Đội tuyển Việt Nam thiếu bản lĩnh ở những trận đấu quyết định

(Dân trí) - Đội tuyển Việt Nam đã có 6 trận chưa hề chiến thắng trên sân Mỹ Đình, kể từ khi vòng knock-out AFF Cup chuyển sang thi đấu theo thể thức sân nhà – sân đối phương. Cách thức có khác nhau, nhưng kết quả chỉ có một, và có lẽ đấy là việc không đơn thuần chỉ nằm ở chỗ không may.

Kể từ khi AFF Cup chuyển sang thi đấu theo thể thức sân nhà – sân đối phương ở giai đoạn knock-out, đội tuyển Việt Nam đã đá tổng cộng 6 trận trên sân nhà, chưa thắng trận nào (3 hoà, 3 thua, tính luôn trận hoà 2-2 với Indonesia ở bán kết lượt về tối qua).

Cũng kể từ khi giai đoạn đấu loại trực tiếp của giải vô địch Đông Nam Á chuyển sang thể thức sân nhà – sân đối phương, các đội tuyển Việt Nam qua các thời kỳ chưa hề lội ngược dòng thành công, bao gồm cả trận đấu tối 7/12.

Thành tích lặp đi lặp lại theo hướng đáng buồn đấy có lẽ không đơn thuần chỉ là ở chỗ thiếu may mắn, vì không thể có chuyện thiếu may mắn mãi như vậy, trong suốt nhiều năm liền (trận knock-out đầu tiên theo thể thức mới mà chúng ta tham dự là từ AFF Cup 2007). Vấn đề đáng bàn có lẽ là bản lĩnh và năng lực thực của đội tuyển Việt Nam.

Đội tuyển Việt Nam trong trận lượt về kiểm soát bóng đến hơn 70% thời gian, nhưng vẫn bế tắc vì xử lý hỏng ở các pha bóng cuối cùng (ảnh: Gia Hưng)
Đội tuyển Việt Nam trong trận lượt về kiểm soát bóng đến hơn 70% thời gian, nhưng vẫn bế tắc vì xử lý hỏng ở các pha bóng cuối cùng (ảnh: Gia Hưng)

Về mặt năng lực, ngoại trừ Thái Lan, có lẽ một số nền bóng đá còn lại tại Đông Nam Á, trong đó bao gồm có Việt Nam, Indonesia và Malaysia (2 đối thủ đã vượt qua chúng ta ở vòng bán kết các kỳ AFF Cup 2010, 2014 và 2016) khá tương đồng nhau. Và một khi có sự tương đồng về mặt chuyên môn, khâu tiếp theo để quyết định thành – bại giữa các đội bóng chính là bản lĩnh. Và về mặt này, đội tuyển Việt Nam rõ ràng rất kém, nên gần như không có khả năng lật ngược thế cờ sau khi bị dẫn trước, rồi mới thua đi thua lại các đội bóng tương đồng với mình.

Trận đấu với Indonesia tại bán kết lượt về là một ví dụ. Khoảng cách thực tế chỉ là 1 bàn sau lượt đi, đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng đã có bàn thắng trên sân đối phương. Tức là về lý thuyết, chúng ta chỉ cần 1 bàn là đủ lật ngược thế cờ để vào chung kết.

Thành ra, đội tuyển Việt Nam không cần phải nóng vội đến mức ào ạt lao vào khu cấm địa của đối phương, nhưng lại liên tiếp xử lý hỏng trong các tình huống cuối cùng. Càng không cần phải lúng túng đến mức tự đá bóng vào lưới nhà như Đình Đồng, hay pha vồ... hụt bóng của thủ môn Nguyên Mạnh trước đó, dù rõ ràng là các cầu thủ vừa nêu không hề gặp sức ép từ sự áp sát của đối thủ.

... các sai lầm theo kiểu tự sát của các cầu thủ xuất phát từ bản lĩnh kém (ảnh: Gia Hưng)
... các sai lầm theo kiểu "tự sát" của các cầu thủ xuất phát từ bản lĩnh kém (ảnh: Gia Hưng)

Bỏ qua chuyện có hay không có vấn đề tư tưởng, đấy là những tình huống xử lý rất thiếu bình tĩnh, khi lẽ ra các cầu thủ đấy vẫn còn có giải pháp khác tốt hơn. Mà thủ môn Nguyên Mạnh và hậu vệ Đình Đồng cũng không phải là cầu thủ thiếu kinh nghiệm.

Họ sai lầm, giống như sai lầm của Quế Ngọc Hải hay Trọng Hoàng ở trận bán kết lượt đi nằm ở chỗ mất tự chủ trong việc kiểm soát lối chơi, khi bị đặt vào tình thế chịu áp lực về mặt tâm lý.

Trong suốt 2 trận bán kết với Indonesia, đội tuyển Việt Nam chỉ chơi mạch lạc và hiệu quả trong khoảng 20 phút cuối của giờ thi đấu chính thức, từ thời điểm bị dẫn trước 1 bàn và bị đuổi 1 người (thẻ đỏ cho thủ môn Nguyên Mạnh).

Tức là chúng ta chỉ tìm lại chính mình lúc không còn gì để mất, còn trước đó và sau đó, khi có điều để mà sợ mất, đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng lại quay về với các pha xử lý bóng như gà mắc tóc, quay về với những tình huống chẳng khác nào tự.. sát.

Bản lĩnh xuất phát môi trường trưởng thành, đến từ môi trường giải quốc nội mà các cầu thủ vẫn chơi bóng hàng tuần. Bản lĩnh của cầu thủ cũng đến từ sự chuẩn bị của chính đội tuyển trước giải. Mà sự chuẩn bị đấy, theo HLV kỳ cựu Nguyễn Thành Vinh, là không có những trận giao hữu thật sự có chất lượng để các cầu thủ tích luỹ sự “lì đòn”, thay vào đó là các trận với những đối tượng quá dễ, quá trẻ, thiếu tên tuổi và thuần tính giải trí.

Kim Điền

Đội tuyển Việt Nam thiếu bản lĩnh ở những trận đấu quyết định - 3

Dòng sự kiện: AFF Cup 2016