(Dân trí) - Mùa giải 2023-24 sẽ khép lại với hai đội bóng thành Manchester bằng trận chung kết FA Cup (21h00 ngày 25/5) trên sân Wembley với tâm trạng và vị thế đối nghịch...
Man City vừa chạm đến đỉnh cao chói lọi trong lịch sử bóng đá Anh còn Man Utd ngày càng chìm sâu trong đêm trường thất bại...
Tại Premier League 2023-24, Man City lần thứ tư liên tiếp đăng quang, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Ngược lại, kém đối thủ cùng thành phố 31 điểm, Man Utd đứng ở vị trí thứ 8 trên bảng xếp hạng cùng thành tích thi đấu kém cỏi nhất của CLB trong kỷ nguyên Ngoại hạng Anh.
Man Utd sẽ phải tái thiết, như 13 năm qua đội bóng này vẫn tiến hành. Nhưng làm cách nào để "Quỷ đỏ" lừng lẫy hồi sinh là câu hỏi ngày càng mang tính trừu tượng và tu từ.
Những năm đầu thời hậu Sir Alex, người hâm mộ Man Utd vẫn còn lạc quan hy vọng chỉ cần thay huấn luyện viên và bổ sung vài gương mặt sáng giá là có thể trở lại cuộc đua vô địch từ Premier League đến Champions League.
Đến hiện tại, đối với nhiều người hâm mộ, nếu muốn thay đổi Man Utd thì chỉ có thể... thay thế cả đội bóng. Bởi lẽ vấn đề của Man Utd tồn đọng từ thượng tầng đến sân cỏ và ăn sâu vào văn hóa CLB.
Man City thì hoàn toàn khác. Như sự xếp đặt tài tình, tại vòng đấu hạ màn, đội bóng này đánh bại West Ham bằng những bàn thắng của Phil Foden và Rodri, hai gương mặt nổi bật nhất trong đội hình. Mùa giải 2023-24 chứng kiến Foden tiến bộ vượt bậc và vươn tới đẳng cấp thế giới.
Anh ghi được 19 bàn tại Ngoại hạng Anh, bao gồm 17 bàn từ tình huống bóng sống. Chỉ Erling Haaland (20) và Ollie Watkins (19) ghi nhiều bàn từ bóng sống hơn, nhưng điểm khác biệt là hai cái tên vừa nêu đều thi đấu ở vị trí trung phong, trong khi Foden hoạt động rộng.
Ngôi sao 23 tuổi này đại diện cho tương lai của Man City, khi Kevin De Bruyne và Bernardo Silva đã luống tuổi và không lâu nữa sẽ lùi vào quá khứ. Về phần Rodri, tiền vệ người Tây Ban Nha là hiện tại. Trên bàn cờ Pep Guardiola bày ra, Rodri chính là quân cờ duy nhất không thể thay thế.
Khả năng không bóng của Rodri được so sánh với đàn anh Sergio Busquets. Đối với những chuyên gia, đó là lời khen giá trị nhất dành cho một tiền vệ trung tâm. Nhưng Rodri còn biết cách bùng nổ khi có bóng. 19 bàn thắng trong 3 mùa giải vừa qua nhiều hơn số bàn thắng Busquets đã ghi suốt 15 mùa khoác áo Barcelona.
Riêng mùa giải này, Rodri còn thực hiện 9 pha kiến tạo tại Premier League, con số thật vô lý đối với cầu thủ thi đấu ở vị trí tiền vệ mỏ neo, với phần lớn thời gian che chắn trước hàng hậu vệ.
Ngoài Foden và Rodri, có nhiều cách khác để phác họa sức mạnh của Man City. Qua Ederson, qua John Stones, qua Bernardo Silva, qua De Bruyne, qua Haaland... Tóm lại, HLV Guardiola đã tạo ra cỗ máy hủy diệt thực thụ. 4 chức vô địch liên tiếp, 6 lần đăng quang dưới triều đại Pep phản ánh sự thống trị của Man City.
Cần nhấn mạnh, để trở thành bá chủ như vậy, Man Xanh đã nâng cao tiêu chuẩn của một nhà vô địch và liên tiếp vượt qua những đội bóng đến giờ này đều có thể liệt vào hàng những kẻ về nhì vĩ đại nhất lịch sử Ngoại hạng, từ Liverpool của Jurgen Klopp đến Arsenal của Mikel Arteta.
Bằng nhiều nỗ lực nghiên cứu, phân tích về bóng đá, nhà kinh tế học Stefan Szymanski đưa ra kết luận thoáng qua thật chính xác: Càng chi nhiều, càng thắng nhiều. Szymanski cho rằng con số duy nhất có liên hệ đến điểm số giành được là số tiền CLB chi ra cho các cầu thủ.
Tất nhiên, không thể tăng gấp đôi, gấp ba quỹ lương và chờ hiệu suất tăng 100%. Tuy vậy, quy luật luôn là những cầu thủ và HLV giỏi nhất sẽ tìm đến CLB trả cho họ mức lương cao nhất. Đại khái là như vậy. Song, không phải mọi trường hợp đều có thể áp dụng công thức này một cách cơ học. Đặc biệt là Man Utd.
Man Utd là đội bóng giàu có và cũng chi không ít để đầu tư. Cần biết, trong 10 mùa giải sau khi giành chức vô địch Ngoại hạng Anh cuối cùng (2012-13), "Quỷ đỏ" luôn nằm trong nhóm 3 CLB đạt doanh thu cao nhất thế giới mỗi năm và đứng đầu tại Anh. Cùng khoảng thời gian ấy, vị trí trung bình của Man Utd trên bảng xếp hạng Premier League là thứ 5.
Man Utd sử dụng tài nguyên kém hiệu quả một cách có hệ thống, đến mức tạo cảm giác đội bóng này tự hủy hoại chính mình. Dẫn chứng tiêu biểu là hàng loạt thương vụ bom xịt có thể liệt vào hàng thảm họa chuyển nhượng bậc nhất lịch sử.
Việc chiêu mộ tân binh ai cũng hiểu đều có rủi ro, kể cả cầu thủ đắt giá, nhưng lặp đi lặp lại mua hớ suốt chục năm như Man Utd dường như phải có bàn tay siêu nhiên nào đó can thiệp.
Angel Di Maria, Alexis Sanchez, Paul Pogba là những ngôi sao lớn, với tài năng đã được chứng minh nhưng về tới Old Trafford là tậm tịt. Các bản hợp đồng bom xịt kiểu Harry Maguire, Fred, Wan-Bissaka, Jadon Sancho là đề tài hấp dẫn cho tác giả nào đó muốn sưu tầm những mẩu chuyện cười về bóng đá. Trên vị trí HLV, đủ kiểu nhà cầm quân đã đến và đi trong bức bối, bất lực và ấm ức.
Đối nghịch hình ảnh Man Utd vốn giàu có căn cơ nhưng rốt cuộc tiêu tiền "như phá" là Man City, gã hàng xóm vốn bị gắn mác "trọc phú" nhưng tiêu tiền rất hiệu quả. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong triều đại Pep Guardiola, Man City đã chi 1,5 tỷ euro để chiêu mộ tân binh. Cùng khoảng thời gian, Man Utd bỏ ra 1,4 tỷ euro.
Man City giành tổng cộng 21 danh hiệu, bao gồm 6 danh hiệu Premier League (4 chức vô địch liên tiếp hiện tại), 2 chiếc Cúp FA, 4 Cúp Liên đoàn, 2 Community Shield (Siêu Cúp Anh), 1 Siêu Cúp châu Âu, 1 FIFA Club World Cup và 1 lần đăng quang Champions League. Man Utd thì chỉ có hai danh hiệu "hạng hai" là Cúp Liên đoàn 2022-23 và Europa League 2016-17.
Tất nhiên, sẽ có những ý kiến phản biện rằng những cáo buộc Man City đang đối mặt vì hàng loạt sai phạm về tài chính khiến chiến công của thầy trò Pep Guardiola bị vấy bẩn. Thực ra, đây là hai vấn đề khác nhau và đừng nên lẫn lộn. Tài chính là tài chính, chuyên môn là chuyên môn.
Hơn nữa, như vừa chứng minh, Guardiola không chi tiêu nhiều hơn các đội bóng giàu có khác. Chiến công ông gặt hái là nhờ nỗ lực và tài năng. Như Johan Cruyff, người thầy vĩ đại của Pep Guardiola, từng nói nhiều chục năm về trước: "Chẳng có túi tiền nào biết đá bóng cả!".
Chung kết FA Cup là sự lặp lại của mùa trước, khi Man City đánh bại Man Utd với tỷ số 2-1 để giành danh hiệu thứ hai trong hành trình "ăn ba" vĩ đại. Trước Guardiola, lịch sử bóng đá Anh chỉ có duy nhất Man Utd của Sir Alex Ferguson từng giành cú "ăn ba" (Premier League, FA Cup, Champions League).
Chính cú "ăn ba" ấy đã đưa "Quỷ đỏ" thành Manchester lên tầm cao mới và nhận được sự yêu quý của đông đảo người hâm mộ. Tên tuổi Man Utd trở thành thương hiệu toàn cầu, với tầm ảnh hưởng tới mức hơn chục năm không danh hiệu lớn, CLB này vẫn là đội bóng có doanh thu cao nhất xứ sở sương mù.
Giàu truyền thống, tiềm lực tài chính mạnh mẽ nhưng thất bại nặng nề, không khó nhận ra thiếu sót lớn nhất của Man Utd là thiếu vị thuyền trưởng đại tài kế tục Sir Alex Ferguson. Có lẽ, không ít người hâm mộ "Quỷ đỏ" ngậm ngùi "giá như Guardiola dẫn dắt Man Utd".
Bản thân vị chiến lược gia tài ba người Tây Ban Nha cũng từng mơ về một ngày như thế. Trong cuốn "Pep Confidential: The Inside Story of Pep Guardiola's First Season at Bayern Munich" do ký giả Marti Perarnau, người bạn thân của Guardiola chấp bút, cựu HLV Barca thừa nhận bị cuốn hút khi xem Man Utd của Sir Alex thi đấu vào năm 2011.
Đó là trận bán kết Champions League giữa Man Utd và Schalke 04 tại Old Trafford, Guardiola dự khán và nói: "Tôi mê không khí này. Ước gì ngày nào đó được làm HLV tại đây". Nhưng từ giấc mơ đến thực tiễn là khoảng cách quá xa vời. Chẳng những vậy, giờ này Pep đã là tượng đài ở Man City.
Có lẽ định mệnh đã chọn Guardiola trở thành khắc tinh của Man Utd. Vận may của "Quỷ đỏ" và Sir Alex Ferguson tại đấu trường châu Âu dần biến mất với sự xuất hiện của Pep tại Barcelona. Tiqui-taca (lối chơi ban bật, kiểm soát bóng liên tục) là nỗi ám ảnh của Man Utd trong hai trận chung kết Champions League năm 2009 và 2011.
Khi chuyển sang dẫn dắt Man City, Guardiola đã nhận lời cảnh báo từ Sir Alex rằng vô địch Ngoại hạng Anh không dễ như La Liga hay Bayern Munich. Quả thực không dễ, nhưng Pep và Man Xanh đã đăng quang 6 lần chỉ trong 7 mùa giải. Ngược lại, Man Utd ngày càng lụn bại.
Không chỉ vậy, ngay cả vị trí "độc tôn" của Alex Ferguson cũng bị lung lay. Với những thành tích đã và đang đạt được, hoàn toàn có cơ sở để đánh giá Guardiola đã vượt mặt tiền bối Scotland về tài năng lẫn tầm ảnh hưởng.
Sir Alex đã biến Man Utd thành đế chế thống trị Ngoại hạng Anh với 13 chức vô địch. Guardiola có 12 lần đăng quang tại các giải vô địch quốc gia (VĐQG), chia cho "3 đế chế" Barcelona, Bayern Munich và Man City.
Sir Alex còn 2 lần giành chức vô địch Champions League. Số lần vô địch giải đấu danh giá nhất châu Âu của Pep là 3. Và Guardiola mới chỉ trải qua 15 năm sự nghiệp. Nếu về hưu ở tuổi 71 như Alex Ferguson, Pep còn đến 18 năm cầm quân nữa để nâng cao thành tích.
Tất nhiên có nhiều thước đo để đánh giá sự vĩ đại của một chiến lược gia, từ thành tích đến triết lý, tầm ảnh hưởng... Nhưng trên mọi khía cạnh, Guardiola đều khiến giới chuyên môn phải thán phục.
Pep đã phát triển triết lý bóng đá mới, thay đổi cách trận đấu diễn ra. Ông cũng luôn học hỏi, cập nhật từ đối thủ để phát triển bản thân và đội bóng. Riêng ở Anh, Guardiola biến Man City từ "trọc phú" thành đế chế. Đồng thời, ông chinh phục hoàn toàn vùng đất được ví là thánh địa của bóng dài và đầy bảo thủ.
Chung kết FA Cup càng phản ánh rõ sự chênh lệch giữa hai nửa xanh đỏ thành Manchester. Bất luận thắng bại, Man City và Pep Guardiola chỉ xem chiếc cúp này như trang sức đính kèm.
Ngược lại, đối với Man Utd, danh hiệu này vớt vát thành tích và danh dự. Man Utd phải thắng nhưng có lẽ không biết làm cách nào để thắng. Man City ở đẳng cấp cao hơn hẳn. Nửa đỏ thành Manchester chưa bao giờ u ám và lép vế trước nửa xanh đến thế.