David Beckham tạo hiệu ứng thế nào ở Việt Nam?

(Dân trí) - Hơn một ngày ngắn ngủi có mặt tại Việt Nam, David Beckham đã tạo nên một cơn sốt lớn với người hâm mộ bóng đá. Nhưng giá trị đích thực mà siêu sao 38 tuổi này mang lại ở Việt Nam vẫn còn nhiều khía cạnh phải bàn bạc.

David Beckham không chỉ là siêu sao bóng đá, mà anh còn là nhân vật giải trí, truyền thông có sức hút hàng đầu thế giới. Sự xuất hiện của Becks không chỉ có hiệu ứng tại Việt Nam, mà hầu hết mỗi lần anh đến các nước khác ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc còn tạo nên cơn sốt còn dữ dội không kém.

Tài năng của Beckham là có thực và không ai dám phủ nhận. Anh là ngôi sao sáng nhất của thế hệ vàng MU giai đoạn 1995-2008 cùng với Keane, Scholes, Butt, Gary Neville, Giggs, Cole, Yorke…mà đỉnh cao nhất là cú ăn ba vĩ đại năm 1999. Cùng từ thời điểm đó, lượng fan của MU ở Việt Nam tăng đột biến so với thời Steve Bruce hay Eric Cantona.

Beckham tạo nên cơn sốt lớn với khán giả Việt Nam

Beckham tạo nên cơn sốt lớn với khán giả Việt Nam

Becks tạo hiệu ứng đặc biệt với giới trẻ Việt Nam với vẻ điển trai đầy nam tính và luôn biết cách đánh bóng thương hiệu của mình. Vô hình chung, anh chính là ngôi sao bóng đá được hâm mộ nhất ở Việt Nam và ai cũng khao khát được chứng kiến Beckham băng xương bằng thịt.

Sự kiện Becks đến Hà Nội và TPHCM, không được công bố rộng rãi, quá ồn ào, nhưng lại tạo sự tò mò cho khán giả. Những năm gần đây, nhiều ngôi sao thế giới như Cannavaro, Yorke, Van Nistelrooy đã đến Việt Nam, nhưng điểm chung là tất cả đã hết thời và xuất hiện theo diện quảng bá hình ảnh cho một sự kiện quảng cáo hoặc thương hiệu nào đó.

Cách đây nhiều năm, Becks đã đến Việt Nam để quảng bá cho sản phẩm dầu nhớt còn lần này, anh xuất hiện vì mục đích quảng cáo rượu. Ngôi sao bóng đá người Anh không đến Việt Nam để quảng bá hoặc định hướng phát triển cho bóng đá nước ta, mà đơn giản anh đến vì mục đích thương mại.

Với sự nổi tiếng của Becks thì việc mời anh sang quảng bá thương hiệu của mình, ở đất nước vốn bị coi là thị trường tiềm năng cho các công ty tư bản nước ngoài là một chiến lược quá đúng đắn. Sự hâm mộ dành cho Becks càng lớn sẽ tỷ lệ thuận với hiệu quả kinh doanh của một sản phẩm, thương hiệu nào đó.

Khán giả Việt Nam cuồng nhiệt vì Becks, đặc biệt là phái nữ. Nhưng gọi anh là huyền thoại bóng đá thực sự là sự hạ thấp với những tên tuổi như Pele, Maradona, Johan Cruyff hay thậm chí các siêu sao đương đại như Messi hay C.Ronaldo, những nhân vật sẽ tạo sức hút đặc biệt với những người am hiểu bóng đá đúng nghĩa.

Nhưng với việc kinh doanh thương hiệu, đó là một chiêu cực kỳ khôn ngoan và biết cách tận dụng tối đa sự nổi tiếng của Becks. Có lẽ hiếm ở đâu, Becks để lại nhiều rung động với người hâm mộ như hình ảnh một cô gái ngẩn ngơ khi không được chụp ảnh cùng thần tượng, hay nhiều trái tim đã ngừng đập khi Becks nở nụ cười.

Beckham không chỉ là siêu sao bóng đá mà anh còn là một nhân vật giải trí có thương hiệu và có lẽ, việc lấy cảm tình của người hâm mộ qua hành động vẫy tay chào khán giả, hay những phát biểu “tôi thích quán vỉa hè ở Việt Nam” là điều không quá khó với một siêu sao quá quen với việc xuất hiện ở các nước trên thế giới.

Một ngày của siêu sao 38 tuổi này ở Việt Nam đã tạo nên những cảm xúc đặc biệt cho người hâm mộ, nhưng giá trị thực của anh với bóng đá nước nhà chỉ là con số không, khi tên tuổi của anh chỉ dùng để PR cho một thương hiệu đang muốn “xâm nhập” vào thị trường béo bở Việt Nam.

Kim Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm