Chelsea và sự giải thoát khỏi những “đồng rúp”

(Dân trí) - Trong những năm qua, Chelsea đang thể hiện cách làm bóng đá rất khác, ổn định và “an toàn” hơn rất nhiều. Họ không còn quá phụ thuộc vào những “đồng rúp” của tỷ phú người Nga, Roman Abramovich.

Người đàn bà thép Marina Granovskaia

Một thống kê vào đầu năm 2012 chỉ ra rằng số tiền đầu tư của ông chủ Abramovich vào Chelsea đã vượt ngưỡng… 1 tỷ bảng. Đó thực sự là con số khổng lồ. Từng có thời điểm, cái tên The Blues gợi cho người ta nghĩ về CLB “vung tiền như nước” để… mua danh hiệu.

Marina Granovskaia, người xây dựng nên Chelsea hoàn toàn khác
Marina Granovskaia, người xây dựng nên Chelsea "hoàn toàn khác"

Nhưng đó là hình ảnh của Chelsea… ngày hôm qua. Sự xuất hiện của người đàn bà thép, Marina Granovskaia đã thay đổi tất cả. Chelsea của… ngày hôm nay (dưới sự điều hành của Marina Granovskaia) không còn dễ bị “moi tiền” dễ như vậy.

Marina Granovskaia là ai? Đó là cộng sự lâu năm của tỷ phú Abramovich trong gần 2 thập kỷ. Bà bắt đầu phụ trách vai trò Giám đốc của CLB bắt đầu từ tháng 6/2012. Dù vậy, từ 6 tháng trước đó, người ta đã phải nhắc tới tên của người đàn bà này với sự kính nể.

Tờ Telegraph đã kể lại câu chuyện về Marina Granovskaia. Tháng 12/2012, Chelsea tiếp cận Demba Ba. Khi ấy, nhiều tay môi giới đã chắc mẩm đây là thời cơ tốt để “gặt” Chelsea sau khi CLB vừa bán Daniel Sturridge với giá 12 triệu bảng.

Thế nhưng, sau đó, tất cả đã bị “việt vị” bởi Marina Granovskaia. Bà đàm phán thương vụ này nhanh chóng. Cuối cùng, Demba Ba gia nhập Chelsea với mức phí 7 triệu bảng. Các tay cò chỉ nhận được 5% phí hợp đồng theo quy định (thay vì 2 triệu bảng như kỳ vọng). Điều đáng nói, tất cả chuyển động ở thương vụ này diễn ra quá chóng vánh, khiến cho chẳng ai kịp trở tay (từ những tay cò tới Arsenal, đội bóng cũng muốn có Demba Ba).

Công việc của Marina Granovskaia (trong vai trò Giám đốc) chủ yếu liên quan tới vấn đề chuyển nhượng như xây dựng kế hoạch chuyển nhượng, đàm phán với các CLB, cầu thủ… Sự cứng rắn, mạnh mẽ và quyết đoán của “người đàn bà thép” đã thực sự khiến cho Chelsea mang bộ mặt mới, khác xa với quá khứ.

“Đại lý” phân phối cầu thủ trẻ

Chelsea dưới sự điều hành của Marina Granovskaia (và cộng sự là Giám đốc thể thao Michael Emenalo) không còn lao mình vào những vụ “đốt tiền” kinh hoàng. Thay vào đó, họ đã và đang trở thành “đại lý” phân phối cầu thủ trẻ ở khắp châu Âu, trước khi bán đi… kiếm lời.

De Bruyne là một trong số cầu thủ Chelsea mua từ khi còn rất trẻ. Sau đó, họ bán cầu thủ này gấp nhiều lần số vốn bỏ ra
De Bruyne là một trong số cầu thủ Chelsea mua từ khi còn rất trẻ. Sau đó, họ bán cầu thủ này gấp nhiều lần số vốn bỏ ra

Có thể hiểu về chính sách này như sau: Chelsea thu thập nhiều cầu thủ trẻ tài năng trên khắp thế giới với giá rẻ (nhờ mạng lưới tuyển trạch viên chất lượng). Sau đó, họ bắt đầu cho mượn trên khắp châu Âu để những cầu thủ này có cơ hội chơi bóng, nếu không cạnh tranh được vị trí ở Chelsea (với những cầu thủ còn quá trẻ thì CLB sẽ đào tạo). Cuối cùng, với những “hạt giống nảy mầm”, Chelsea có thể sử dụng hoặc bán đi với giá cao.

Patrick Bamford là một ví dụ. Năm 2012, Chelsea chỉ mất 1,5 triệu bảng để chiêu mộ cầu thủ này tờ Nottingham Forest. Tiếp đó, họ lần lượt cho MK Dons, Derby County, Middlesbrough, Crystal Palace, Norwich, Burnley mượn lại, trước khi bán đứt cho Middlesbrough vào năm 2017 với giá 10 triệu bảng. Như vậy, Chelsea đã lời khoảng 8 lần từ vụ “buôn” Patrick Bamford.

Nhưng Patrick Bamford cũng chỉ là hạng… cò con. Năm 2011, Chelsea mua thủ môn Courtois với giá 9 triệu euro và giờ đây, giá của người gác đền có thể gấp 10 lần như vậy. De Bruyne, Andre Schurrle, Juan Mata, Oscar, Ramires, Romelu Lukaku… đều là những thương vụ mang tới “lời khủng” cho Chelsea.

Mới nhất là trường hợp của Andreas Christensen. Cầu thủ này đã trở lại Chelsea sau 2 năm thi đấu thành công cho M.Gladbach theo hợp đồng cho mượn. Mùa này, tuyển thủ Đan Mạch sẽ là sự bổ sung chất lượng cho hàng thủ Chelsea (họ bớt đi khá nhiều tiền để mua trung vệ chất lượng).

Andreas Christensen về Stamford Bridge thì Nathan Ake, Nathaniel Chalobah lại ra đi theo dạng cho mượn. Hệ thống của Chelsea luôn vận hành trơn tru như vậy.

Để làm được điều đó, họ đã phải xây dựng mạng lưới CLB con (như Alanyaspor, Bristol City, Vitesse Arnhem) hoặc đối tác trên khắp châu Âu. Theo thống kê của tờ Telegraph, mùa giải trước, Chelsea đã gửi tới… 36 cầu thủ ra đi theo hợp đồng cho mượn từ Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Italia… tới giải hạng dưới Anh.

Theo thống kê, trong 5 mùa giải gần nhất, Chelsea đã thu về 315,15 triệu bảng tiền bán cầu thủ (cao nhất trong top 6 Premier League). Chelsea đang hóa thân thành “con buôn” thực sự… Bất chấp điều đó, họ vẫn thành công với 2 chức vô địch Premier League trong 3 mùa giải gần nhất.

Vừa “buôn cầu thủ” vừa thành công

“Cơ chế” vừa “buôn bán” vừa “thành công trên sân cỏ” của Chelsea thực sự là cách làm bóng đá… an toàn ở thời điểm hiện tại, khi mà luật Công bằng tài chính luôn sẵn sàng “nuốt chết” bất kỳ CLB nào.

Việc mua cầu thủ trẻ và nhờ đào tạo hộ có thể sẽ là trào lưu ở làng túc cầu
Việc mua cầu thủ trẻ và nhờ "đào tạo hộ" có thể sẽ là "trào lưu" ở làng túc cầu

Thực tế, Chelsea không phải là đội tiên phong với cách làm bóng đá này (trước đó, ông chủ Pozzo của Udinese, Granada, Watford đã thành công với cách này). Nhưng The Blues lại đang “mở đường” cho nhiều CLB ở thời điểm này, trong đó có cả Real Madrid.

Trong những năm gần đây, Real Madrid nhanh tay “sưu tập” khá nhiều cầu thủ U23 chất lượng như Danilo (23 tuổi), Mateo Kovacic (21 tuổi), Lucas Vázquez (24 tuổi), Marco Asensio (19 tuổi), Jesús Vallejo (18 tuổi), Casemiro (23 tuổi), Álvaro Morata (trở lại năm 23 tuổi)… (tính tuổi khi họ cập bến Real Madrid). Đó chưa kể tới đội ngũ chất lượng trưởng thành từ lò đào tạo của Los Blancos như Diego Llorente, Marcos Llorente, Nacho, Dani Carvajal, Borja Mayoral, Mariano Diaz …

Sang mùa Hè năm nay, họ cũng chỉ toàn chiêu mộ những cầu thủ trẻ như Vinicius Junior (16 tuổi), Theo Hernandez (19 tuổi), Dani Ceballos (20 tuổi). Mục tiêu lớn nhất của Real Madrid chính là tiền đạo Mbappe của Monaco (18 tuổi).

Không phải ai cũng được giữ lại Real Madrid và thành công như Marcos Asensio. Nhiều người khác như Borja Mayoral, Diego Llorente, Jesús Vallejo, Burgui, Marcos Llorente… đều được đem cho mượn ở mùa giải trước.

Nhưng Real Madrid khác Chelsea ở chỗ, họ bán đứt nhiều cầu thủ trẻ như Mariano Díaz, Diego Llorente, Burgui (ở mùa Hè 2017) và tất nhiên, Los Blancos đều kèm theo điều khoản mua lại. Đây được xem là biện pháp “đào tạo hộ” (nếu cầu thủ thành công), tránh nhiều rủi ro (nếu cầu thủ thất bại).

Có thể, nhiều CLB khác ở châu Âu sẽ theo hướng của Chelsea, Real Madrid… Khi ấy, thị trường cầu thủ trẻ sẽ vô cùng sôi động, không kém gì những ngôi sao.

H.Long