Đội tuyển Việt Nam cần làm gì để thu hẹp trình độ với nhóm đầu châu Á?
(Dân trí) - Khoảng cách trình độ giữa đội tuyển Việt Nam và nhóm các đội hàng đầu châu Á không hề nhỏ. Để hướng đến cạnh tranh suất dự vòng chung kết World Cup 2026, chúng ta còn nhiều việc phải làm.
Thái Lan của Kiatisuk từng tiệm cận trình độ châu Á nhờ kinh nghiệm này
Ngoài chuyện tố chất, thể hình, đào tạo vốn luôn cần thiết trong bóng đá, nhưng yếu tố kinh nghiệm và bản lĩnh cũng quan trọng khi đối diện với những đối thủ lớn, trong những trận cầu lớn.
Thấy rõ là đội tuyển Việt Nam trước các đội có trình độ thực sự, vượt ngoài khu vực Đông Nam Á như UAE tại vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á vừa rồi, có sự bỡ ngỡ trong cách tiếp cận trận đấu, dẫn đến thua rất nhanh.
Để tránh sự bỡ ngỡ này cũng như có thêm bản lĩnh trước các đối thủ có trình độ cao, cách tốt nhất là đội tuyển nên thường xuyên cọ xát với chính các đối thủ vừa nêu, hoặc những đội có đẳng cấp tương đương.
Đây là điều mà bóng đá Thái Lan thế hệ của những Kiatisuk, Dusit, Tawan, Surachai, Chukiat, Worawoot… khi còn là cầu thủ từng có được.
Ngày ấy, giải King's Cup của Thái Lan có uy tín rất lớn, thu hút được nhiều đội bóng mạnh cấp châu Á và các châu lục khác tham dự. Việc này giúp cho đội bóng đất Chùa Vàng khi đó có nhiều trận đấu cọ xát bổ ích, từ đó đội tuyển Thái Lan của Kiatisuk và các đồng đội thuộc "thế hệ vàng" mạnh lên thấy rõ, tiệm cận trình độ của bóng đá châu Á.
Đây là giai đoạn mà đội tuyển Thái Lan 2 lần liên tiếp vào đến bán kết nội dung bóng đá nam Asian Games các năm 1998 và 2002, cũng như lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á, dưới sự dẫn dắt của HLV nổi tiếng người Anh Peter Withe.
Thậm chí, thời đó, nhiều người cho rằng nếu như châu Á có nhiều hơn 2,5 suất dự vòng chung kết (VCK) World Cup (do đã có 2 đội vào thẳng VCK là Nhật Bản và Hàn Quốc, với tư cách đồng chủ nhà), Kiatisuk và đồng đội có khi đã cạnh tranh ra trò suất dự VCK giải vô địch bóng đá thế giới.
Vì trước đó và sau đó, Thái Lan đều nằm trong nhóm 4 đội mạnh nhất châu lục ở các kỳ Á vận hội các năm 1998 (thời đó vẫn chưa quy định lứa tuổi 23 như hiện tại, mà vẫn dành cho các đội tuyển quốc gia) và 2002 như đã nêu.
Cần nhiều hơn các trận cọ xát quốc tế có chất lượng
Quay trở lại với đội tuyển Việt Nam, thế hệ của những Quang Hải, Công Phượng, Đoàn Văn Hậu hiện tại tiến bộ nhanh, một phần cũng nhờ họ được cọ xát quốc tế nhiều ở các giải trong lứa tuổi trẻ: VCK U23 châu Á năm và Asian Games năm 2018.
Nhưng lên đến cấp độ đội tuyển quốc gia, số các trận cọ xát quốc tế với các đội có trình độ cao tại châu Á cho lứa cầu thủ này giảm đi. Ngoại trừ VCK Asian Cup 2019, đội tuyển Việt Nam không còn nhiều cơ hội được thi đấu với các đội có trình độ châu lục.
Ngoài ra, việc tìm đối tượng để "làm nóng" trước vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á cũng gặp khó khăn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên đội tuyển cũng khó tìm ra đội mạnh để chạm trán thường xuyên trước giải đấu quốc tế lớn đối với chúng ta.
Nhưng về lâu dài, để nâng cấp trình độ chung của đội tuyển Việt Nam, hướng đến mục tiêu tiệm cận trình độ châu Á, bóng đá Việt Nam cần quan tâm đến kinh nghiệm mà Thái Lan từng áp dụng thời Kiatisuk còn là cầu thủ cách đây khoảng 20 năm.
Đó là tham dự giải đấu quốc tế có sự hiện diện của các đội bóng có trình độ cao hơn, tranh thủ những ngày FIFA Days (ngày mà Liên đoàn bóng đá thế giới buộc các CLB phải trả quân cho đội tuyển làm nhiệm vụ quốc tế hàng năm), để tập trung đội tuyển, tìm đối tượng cọ xát.
Thi đấu với những đội bóng có trình độ cao là một trong những cách tốt nhất để nhận ra chúng ta kém ở điểm nào, từ đó điều chỉnh chính mình.
Đó là chưa kể các trận đấu này giúp tăng thêm bản lĩnh cho cầu thủ và đọc ra cách để "trị" các đối thủ tương đồng, rồi hướng về mục tiêu giành suất tham dự VCK World Cup 2026, khi FIFA mở rộng số đội tham dự, gia tăng số suất xuất hiện ở VCK giải vô địch thế giới cho châu Á.