Bóng đá nội xuống giá, VPF giảm uy tín trong mắt người hâm mộ
(Dân trí) - Ngày mới được thành lập cách nay khoảng 1 năm, VPF được kỳ vọng sẽ mang lại những nét tươi mới cho bóng đá Việt Nam, làm tốt hơn những gì mà VFF từng làm. Thế mà 1 năm sau, dường như VPF cũng đang đi vào chính vết xe đổ mà VFF từng đi
Sở dĩ 1 năm trước, dư luận ủng hộ VPF phần lớn xuất phát từ nguyên nhân rằng khả năng điều hành các giải đấu trong nước của VFF có vấn đề. Đấy là thực trạng khán giả chán ngán bóng đá nội, là bạo lực sân cỏ leo thang, vấn nạn trọng tài ám ảnh các đội bóng và cả những hiện tượng tiêu cực không có lời giải.
Trong bối cảnh bóng đá trong nước có nhiều gam màu tối, sự ra đời của VPF khi đó được đánh giá là sự tất yếu của chu trình phát triển, được kỳ vọng là sẽ thay đổi bộ mặt bóng đá nội, chí ít là thay đổi bộ mặt các giải đấu trong nước.
Nhưng vấn đề là, điều mà người ta chờ đợi nhiều nhất ở VPF là tăng chất lượng giải đấu, đưa khán giả trở lại với sân bóng thì dường như tổ chức này chưa làm được.
Nhiều chuyên gia đã nói về mô hình tháp ngược đang xuất hiện trong bóng đá Việt Nam. Mô hình này nói nôm na là ở các hạng đấu cấp thấp thì nhiều đội tham gia, trong khi càng lên hạng cao dần thì số đội càng ít lại, theo kiểu hình tháp.
Tuy nhiên, trong bóng đá nội, mô hình tháp ấy đang bị… chỏng ngược. Mùa tới, trong khi giải hạng Nhất chỉ có 8 đội tham gia, thì tại V-League, con số đội dự tranh là 12 đội. Đấy là một nghịch lý hiếm gặp ở các nền bóng đá tiên tiến, bởi càng lên cao thì mức độ sàng lọc càng khó, khiến cho số đội ít dần, chứ không phải là ngược lại như ở ta.
Chúng tôi cũng từng đề cập đến chuyện bất cứ đội bóng nào muốn tham dự các giải đấu chuyên nghiệp, phải hội đủ các tiêu chí nhất định, chứ không phải dự giải VĐQG bằng suất đặc cách.
Ấy thế mà với cách làm hiện nay, hết đội tuyển U22 Việt Nam bị bác suất đặc cách dự V-League, lại đến lượt đội hạng Nhất Đồng Nai được nhận suất này. Việc trao suất đặc cách cho Đồng Nai, đội đã từng thất bại trong cuộc đua giành quyền thăng hạng mùa rồi, chẳng khác nào chuyện một thí sinh vừa thi rớt Đại học vẫn được học Đại học, nhờ nhà trường tự hạ điểm sàng.
Đấy đều là những ý tưởng mang nặng tính nghiệp dư của VPF, lại được VFF thông qua, bởi những người đang nắm quyền điều hành vốn không có chuyên môn làm bóng đá, nhưng có quyền rất to và toàn quyết việc chuyên môn.
Cách điều hành của VPF, cũng như các đề xuất của chính tổ chức này đang bị chính những người từng ủng hộ họ như bầu Trường hay bầu Thụy cật lực phản đối.
So với ngày mới thành lập cách nay 1 năm, tiếng nói của VPF trong giới các ông bầu cũng giảm đi rất nhiều. Nguyên nhân chính xuất phát từ sự thay đổi về mặt nhân sự trong lòng VPF. Không còn bầu Kiên, khả năng kêu gọi tài trợ của VPF chắc chắn giảm đi đáng kể. Bầu Đức đang bù đầu với công việc kinh doanh của mình, chắc chắn cũng chẳng còn nhiều thời gian dành cho VPF. Trong khi đó, một thành viên quan trọng khác của VPF là Trưởng ban kiểm soát Lê Tiến Anh đã rút khỏi bóng đá đỉnh cao, xem như cũng không còn tiếng nói trong giới bóng đá.
Bây giờ, VPF giống như một công ty tổ chức sự kiện cho VFF (kiểu như công ty VFD ngày trước) hơn là một công ty nắm quyền quản lý các giải đấu quốc nội. Tiếng nói và sức ảnh hưởng giảm đi, cũng là lúc VPF chọn cách thỏa hiệp với tình trạng 1 ông chủ 2 đội bóng cùng đá ở một giải đấu (SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T của bầu Hiển), vốn đi ngược với tinh thần của FIFA và AFC, thay vì kiên quyết loại bỏ thực trạng ấy như cách mà họ tuyên bố hùng hổn ngày mới thành lập 1 năm trước.
Không thể giải quyết những vấn đề lớn vừa nêu mà người hâm mộ kỳ vọng, VPF cũng đang dần xuống giá trong mắt những ai còn quan tâm đến bóng đá Việt Nam.
Thiện Nhân