1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Hình thể của Usain Bolt và VĐV hiện đại thay đổi như thế nào tại Olympic?

(Dân trí) - Trải qua hơn 1 thế kỷ Olympic hiện đại, các VĐV đỉnh cao ngày nay có cấu trúc thể hình đẹp hơn hẳn đồng nghiệp của chính họ cách nay 1 trăm năm, theo hướng to hơn, cao hơn và mạnh mẽ hơn.

Một trong những VĐV xuất sắc nhất lịch sử Olympic hiện đại, đồng thời là một trong những VĐV giỏi nhất ở môn điền kinh – nền tảng của phong trào Olympic, Usain Bolt là hình mẫu cho sự phát triển theo chiều hướng hoàn hảo của các VĐV hiện đại ngày nay.

Usain Bolt là người khổng lồ thực thụ trên đường chạy cự ly ngắn, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Với chiều cao 1m95 và cân nặng 94 kg, Usain Bolt cao hơn chiều cao trung bình của các VĐV khác khoảng 1 tấc và nặng hơn họ khoảng chục kg, nhờ thế mà anh có lợi thế lớn so với các đối thủ về xải chân, tốc độ và sức mạnh cơ bắp.

Dù là VĐV chạy, nhưng các nhóm cơ của Usain Bolt phát triển rất đều: Xải tay của anh dài và rộng không khác các kình ngư môn bơi, để giữ thăng bằng tốt hơn, tạo ra lực lao tới mạnh hơn
Dù là VĐV chạy, nhưng các nhóm cơ của Usain Bolt phát triển rất đều: Xải tay của anh dài và rộng không khác các kình ngư môn bơi, để giữ thăng bằng tốt hơn, tạo ra lực lao tới mạnh hơn

Nhờ vậy mà “Tia chớp” người Jamaica liên tục xô đổ các kỷ lục thế giới trên đường chạy cự ly ngắn trong nhiều năm qua. Đặc biệt, anh đang nắm giữ 2 kỷ lục được phá rất sâu so với trước đó, là kỷ lục chạy 100m nam (9 giây 58) và 200m nam (19 giây 19).

Nhìn chung, cấu trúc hình thể của các VĐV đỉnh cao đều phát triển theo hướng to hơn, cao hơn, để mạnh mẽ hơn so với các đồng nghiệp thi đấu ở cùng nội dung cách nay khoảng trăm năm.

VĐV đẩy tạ ngày ngay to và khoẻ hơn hẳn VĐV ném tạ cách nay gần trăm năm
VĐV đẩy tạ ngày ngay to và khoẻ hơn hẳn VĐV ném tạ cách nay gần trăm năm

Ví dụ, Fillippo Bottino (Ý) giành HCV nội dung trên 95kg vào năm 1920, trong môn cử tạ của nam, anh chỉ nặng 99kg. Tại Olympic Rio 2016, ứng cử viên số 1 cho ngôi vô địch cũng ở hạng cân này là Behdad Salimiweighed (Iran) nặng đến 189kg (Behdad cũng là người giành HCV nội dung vừa nêu ở Olympic London 4 năm trước).

Hoặc trường hợp của VĐV đẩy tạ nam Robert Garrett (Mỹ) ở Olympic hiện đại đầu tiên năm 1896, anh đoạt HCV khi có số đo cơ thể là 1m78 và nặng 81kg. Đến nay, Thomas Majewski (Ba Lan) cũng trong môn đẩy tạ nam cao đến 1m95 và nặng đến 142kg. Majewski cũng là VĐV giành HCV nội dung đẩy tạ tại các kỳ Olympic Bắc Kinh 2008 và London 2012.

Hay trong môn bóng rổ, đầu thế kỷ 20, các VĐV bóng rổ chỉ cao trên 1m80, nặng trên 70kg. Nhưng hiện tại, các VĐV bóng rổ nhà nghề có chiều cao trên 2m, nặng trên 100kg là bình thường. Nhóm chỉ có chiều cao trên 1m80 như tại các kỳ Olympic cách nay 1 thế kỷ bị xem là quá lùn, khó cạnh tranh huy chương.

Các VĐV bóng rổ nhà nghề ngày nay có chiêu cao trung bình hơn các đồng nghiệp của họ vài thập niên trước đến 2 tấc
Các VĐV bóng rổ nhà nghề ngày nay có chiêu cao trung bình hơn các đồng nghiệp của họ vài thập niên trước đến 2 tấc

Thể hình của VĐV điền kinh ngày nay cũng đẹp hơn hẳn trước đây
Thể hình của VĐV điền kinh ngày nay cũng đẹp hơn hẳn trước đây

Ngày trước, các VĐV “mỏng cơm” hơn, còn ngày nay, các nhóm cơ của VĐV đỉnh cao phát triển toàn diện hơn, theo hướng dẻo dai hơn. Ví dụ, dù thi đấu ở môn điền kinh, vốn chủ yếu là chạy nhưng xải tay của Usain Bolt dài và rộng không khác gì xải tay của các kình ngư trong môn bơi, để hài hoà với phần thân dưới của cơ thể. Hoặc các nhóm cơ bắp của tay vợt nổi tiếng Roger Federer khiến nhiều người liên tưởng đến cơ bắp của các chiến binh La Mã.

Duy chỉ có một số môn là cấu trúc thể hình của các VĐV không thay đổi nhiều so với hơn trăm năm trước. Từ năm 1896 (năm diễn ra Olympic hiện đại lần đầu tiên) cho đến năm 2016, cân nặng trung bình của nhóm các VĐV marathon hàng đầu chỉ dao động khoảng 1kg, từ cân nặng trung bình 60kg ngày trước đến 61kg ngày nay. Chiều cao trung bình cũng dao động khoảng 2cm: từ khoảng 1m65 đến khoảng 1m67.

Duy chỉ có các VĐV TDDC là nhỏ hơn trước, để dễ nhào lộn: Simone Blies (Mỹ), người giành 4 HCV Olympic Rio 2016 chỉ cao 1m47
Duy chỉ có các VĐV TDDC là nhỏ hơn trước, để dễ nhào lộn: Simone Blies (Mỹ), người giành 4 HCV Olympic Rio 2016 chỉ cao 1m47

Các VĐV trong môn nhảy cầu cũng vậy. Riêng các VĐV thể dục dụng cụ có xu hướng nhỏ hơn trước, để dễ nhào lộn, dễ giữ trọng tâm và giữ thăng bằng khi nhào lộn.

Nói chung, VĐV đỉnh cao, nhất là những nhà vô địch Olympic ngày càng có tính chuyên môn hoá cao hơn, phát triển phù hợp hơn với môn chơi mà họ theo đuổi, nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và sự phát triển về mặt kinh tế.

Kim Điền

Hình thể của Usain Bolt và VĐV hiện đại thay đổi như thế nào tại Olympic? - 6

Dòng sự kiện: Olympic Rio 2016