HLV Troussier: "Tuyển Việt Nam yếu ở châu Á, đừng mãi vô địch Đông Nam Á"
(Dân trí) - HLV Troussier vừa có buổi trả lời phỏng vấn độc quyền trên tờ Sina (Trung Quốc). Trong đó, ông có cái nhìn toàn diện về đội tuyển Việt Nam thời điểm này.
World Cup 2026 vừa là giấc mơ, vừa là thử thách với bóng đá Việt Nam
Ông nghĩ rằng đội tuyển Việt Nam đủ sức chinh phục giấc mơ giành vé dự World Cup 2026 hay không?
- Có thể nói đó là một thử thách, giấc mơ với bóng đá Việt Nam. Bóng đá Việt Nam lẽ ra phải có giấc mơ như vậy. Trong thời gian dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, tôi cảm thấy các cầu thủ có kỷ luật, luôn tập trung làm việc và quyết tâm hoàn thành mục tiêu.
Điều này rất giống với các đội bóng ở Nhật Bản hay Trung Quốc mà tôi từng huấn luyện trước đây. Nếu muốn phát triển, bóng đá Việt Nam phải mơ xa. Vì vậy, đây không phải là giấc mơ của riêng tôi.
Sở dĩ tôi ấp ủ giấc mơ như vậy vì tôi mong những người hâm mộ Việt Nam hiểu rằng bóng đá nước nhà đang phát triển tốt nhưng chỉ trong phạm vi Đông Nam Á. Đội bóng vẫn còn rất nhiều tiềm năng.
Bạn không thể nghĩ rằng đội tuyển Việt Nam đủ sức tới World Cup chỉ vì giành chiến thắng trước Trung Quốc ở vòng loại World Cup 2022. Tôi đặt ra mục tiêu như vậy vì muốn người hâm mộ có tầm nhìn rộng hơn nữa.
Điều quan trọng, tôi muốn tất cả thấy rằng đội tuyển Việt Nam chẳng là gì ở châu Á. Các bạn không thể mãi là nhà vô địch Đông Nam Á. Từ khi U23 Việt Nam giành ngôi á quân châu Á, tôi cảm thấy bóng đá Việt Nam có thể vươn tới đấu trường World Cup.
Cũng giống như trận đấu với đội tuyển Trung Quốc vừa qua, dù đội tuyển Việt Nam thất bại nhưng mọi người không nên nhìn vào kết quả. Các bạn cần nhìn vào lối chơi kiểm soát bóng, tỷ lệ kiểm soát bóng trên sân cùng số cơ hội mà đội tuyển Việt Nam tạo ra, để thấy rằng chúng tôi hoàn toàn có cơ hội khi đối đầu với các đội bóng châu Á.
Tuy nhiên, lối chơi kiểm soát bóng đòi hỏi quá trình rèn luyện và hy sinh rất nhiều của các cầu thủ. Tôi không thể lập trình như trò chơi điện tử, mà đòi hỏi các cầu thủ cần đưa ra những phản hồi tích cực và tự tin hơn để triển khai lối chơi này.
Khi không có thể trạng tốt nhất, các học trò của tôi thể hiện như vậy là đáng khen ngợi. Thắng thua không phải là điều quan trọng với đội tuyển Việt Nam lúc này. Sau khi thua, toàn đội nên nhìn vào những khía cạnh tích cực của các cầu thủ và tiếp tục nỗ lực.
Tôi sẽ không gây áp lực cho các cầu thủ của mình. Trước thềm loạt trận giao hữu, tôi nói rõ với các học trò rằng chuyến đi tới Trung Quốc và Hàn Quốc không quan trọng kết quả, mà là những gì họ thể hiện.
Trong trận đấu với Trung Quốc, hai bàn thua của chúng tôi đều xuất phát từ lỗi cá nhân. Trong khi đó, đội tuyển Việt Nam kiểm soát bóng 65% và thực hiện 83% đường chuyền chính xác. Đây là chuyền bóng tấn công, chứ không phải chuyền ngang hay chuyền về.
Bên cạnh đó, đội tuyển Việt Nam còn tung ra 9 cú sút trúng đích. Đây là số cú sút trúng khung thành nhiều nhất của đội bóng trong một trận đấu hạng A kể từ tôi làm việc ở Việt Nam.
Mặc dù các cầu thủ không ở thể trạng tốt nhất nhưng những con số thống kê vẫn đáng khích lệ. Điều này giúp các cầu thủ tự tin hơn trên con đường lựa chọn.
Ba trận đấu trong đợt tập trung vừa qua đều diễn ra trên sân khách. Trước đây, đội tuyển Việt Nam luôn có khác biệt lớn giữa thành tích sân nhà và sân khách. Mặt khác, đội bóng đang trong quá trình thử nghiệm, hoàn thiện và các cầu thủ đang thích nghi dần với chiến thuật của tôi.
Tôi muốn các cầu thủ đối đầu với Trung Quốc, Uzbekistan và Hàn Quốc để hình dung trình độ của các đội bóng châu Á cao như thế nào. Nếu muốn đặt chân tới World Cup, đội tuyển Việt Nam cần vượt qua những đối thủ này trong tương lai.
Suy cho cùng, đội tuyển Việt Nam chẳng có gì để mất ở thời điểm này. Thất bại là điều hết sức bình thường. Tôi không nhất thiết phải gây sức ép lên các cầu thủ.
Áp lực duy nhất của đội tuyển Việt Nam sau những trận đấu vừa qua là làm sao phải kiểm soát bóng tốt hơn. Chúng tôi không suy nghĩ tiêu cực, không bảo thủ và không sợ hãi trên con đường tiến về phía trước.
Bóng đá Việt Nam cần xác định rõ ràng tư tưởng thoát ra khỏi vòng tròn nhỏ ở Đông Nam Á, phải chơi kiểm soát bóng chứ không thể lúc nào cũng chơi phòng ngự phản công. Bạn phải kiểm soát bóng tốt hơn và tạo ra những điều tích cực trên sân.
Ông đã tạo ra một sự thay đổi lớn về triết lý huấn luyện. Quá trình này có thể mất khoảng hai đến ba thế hệ cầu thủ mới thấm nhuần, chứ một mình ông chưa chắc tạo ra cuộc cách mạng. Ông có nghĩ như vậy không?
- Quả thực, đây là nhiệm vụ khó khăn và đầy thử thách. May mắn là tôi đang nhận được sự ủng hộ từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Điều đó giúp tôi có thêm dũng khí và quyết tâm để làm việc. Bạn biết đây, tôi là người thích chinh phục thử thách.
Thực ra, nếu nhìn từ góc độ khác, tôi có thể huấn luyện các cầu thủ Việt Nam theo cách khác. Thông thường, đội tuyển quốc gia chỉ tập trung 10 ngày. Trong 10 ngày đó, tôi có thể tập hợp các cầu thủ và chú tâm huấn luyện, mà không phải suy nghĩ tới điều gì khác.
Tôi thậm chí không cần thay đổi quan niệm và ý tưởng bóng đá của họ. Tôi muốn họ tham gia vào trận đấu, tận hưởng và tự do thi đấu theo cách của mình. Điều đó dễ dàng hơn nhiều. Nhưng tôi đang trong giai đoạn khởi đầu cùng bóng đá Việt Nam nên mọi thứ vô cùng khó khăn.
Bóng đá Việt Nam cần "cởi mở" hơn
Đội tuyển Trung Quốc từng tham dự World Cup 2002 với đội hình gồm nhiều cầu thủ thi đấu ở châu Âu hơn cả Nhật Bản và Hàn Quốc thời điểm đó. Nhưng kể từ đó tới nay, đội tuyển Trung Quốc không còn góp mặt ở giải đấu bóng đá số một hành tinh. Ông đánh giá thế nào về điều này?
- Tôi đồng tình với thực tế rằng đội tuyển Trung Quốc có nhiều cầu thủ thi đấu ở châu Âu ở thời điểm năm 2002. Khi ấy, đội tuyển Nhật Bản do tôi huấn luyện chỉ có một cầu thủ thi đấu ở nước ngoài là Hidetoshi Nakata.
Tuy nhiên, hãy nhìn xem hiện tại, Trung Quốc có bao nhiêu cầu thủ thi đấu ở nước ngoài? Còn ở Nhật Bản, theo tôi biết có khoảng 200 người. Điều đó lý giải tại sao Nhật Bản có thể đánh bại Đức hay Tây Ban Nha ở World Cup 2022?
Cách đây không lâu, Nhật Bản tiếp tục hạ gục Đức với tỷ số 4-1 ngay trên sân khách. Đó là điều nhiều người không thể tin được.
Tôi nghĩ rằng đó cũng là vấn đề lớn ở đội tuyển Việt Nam lúc này. Khi huấn luyện đội tuyển Nhật Bản, tôi đã đề cập với Liên đoàn bóng đá nước này về việc để cầu thủ ra nước ngoài thi đấu nhiều hơn. Họ đã lắng nghe ý kiến này.
20 năm trôi qua, Nhật Bản từ chỗ chỉ có một cầu thủ thi đấu ở nước ngoài, giờ đây, họ đã có 200 người. Vì vậy, bóng đá Nhật Bản ngày càng vươn tới đẳng cấp cao hơn không phải là điều khó hiểu.
Bây giờ, tôi thấy đội tuyển Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Nhật Bản cách đây 20 năm. Hầu như không có cầu thủ nào Việt Nam ra châu Âu thi đấu. Quang Hải không trụ được ở Pau FC và đã về Việt Nam thi đấu.
Hồi năm 2002, tôi từng nghĩ rằng có nhiều cầu thủ Trung Quốc thi đấu ở nước ngoài hơn nhưng thật không may, điều đó không xảy ra. Điểm chung của bóng đá Việt Nam và Trung Quốc lúc này ở chỗ hai nền bóng đá "không cởi mở".
Sự cởi mở không chỉ tới từ HLV hay cầu thủ ngoại, mà còn là sự hiểu biết và ứng dụng bóng đá hiện đại, sự nhiệt tình và đam mê với bóng đá.
Tôi từng làm việc ở Hàng Châu và Thâm Quyến. Tôi thấy người hâm mộ ở nơi đó không hào hứng với bóng đá. Khi tới Việt Nam, tôi thấy không nhiều người mặn mà với giải quốc nội. Nhìn vào tỷ lệ người hâm mộ theo dõi giải đấu là biết.
Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, bóng đá là môn thể thao số một ở Việt Nam. Khi đội tuyển Trung Quốc gặp đội tuyển Việt Nam ở Đại Liên, số lượng khán giả tới sân rất vắng.
Nhưng ở Việt Nam, không chỉ đội tuyển quốc gia, ngay cả lứa U23 hay các đội tuyển trẻ thi đấu, các sân vận động đều chật kín. Trước khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, tôi may mắn có thời gian làm việc cùng đội U19 Việt Nam.
Điều khiến tôi còn trăn trở khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam là rất ít CLB trong nước sử dụng phương pháp huấn luyện giống tôi. Giải V-League thực sự giống với giải vô địch quốc gia Trung Quốc.
Điển hình như các CLB Trung Quốc cũng ưu tiên lựa chọn những ngoại binh to khỏe. Hầu hết bàn thắng cũng tới từ những ngoại binh. Do đó, đội tuyển Trung Quốc cũng gặp vấn đề ở hàng công.
Giải V-League cần sớm cải thiện càng sớm càng tốt. Tôi phải bắt đầu từ vạch xuất phát và buộc các học trò chấp nhận triết lý bóng đá của tôi. Nó khác hoàn toàn so với những gì họ biết trước đây. Do đó, tôi cần nhiều thời gian để thay đổi.
Bạn có biết vì sao bóng đá Trung Quốc ngày càng tụt lại? Đó là vì chất lượng giải quốc nội của Trung Quốc ngày càng đuối so với Nhật Bản và Hàn Quốc. Với sự xuất hiện ồ ạt của ngoại binh, khoảng cách này ngày càng lớn hơn.
Cả Việt Nam và Trung Quốc đều có chung giấc mơ dự World Cup 2026. Tuy nhiên, nếu muốn có cơ hội lọt vào World Cup, trước tiên hai quốc gia cần phải có giải quốc nội chuyên nghiệp và nhiều cầu thủ xuất ngoại hơn.
Đội tuyển Trung Quốc đặt chân đến World Cup 2002 với 7 tuyển thủ đang thi đấu tại châu Âu. Nếu điều đó được duy trì, vị thế của bóng đá Trung Quốc sẽ khác.