Lương cầu thủ Việt Nam bao nhiêu là đủ?

(Dân trí) - Hàng loạt các CLB tiến hành cắt giảm lương để có thêm kinh phí duy trì hoạt động đội bóng. Thế nhưng, ngay cả việc cắt giảm tới 50% như Ninh Bình vẫn còn chưa đủ, thì lương cầu thủ là bao nhiêu thì hợp lý ở thời điểm này?

Ở quy chế bóng đá chuyên nghiệp mới, VPF đưa ra mức lương tháng tối thiểu dành cho cầu thủ V.League là 10 triệu đồng, cao gấp 5 lần mức lương cơ bản Nhà nước quy định cho khối doanh nghiệp tại khu vực một. Mức lương tối thiểu đối với cầu thủ hạng Nhất có hợp đồng chuyên nghiệp là 6 triệu đồng, gấp 3 lần mức lương cơ bản Nhà nước quy định cho khối doanh nghiệp tại khu vực một.
 
 
Chưa có mức lương chuẩn cho các cầu thủ ở V-League

Chưa có mức lương chuẩn cho các cầu thủ ở V-League

 

Quy định là vậy, nhưng ở hầu hết các đội bóng, mức lương cầu thủ luôn cao hơn so với giá tối thiểu của VPF đưa ra. Cụ thể, những cầu thủ đá chính, lương dao động trên dưới 20 triệu đồng, còn với những cầu thủ có gắn mác ĐTQG, thì lương còn cao hơn, lên tới 30 triệu đồng.

 

Nền kinh tế suy thoái, nhiều CLB bị giải thể, một trong những gánh nặng nhất với các CLB đang tồn tại ở V.League chính là tiền lương, thưởng và đặc biệt là chi phí lót tay.

Nếu như vấn đề lót tay luôn nhạy cảm và khó quy định được bởi tình trạng đi đêm, thì tiền lương đã được đưa vào khung của VPF. Chính vì thế, trong thời gian qua, hàng loạt CLB tiến hành cắt giảm lương, thậm chí giảm đến gần quy định của VPF.

 

Chẳng hạn như ở Thanh Hóa, bầu Đệ cho biết CLB của mình đã giảm tới 20-25 triệu đồng/cầu thủ. Ở Ninh Bình còn mạnh tay hơn khi giảm tới 50% lương của toàn đội. Với những cầu thủ nội có mức lương khoảng 20 triệu đồng, giờ xuống còn 10 triệu đồng đã đau đớn, còn với ngoại binh với lương tháng vài nghìn USD, việc áp dụng mức lương mới sẽ mất đi một khoản rất đáng kể.

 

Tất nhiên trong bối cảnh khó khăn hiện tại, việc các CLB tiến hành giảm lương đã nhận được sự thông cảm của phần lớn các cầu thủ, nhưng nếu cứ giảm đến mức theo quy định của VPF, tức là lĩnh đủ 10 triệu đồng với cầu thủ V.League và 6 triệu đồng với hạng Nhất, thì kể cũng khó sống.

 

Lương đã vậy, thưởng có thể còn thảm hơn. Nhiều ý kiến cho rằng nên áp dụng cách thưởng trích từ nguồn bán vé. Cách làm này với các quốc gia có nền bóng đá phát triển sẽ giúp cầu thủ nhận được thưởng cực lớn, nhưng với Việt Nam thì chẳng khác nào không có gì. Đơn giản bởi hầu hết các sân hiện tại, khán giả tới sân chỉ lèo tèo, mà cũng toàn là vé mời thì lấy đâu ra tiền để trích thưởng nóng.

 

V.League 2013 tiếp tục được dự báo gặp nhiều khó khăn về tài chính. Những ông bầu nổi tiếng chịu chơi như bầu Hiển, bầu Thụy, bầu Trường...cũng đã rút lui khỏi bóng đá. Một viễn cảnh u ám về tiền thưởng nóng với các cầu thủ hiện ra trước mắt.

 

Đó là lý do, việc hạ mức lương xuống kịch khung, có thể sẽ dẫn đến phản ứng của các cầu thủ. Nói thật ra với mức lương 10 triệu đồng cho 1 tháng, một cầu thủ thậm chí thu nhập còn không bằng một...thợ cắt tóc. Nhiều ý kiến cho rằng, mức lương nên duy trì ở mức 50-60% so với giá trị hợp đồng là hợp lý, vừa đảm bảo tính tiết kiệm, vừa có thêm động lực cho các cầu thủ thi đấu.

 

Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, nhiều cầu thủ đã thông cảm với tình hình khó khăn chung, thậm chí sẵn sàng chơi không công chỉ mong sao không phải thất nghiệp. Thế nhưng, bóng đá thị trường luôn có những vấn đề nảy sinh không lường trước. Đá mà không có lương thưởng, chắc chắn sẽ khiến chất lượng các trận đấu giảm, khiến khán giả đã ít nay còn ít hơn.

 

Dù sao thì vấn đề giảm lương thưởng như thế nào, cần được các CLB bàn bạc thật kỹ và đặc biệt là phải có sự ủng hộ của các cầu thủ, tránh tình trạng đình công như Ninh Bình như vừa qua.

 

An An