Đội tuyển Việt Nam - lá cờ đầu của bóng đá Đông Nam Á
(Dân trí) - Có mặt ở vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á, tuyển Việt Nam hứa hẹn làm rạng danh bóng đá Đông Nam Á với những màn trình diễn thuyết phục.
Sự hiện diện của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ ba một lần nữa, cho thấy vị thế và tầm vóc của đội tuyển số một khu vực ASEAN của chúng ta ở thời điểm hiện tại.
Từ thất bại của người Thái
Tuyển Việt Nam không phải đội Đông Nam Á đầu tiên góp mặt ở vòng loại cuối. 5 năm trước, tuyển Thái Lan của HLV Kiatisuk cũng làm được điều này, khi vượt qua bảng đấu có sự hiện diện của Việt Nam, Iraq và Đài Bắc Trung Quốc với thành tích bất bại. Thời điểm ấy, Thái Lan đang là vua của bóng đá Đông Nam Á với 2 chức vô địch AFF Cup, 2 huy chương vàng SEA Games liên tiếp. Tuy nhiên, đội bóng xứ chùa vàng thua tan nát ở vòng loại cuối với những thất bại cách biệt (0-3, 0-4) trước Nhật Bản, Saudi Arabia và Iraq. Sau 10 trận, Thái Lan chỉ có 2 điểm - thành tích kém nhất trong số 12 đội dự vòng loại thứ ba.
Thất bại của Thái Lan khiến HLV Kiatisuk chịu áp lực lớn và từ chức không lâu sau đó. Phát biểu sau quyết định rời ghế huấn luyện, Kiatisuk khẳng định quan chức bóng đá Thái Lan đã nhìn nhận sai về sức mạnh đội tuyển khi cho rằng các học trò của ông có thể làm nên chuyện ở vòng loại cuối. Thực tế là dù vượt trội trình độ Đông Nam Á lúc ấy, Thái Lan vẫn còn khoảng cách rất xa với những đối thủ hàng đầu. Bóng đá Đông Nam Á vốn dĩ là "vùng trũng" của châu Á. Do đó, đứng đầu khu vực này không đồng nghĩa Thái Lan đã tiệm cận sức mạnh đối thủ ở các khu vực khác.
Cú ngã của Thái Lan sẽ là bài học lớn với tuyển Việt Nam. Cũng như đội bóng có biệt danh "Voi chiến" năm 2016, Việt Nam của HLV Park Hang-seo đang là đội tuyển số một Đông Nam Á. Thậm chí, mức độ bao phủ và thống trị của tuyển Việt Nam còn không bằng Thái Lan nhiều năm trước khi Quang Hải và đồng đội là "quyền lực mới nổi" trong 3, 4 năm qua. Theo BLV Ngô Quang Tùng, tuyển Việt Nam cũng chưa hẳn vượt tầm đối thủ trong khu vực khi chỉ hòa Thái Lan 2 trận và thắng vất vả Malaysia ở vòng loại thứ hai.
Thực tế, khiêm tốn và "biết mình biết ta" là phẩm chất cần có của tuyển Việt Nam trước ngưỡng cửa lịch sử. Nhưng, các học trò của HLV Park vẫn có cơ sở để củng cố niềm tin cho riêng mình.
Đến cơ hội của đội tuyển Việt Nam
Cơ sở đầu tiên để tin vào tuyển Việt Nam, là việc dàn cầu thủ của thế hệ hiện tại kinh nghiệm và rắn rỏi hơn nhiều so với các lứa đàn anh trong quá khứ. Phần lớn các tuyển thủ Việt Nam hiện tại được "bơi" ra biển lớn khi còn rất trẻ.
Ở tuổi 19, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đã dự giải U19 châu Á, thi đấu sòng phẳng với các đối thủ đồng trang lứa đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu thậm chí còn tiến xa hơn thế khi giành vé dự U20 World Cup.
Hai lứa cầu thủ kết hợp hoàn hảo để tạo thành lứa U23 tỏa sáng rực rỡ trên đất Thường Châu năm 2018 - giải đấu mà dù gặp Hàn Quốc, Australia, Qatar hay Uzbekistan, U23 Việt Nam đều chơi ngang ngửa và thể hiện tinh thần không lùi bước.
Đến Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam lại cọ xát với những đội tuyển hùng mạnh như Nhật Bản, Iran, Iraq, với 2 cái tên đầu vừa dự World Cup cách đó 6 tháng. Những cuộc chạm trán với đối thủ đẳng cấp là cơ hội tuyệt vời, giúp các cầu thủ trau dồi kinh nghiệm cùng sự tự tin.
Đến giờ, đội tuyển Việt Nam vẫn chưa tiệm cận trình độ châu lục, nhưng các cầu thủ không còn "tim đập, chân run" trong các trận đấu lớn. BLV Quang Huy còn cho rằng ngay cả các đối thủ mạnh nhất cũng không thắng dễ Việt Nam như trong quá khứ, mà luôn phải trầy trật, vất vả.
Ở tứ kết Asian Cup 2019, tuyển Nhật Bản với 11 cầu thủ đang đá châu Âu của HLV Hajime Moriyasu chỉ thắng Việt Nam một bàn duy nhất, trong trận đấu các học trò của HLV Park chơi không kém so với đối thủ.
Nền móng tâm lý yếu ớt - căn bệnh trầm kha của bóng đá Việt Nam trong 3 thập kỷ, hoàn toàn tiêu biến trong tập thể của HLV Park Hang-seo. Tuyển Việt Nam có thắng, có thua, nhưng luôn ngẩng cao đầu.
Trận thua 2-3 trước UAE là lời cảnh báo đến tuyển Việt Nam, khi các đối thủ ở vòng loại cuối ở đẳng cấp tương đồng hoặc cao hơn, và các cầu thủ sẽ rơi vào những thế trận còn khó khăn, ngặt nghèo hơn thế.
Tuy nhiên, cách toàn đội vùng lên trong 10 phút cuối với liên tiếp 2 bàn thắng cũng là lời tuyên ngôn của tinh thần Việt Nam, đúng theo lời của trợ lý Lư Đình Tuấn. Từng thi đấu, huấn luyện nhiều năm ở Hàn Quốc, "cánh tay phải" Lee Young-jin của HLV Park Hang-seo cũng cho rằng cầu thủ Việt Nam có sức mạnh tinh thần và phẩm chất đặc biệt mà ông chưa từng thấy ở bất cứ dân tộc nào.
Việc đội tuyển Việt Nam có thể tạo nên bất ngờ hay không phụ thuộc không nhỏ vào kết quả bốc thăm chia bảng vòng loại thứ 3. Nếu được nằm trong một bảng đấu thuận lợi, cộng thêm những nỗ lực của thầy trò HLV Park Hang Seo, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào một chiến tích lịch sử nữa của bóng đá nước nhà.
Sau lễ bốc thăm ngày 1/7, phần nào giới chuyên môn và người hâm mộ sẽ có những đánh giá chính xác hơn về cơ hội của đội tuyển Việt Nam. Buổi lễ bốc thăm sẽ được gửi tới khán giả Truyền hình FPT và FPT Play vào 13h45 ngày 1/7/2021. FPT là đơn vị sẽ đồng hành cùng tuyển Việt Nam trong những trận chiến đấu sắp tới khi là đơn vị sở hữu trọn vẹn và độc quyền bản quyền phát sóng các trận đấu trong vòng loại cuối cùng này trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Để xem trực tiếp lễ bốc thăm vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, người dùng tải ứng dụng FPT Play (trên Apple Store hoặc Google Play), hoặc truy cập www.fptplay.vn để theo dõi.
Với khách hàng đang sử dụng dịch vụ của Truyền hình FPT, chỉ cần truy cập mục Trực tiếp trên Truyền hình FPT hoặc mục Trực tiếp trên ứng dụng di động Foxy là có thể xem trọn vẹn chương trình.
Ngoài ra, khán giả có thể xem miễn phí trên hệ thống các kênh online của FPT: Fanpage (Truyền hình FPT, FPT Play), Youtube (FPT Bóng đá, FPT Bóng đá Việt, FPT Play, Chuyển động bóng đá).
Để đăng ký dịch vụ FPT Play và Truyền hình FPT, khách hàng liên hệ tổng đài 1900 6600 để được hỗ trợ hoặc truy cập www.fpt.vn.