo ở King’s Cup.
Có một điều cần nói tới, trong những năm qua, bóng đá Thái Lan đã xây dựng kế hoạch vươn tầm châu Á. Họ đã lọt vào tới vòng loại cuối cùng World Cup 2018 khu vực châu Á và lần đầu tiên vượt qua vòng bảng ở Asian Cup. Với chừng ấy thành công, có thể nói bóng đá Thái Lan vẫn đang đi đúng hướng ở mục tiêu châu lục.
Do đó, không có chuyện người Thái tư duy “ao làng” khi đặt mục tiêu giành chiến thắng trước đội tuyển Việt Nam bằng mọi giá. Ở góc độ nào đó, họ đang nhìn chính sự vươn lên của “Rồng vàng” làm động lực phát triển.
Điều đó cũng đúng với trường hợp của đội tuyển Việt Nam những năm qua. Chúng ta đang dần vươn tới tầm châu lục nhưng không có nghĩa rằng chúng ta quên mất “kỳ phùng địch thủ” lớn nhất là người Thái để phát triển.
Thực tế, ở góc độ đội tuyển, Việt Nam chưa chắc vượt qua Thái Lan ở thời điểm này. Lần cuối cùng, chúng ta có thể thắng người Thái ở cấp độ đội tuyển đã cách đây tới… 11 năm (ở trận chung kết AFF Cup 2008).
Vì vậy, sẽ thật sai lầm nếu đánh giá Thái Lan ở thế cửa dưới và nhìn những đội bóng tầm cỡ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Australia để phát triển. Ở tầm của đội tuyển Việt Nam ở thời điểm này, Thái Lan vẫn là “tấm gương” tốt nhất để đoàn quân HLV Park Hang Seo nhìn vào, soi được sức mạnh của mình.
Do đó, trận đấu tại King’s Cup diễn ra vào tháng sau có ý nghĩa quan trọng với cả đội tuyển Thái Lan lẫn Việt Nam. Nó được xem là màn kiểm chứng sức mạnh của cả hai, trước khi nghĩ về giải đấu cấp độ châu lục như vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á diễn ra vào tháng Chín.
H.Long