1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Bóng đá Việt Nam thay đổi từ V-League?

(Dân trí) - V-League 2015 dự kiến sẽ rất khác so với các lần giải trước đó, khi số lượng ngoại binh và cầu thủ nhập tịch được siết chặt. Từ thay đổi đấy, người ta hy vọng vào sự thay đổi của chất lượng nội binh, nhờ họ có cơ hội thể hiện nhiều hơn.

Chân sút nội có đất diễn

Một trong những khâu yếu nhất của bóng đá Việt Nam những năm gần đây chính là việc thiếu chân sút tốt. Đấy chính là lý do mà khi bàn đến hàng tấn công của đội tuyển Việt Nam trong vài năm qua, hiếm khi chúng ta tìm được hàng tấn công tốt.

Nguyên nhân xuất phát từ V-League. Đây là giải đấu mà ở đấy ngoại binh tràn ngập. Hầu hết các đội bóng trong nước đều sử dụng các chân sút ngoại, thậm chí nhiều chân sút gốc ngoại xuất hiện trên sân cùng lúc.

Nhiệm vụ ghi bàn của các đội bóng trong nước đều giao cho các chân sút ngoại, trong khi những tiền đạo thường chỉ đóng vai phụ ở CLB (Mạc Hồng Quân chỉ ngồi dự bị ở Thanh Hóa và HV.An Giang trong mùa trước), hoặc bị đẩy ra đá ở vị trí trái sở trường là ở 2 cánh (như trường hợp của Công Vinh, Anh Đức).

Chính vì thế, khả năng đánh hơi cơ hội săn bàn và khả năng chớp thời cơ của các chân sút nội càng ngày càng cùn đi, do họ phải làm cái việc họ không quen làm ở CLB, dẫn đến chuyện khi lên tuyển họ cũng kém dần bản năng săn bàn.

V-League thay đổi hy vọng sẽ giúp cho chất lượng các đội tuyển thay đổi (ảnh: Gia Hưng)
V-League thay đổi hy vọng sẽ giúp cho chất lượng các đội tuyển thay đổi (ảnh: Gia Hưng)


Trường hợp của đội tuyển Olympic Việt Nam tại Asiad 17 và của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2014 là những ví dụ. Các đội tuyển của HLV Miura ở các giải đấu ấy tạo được rất nhiều cơ hội săn bàn, nhưng do khả năng kết thúc hạn chế, nên chúng ta thiếu hiệu quả.

Một khi số lượng ngoại binh được siết lại, các đội bóng trong nước chắc chắn cũng sẽ tính lại suất tiền đạo ngoại. Khi đó, hy vọng rằng các chân sút nội sẽ có nhiều cơ hội để được ra sân hơn, từ đó hy vọng rằng họ sẽ có nhiều điều kiện thực chiến và khắc phục dần nhược điểm kết thúc kém mà họ mắc phải trong nhiều năm qua.

Cơ hội cho những cầu thủ trẻ

Cũng trong vòng nhiều năm trở lại đây, chưa bao giờ sân cỏ trong nước lại có nhiều cơ hội cho các cầu thủ trẻ đến thế. Đầu tiên là việc VFF siết số lượng ngoại binh: 2 cầu thủ ngoại và 1 cầu thủ nhập tịch là giới hạn cho tất cả các đội bóng tại V-League.

Đấy dĩ nhiên là con số nhỏ hơn rất nhiều so với thói quen dùng cùng lúc 6 – 7 “Tây” trên sân của những CLB sính ngoại dạng B.Bình Dương, V.Ninh Bình hay XM Xuân Thành Sài Gòn trước đây.

Cầu thủ gốc ngoại giảm đi cũng đồng nghĩa với việc cơ hội dành cho các cầu thủ trẻ tăng lên, bởi nhiều cầu thủ trẻ sẽ không bị mất suất do không thể cạnh tranh lại với các ngoại binh và cầu thủ nhập tịch.

Lý do thứ hai khiến nhiều CLB sẽ hướng đến việc sử dụng cầu thủ trẻ là họ đã… hết tiền. Việc chạy đua mua sắm cầu thủ ồ ạt, tăng lương và tăng phí chuyển nhượng cho những bản hợp đồng mới một cách ồ ạt khiến cho bản thân nhiều CLB lâm vào cảnh kiệt quệ.

Đấy chính là lý do mà họ buộc phải tính đến chuyện thắt lưng buộc bụng ở khâu chuyển nhượng, tin dùng những cầu thủ do chính mình đào tạo. Ví như Đồng Tháp, họ mà không sử dụng nguồn cầu thủ tự đào tạo thì chỉ có nước giải tán, Khánh Hòa cũng vậy. Riêng những Hà Nội T&T hay HA Gia Lai lại nhận ra rằng cứ vun tiền vào thị trường chuyển nhượng, mà không quan tâm đến các tuyến trẻ của mình thì rốt cuộc cũng chẳng đi đến đâu.

Một V-League với nhiều đất diễn với những cầu thủ trẻ sẽ là một V-League rất khác so với những gì chúng ta từng biết về giải đấu vốn tràn ngập cầu thủ gốc ngoại này.

Hy vọng rằng với việc những cầu thủ nội có thêm đất diễn, với việc những cầu thủ trẻ có cơ hội vươn lên, chất lượng của cầu thủ nội sẽ được cải thiện. Khi đó, hy vọng rằng chất lượng của đội tuyển cũng sẽ thay đổi, tính cạnh tranh của đội tuyển của cũng tăng, nhờ nguồn cầu thủ có thể sẽ dồi dào hơn trước.

Kim Điền