HLV Miura thực sự có lỗi trong thất bại của U23 Việt Nam?
(Dân trí) - HLV Miura thành công hay không thành công tại VCK U23 châu Á, thành công hay không thành công trong gần 2 năm ông nắm các đội tuyển vẫn là đề tài nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng chỉ thay một ông HLV là có thể thay đổi ngay chất lượng của nguyên đội tuyển.
Đánh giá đúng đối thủ
HLV Miura gần như sẽ không tiếp tục nắm các đội tuyển Việt Nam sau thời điểm tháng 4 tới đây (thời điểm ông hết hợp đồng với VFF). Nguyên nhân chính về chuyện vị HLV người Nhật không được ký tiếp hợp đồng được nói đến trong những ngày qua xuất phát từ chỗ lối chơi mà HLV Miura xây dựng cho đội tuyển không đẹp mắt, chưa hợp với thể trạng của cầu thủ nội.
Nhiều người khác còn tiếc rằng giá như trận nào đội tuyển U23 Việt Nam cũng đá như trận đấu với UAE, thì kết quả ở VCK U23 châu Á của đội tuyển trong tay HLV Miura có lẽ đã khác. Hoặc nếu HLV Miura dùng những con người giống trận đấu cuối cùng thì có thể kết quả của đội tuyển tại giải đấy đã khá hơn.
Nhưng nói như thế thì có khi đánh giá hơi thấp các đối thủ của chúng ta tại VCK châu Á, hoặc chẳng khác nào cho rằng trình độ của bóng đá Việt Nam đã ngang bằng với những nền bóng đá hàng đầu châu lục.
Có thể HLV Miura có một số sai lầm ở VCK giải châu Á, cũng có thể ông thầy người Nhật có những thời điểm bảo thủ trong việc dùng người, nhưng cần nhìn thẳng vào những thất bại của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải đấu ấy là thất bại về mặt đẳng cấp, chứ không đơn thuần chỉ là chuyện bố trí nhân sự hay cách chơi.
Chúng ta chưa đánh giá hết thực lực của Jordan, nền bóng đá từng 2 lần góp mặt ở Olympic. Chúng ta cũng không hiểu gì về đội tuyển U23 Australia, đội tuyển thường xuyên góp mặt ở môn bóng đá nam Thế vận hội. Thành ra, đá với các đội này có phải dễ đâu: Không dễ tìm ra phương án tiếp cận cầu môn của họ, cũng không dễ giữ vững phòng tuyến của đội mình.
Có thể HLV Miura chưa tận dụng hết nguồn nhân lực về cầu thủ mà ông đang có, nhất là vị trí của Tuấn Anh. Cũng có thể những xáo trộn liên tục về nhân sự của đội tuyển khiến đội mất đi sự ổn định. Nhưng nếu bảo vì vậy mà đội tuyển của chúng ta không thể đá ngang, đá đẹp với đại diện của các nền bóng đá vừa nêu thì cũng chưa hiểu gì về đội tuyển, càng chưa hiểu gì về bóng đá Việt Nam.
Hiểu đúng về chính mình
Lối chơi phù hợp của đội tuyển dĩ nhiên yếu tố kỹ thuật, yếu tố được cho là khá nhất của bóng đá Việt Nam. Nhưng nếu chỉ phát triển dựa trên kỹ thuật không thôi thì chưa đủ. Đơn cử hình ảnh của đội tuyển U19 Việt Nam dưới thời HLV Graechen Guillaume ở VCK U19 châu Á năm 2014 cũng chẳng ổn chút nào.
Hồi đấy đội tuyển U19 Việt Nam xây dựng lối chơi dựa hoàn toàn vào kỹ thuật, ban bật rất nhuyễn, nhưng vẫn thua tan tác ở VCK giải châu lục năm đó, trước những đại diện của những nền bóng đá hàng đầu. Thậm chí, hồi đấy đội U19 còn thua nặng hơn hẳn đội tuyển U23 bây giờ.
Rồi những bài học về những thất bại cũng của lứa U19 Việt Nam trước U19 Indonesia hay U19 Myanmar các năm 2013 và 2014 có lẽ vẫn còn nóng hổi. Bóng đá Việt Nam cần một lối chơi phù hợp với nền tảng kỹ thuật của cầu thủ Việt. Tuy nhiên, kỹ thuật không thôi chắc chắn là chưa đủ, mà người ta còn cần đến thể hình, sức mạnh, sức bền, nhãn quan chiến thuật, tư duy chơi bóng…
Mà xét đến những yếu tố đấy thì HLV Miura từng nâng chất nhiều cầu thủ Việt Nam, nâng chất các đội bóng do ông dẫn dắt về các mặt vừa nêu. Vậy thì đâu phải HLV Miura hoàn toàn không làm được việc, như nhiều ý kiến muốn phủ nhận sạch trơn vai trò của vị HLV người Nhật.
Và thành ra, đâu phải chỉ cần thay một ông HLV là lột xác ngay chất lượng của đội tuyển, chỉ cần thay ông HLV là sẽ cho ra một đội tuyển khác, với bộ mặt khác.
Làm gì có chuyện chỉ một bước thành Phù Đổng trong bóng đá. Hiểu đúng về năng lực thực của bóng đá nội thì mới mong giải quyết đúng lộ trình phát triển, từ khâu đào tạo cho đến việc nâng chất giải quốc nội, trước khi thay đổi diện mạo của đội tuyển quốc gia.
Trọng Vũ