(Dân trí) - Khắp châu Âu đang chứng kiến hàng loạt đội bóng làm đảo lộn trật tự các giải VĐQG hàng đầu. Từ Aston Villa, Girona cho đến Leverkusen đều chễm chệ trong nhóm dẫn đầu, thậm chí đứng trên đỉnh bảng.
Khắp châu Âu đang chứng kiến hàng loạt đội bóng làm đảo lộn trật tự các giải vô địch quốc gia hàng đầu. Từ Aston Villa, Girona cho đến Leverkusen đều chễm chệ trong nhóm dẫn đầu, thậm chí đứng trên đỉnh bảng. Đó là hiện tượng thật thú vị minh chứng lẽ hợp tan thời hậu Messi và C.Ronaldo.
Mùa giải 2022-23 chứng kiến Cristiano Ronaldo và Lionel Messi lần lượt chia tay bóng đá đỉnh cao châu Âu. Ronaldo sang Saudi Arabia, Messi đến Mỹ, khép lại kỷ nguyên ganh đua và thống trị vô tiền khoáng hậu của hai siêu sao vĩ đại bậc nhất lịch sử túc cầu.
Như một lẽ tất yếu của chuyện "thiên hạ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan", bóng đá bước sang giai đoạn loạn lạc. Ai sẽ tiếp nối Messi và Ronaldo giành Quả bóng vàng? Đó là câu hỏi không ai dám quả quyết trả lời chứ đừng nói kế tục hai siêu sao này thống trị bóng đá.
Tương tự là cục diện đầy biến động tại các giải vô địch quốc gia (VĐQG) hàng đầu. Tại Premier League, đương kim vô địch Man City, á quân Arsenal và Liverpool vẫn hiện diện trong top 4. Tuy nhiên, xen giữa cuộc đua giữa ba đội bóng xuất sắc nhất xứ sở sương mù vài năm trở lại đây là cái tên đầy xa lạ: Aston Villa.
Thầy trò Unai Emery đang chễm chệ ở vị trí thứ ba, với 38 điểm sau 17 vòng đấu, bằng điểm đội nhì bảng Liverpool, tạo ra khoảng cách 4 điểm với Man City và chỉ kém Arsenal một điểm. Cách đây vài vòng, đội bóng hiện tượng này còn tạo ra những cơn địa chấn khi liên tiếp đánh bại các nhà đương kim vô địch và á quân.
Tương tự Premier League, tại La Liga, ba ông lớn Real Madrid, Atletico và Barcelona vẫn nằm trong top 4. Nhưng bất ngờ hơn, đội đang chiếm giữ đỉnh bảng là cái tên cực kỳ khiêm tốn Girona.
Sau 17 vòng đấu, đội bóng mới thăng hạng mùa giải 2022-23 và sở hữu sân bóng chỉ có sức chứa chưa đầy 15.000 chỗ ngồi này đã giành được 44 điểm, nhiều hơn Real Madrid 2 điểm, bỏ xa cả Atletico và Barca tới 9 điểm.
Ấn tượng hơn nữa, Girona còn là đội sở hữu hàng công mạnh nhất giải, với 41 lần làm tung lưới đối phương. Bản lĩnh của thầy trò Michel cũng được thể hiện qua chiến thắng hiển hách 4-2 ngay trên thánh địa Camp Nou của gã khổng lồ xứ Catalonia.
Và tại Bundesliga, giải đấu đã quá quen thuộc với sự thống trị của Bayern Munich với 11 Chiếc đĩa bạc (chức vô địch) liên tiếp chứng kiến sự vươn lên mãnh liệt của Leverkusen. Thầy trò Xabi Alonso đứng đầu bảng cùng với 39 điểm sau 15 vòng đấu và được đánh giá là một trong những đội bóng hay nhất châu Âu hiện tại.
Chỉ hơn một năm trước, Aston Villa còn đối diện với nguy cơ rớt hạng. Ngay cả những người hâm mộ mộng mơ nhất cũng chẳng thể nghĩ hiện tại đội bóng yêu quý của họ đang tranh đua ngôi đầu Premier League ngang ngửa cùng các ông lớn.
Minh chứng rõ nhất là vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng và thành tích bất bại, giành được 7 điểm trong ba lần đụng độ những đội đang nằm trong top 4.
Quyết định sa thải Steven Gerrard và bổ nhiệm Unai Emery làm HLV trưởng là bước ngoặt với Aston Villa. Từ vị trí chỉ đứng trên nhóm cầm đèn đỏ nhờ hiệu số, sau khi thay tướng, Aston Villa kết thúc mùa giải 2022-23 ở vị trí thứ 7 và mùa này càng thăng tiến vượt bậc hơn.
"Với Gerard, chỉ có tập, tập và tập", một nguồn tin thân cận với cầu thủ tại Villa Park chia sẻ trên The Athletic. "Emery thì rất chi tiết, giống như lúc còn làm ở Arsenal. Ông ấy huấn luyện các cầu thủ trên sân, tiếp tục chỉ dẫn họ về mọi khía cạnh trong bóng đá mỗi ngày, và thường xuyên rèn dũa các kỹ năng cho đến khi phát huy tác dụng.
Các cầu thủ dần tin tưởng vào phương pháp của Emery và bắt đầu tuân thủ mọi yêu cầu ông ấy đưa ra. Sự tự tin và niềm tin được xây dựng và đem lại thành quả".
Đối với Emery, bước ngoặt tại Aston Villa là trận thua đội bóng cũ Arsenal hồi tháng Hai. Đối với nhà cầm quân người Tây Ban Nha, việc bị Arsenal sa thải là vết thương lòng. Ông muốn hạ gục "kẻ phũ phàng", nhưng rốt cuộc Aston Villa phải nhận trận thua đau đớn bởi 2 bàn thắng ở phút bù giờ.
Sau trận đấu, Emery đầy vẻ tức giận và không bao giờ muốn sai lầm tương tự lặp lại. Từ thất bại cay đắng ấy, ông nhận thấy Aston Villa đã chơi bóng dài quá nhiều, trong khi các hậu vệ liên tục phá bóng thay vì cầm bóng và áp đặt quyền kiểm soát trận đấu.
Vị chiến lược gia người Tây Ban Nha giảng giải cho các học trò hiểu rằng việc kiểm soát mới giúp hạn chế bàn thua.
Từ đó, các cầu thủ Aston Villa thay đổi về tư duy chơi bóng lẫn tâm lý thi đấu. Suốt 10 tháng sau trận thua Arsenal, thầy trò Emery chưa thua thêm trận nào trên sân nhà.
Ngoạn mục hơn, vị chiến lược gia người Tây Ban Nha trở thành HLV đầu tiên trong 149 năm lịch sử của Aston Villa giành 15 chiến thắng liên tiếp tại Villa Park, bao gồm 2 chiến thắng liên tiếp trước Man City và Arsenal ở mùa giải này.
Và ngay cả khi tạo nên chiến công hiển hách ấy, Emery vẫn nhắc nhở học trò không được lặp lại sai lầm như trận thua Arsenal mùa trước.
Trước khi chuyển từ Villarreal tại La Liga sang Aston Villa, Emery đã tổng hợp hồ sơ chi tiết của từng cậu học trò mới để phân tích. Cùng phân tích với các cộng sự, ông nhanh chóng nhận ra những "điểm mù" của Villa dưới thời Gerrard. Trong đó, vấn đề nghiêm trọng nhất là sự lỏng lẻo của bộ tứ vệ Tyrone Mings, Ezri Konsa, Matty Cash và Lucas Digne đã dẫn đến nhiều bàn thua.
Emery muốn cặp trung vệ Mings và Konsa cầm bóng hiệu quả hơn. Thông qua huấn luyện, rõ ràng bộ đôi này đã trở nên tự tin, rành mạch và phòng ngự cũng chắc chắn hơn. Sự khác biệt giữa Emery và người tiền nhiệm là ông biết chính xác những gì mình mong muốn, trong khi Gerrard được cho là luôn kiếm tìm "khoảnh khắc diệu kỳ" từ cá nhân.
Huyền thoại của Liverpool gục đầu chán nản ở trận đấu cuối cùng dẫn dắt Aston Villa và thua 0-3 trước Fulham. Gerrard không đưa ra bất cứ chỉ dẫn nào cho các học trò. Việc thiếu giao tiếp trở nên tồi tệ đến mức một người trầm lặng như tiền đạo Ollie Watkins phải tự tổ chức cuộc nói chuyện tại Craven Cottage để khôi phục trật tự.
Ngược lại, Emery thường xuyên có mặt bên đường biên để chỉ dẫn từng chi tiết. Vị chiến lược gia người Tây Ban Nha là mẫu người chăm chỉ và cẩn mật. Trong những ngày đầu làm việc tại Aston Villa, Emery sẽ ở lại Bodymoor Heath, sân tập của Villa, đến tận 23h đêm.
Damian Vidagany, Giám đốc bóng đá Aston Villa bông đùa rằng thói quen về khuya của người bạn thân khiến các bác bảo vệ rất bực bội. Bây giờ Emery đã về sớm hơn, "chỉ" làm việc từ 7h sáng đến 19h tối, nhưng cường độ huấn luyện không đổi.
Thành công chỉ đến với những ai chăm chỉ và khổ luyện, nhưng trong trường hợp của Emery và Aston Villa còn là sự tương thích. Emery từng có cơ hội dẫn dắt những đội bóng lớn như Arsenal hay PSG nhưng không quá thành công. Một phần nguyên do là phong cách tỉ mẩn của vị chiến lược gia người Tây Ban Nha dễ gây xung đột với những ngôi sao cá tính.
Aston Villa không phải là đội bóng lớn. Đội bóng này không có những ngôi sao. Các cầu thủ đều nỗ lực và tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn từ ban huấn luyện. Và khi niềm tin được tạo dựng, sĩ khí ngày càng nâng cao qua những chiến công hiển hách, thầy trò Emery trở thành đội bóng đáng gờm với bất cứ đối thủ nào.
Trong phòng thay đồ của Girona trên sân nhà Montilivi có đặt một chiếc bàn bi lắc. Đó là chi tiết đặc biệt về đội bóng này. Đặc biệt hơn nữa, chiếc bàn bi lắc này đã cũ, lớp sơn bong tróc theo thời gian và ở mỗi góc còn đặt chiếc gạt tàn thuốc, chỉ dấu cho thấy sản phẩm này của thời đại đã qua.
Chiếc bàn bi lắc này được đặt trong phòng thay đồ từ năm 2007, nhắc nhớ về quá khứ của đội bóng. Vào những năm 2000, khi còn là một CLB làng nhàng tại giải hạng ba hoặc hạng tư, có lúc rơi xuống tận hạng năm tại Tây Ban Nha, HLV và các cầu thủ thường tụ họp tại Bar Pencil, nơi cuộc chuyện trò xoay quanh chiếc bàn bi lắc.
"Bọn họ cũng có một chiếc bàn bi lắc trong phòng thay đồ. Họ thích thú với trò chơi này. Nhưng đến năm 2009, HLV Raul Agne bị sa thải", ông chủ Pedro của Bar Pencil cho biết. "Các cầu thủ nói với tôi rằng Agne phải lấy bàn bi lắc đi vì ông ấy cũng chỉ mượn của bạn.
Họ hỏi tôi có thể thuê chiếc bàn bi lắc của quán bar hay không. Tôi nhớ họ đã trả một số tiền mang tính tượng trưng. Nhưng điều vất vả nhất là bê chiếc bàn bi lắc vào trong sân vận động Montilivi tồi tàn".
Năm 2007, Girona chật vật để tồn tại và trả lương cho các cầu thủ. Dù vậy, sự đoàn kết trong phòng thay đồ đã giúp đội bóng thăng hạng 2 lần liên tiếp để từ hạng tư lên hạng nhì. 16 năm sau, mọi chuyện trở nên rất khác…
Sau khi gia nhập CFG (City Football Group), tập đoàn cũng sở hữu gã khổng lồ Man City, và điều thú vị là Pere Guardiola, anh trai Pep Guardiola đóng vai trò cầu nối và lịch sử Girona sang trang. Đó là nền tảng để trở thành hiện tượng kỳ vĩ tại La Liga mùa này, khi đang dẫn đầu trên bảng xếp hạng và vừa đánh bại gã khổng lồ láng giềng Barcelona.
Girona nằm cách Barca chưa đầy 70 cây số về phía đông bắc. Đó là thành phố đẹp như tranh vẽ, nơi từng quay bộ phim nổi tiếng Games of Thrones. Girona thu hút rất nhiều khách du lịch nhưng chưa bao giờ nổi tiếng về thể thao.
Hơn nữa, bóng rổ là môn thể thao phổ biến nhất nơi này. Vậy nên, thật không ngờ lại có ngày Girona trở thành điểm nóng bóng đá.
Tuy thuộc sở hữu của CFG, nhưng Girona không hề được đầu tư mạnh mẽ như Man City. Thống kê chỉ ra, từ khi đổi chủ vào năm 2015 cho đến nay, chi tiêu ròng trên thị trường chuyển nhượng của đội bóng này chỉ là 3 triệu euro.
Tất nhiên, Girona vẫn được hưởng lợi khi ở trong hệ sinh thái CFG, khi trở thành CLB theo kiểu vệ tinh của Man City. Cụ thể, những tài năng trẻ trưởng thành từ học viện hoặc những cầu thủ chưa đủ khả năng cạnh tranh suất đá chính tại Man City sẽ được chuyển sang khoác áo Girona theo dạng cho mượn để cọ xát.
Pablo Maffeo, hậu vệ của Real Mallorca, tuyển thủ Argentina là trường hợp đầu tiên "tu nghiệp" theo diện này cách đây 7 năm. Ngoài ra có thể kể đến Douglas Luiz, tiền vệ đang rất thành công ở Aston Villa hay Florian Lejeune , Ruben Sobrino và Pablo Mari.
Tất nhiên, từ vệ tinh của Man City đến xếp trên Barca, Atletico và Real Madrid tại La Liga vẫn là kỳ tích khó tin. Cần nhấn mạnh lại, Girona không hề mua sắm rầm rộ. Ngay cả mùa hè 2023 vừa qua, đội bóng này chỉ mượn Eric Garcia từ Barca, chiêu mộ Daley Blind theo dạng chuyển nhượng tự do từ Bayern Munich.
Bộ đôi này kết hợp với Arnau Martinez và Miguel Gutierrez, cặp hậu vệ cánh có xu hướng bó vào trung lộ kiểm soát bóng, tạo nên bộ tứ vệ cực kỳ biến hóa, uyển chuyển và linh hoạt. Ngoài ra, tiền đạo Artem Dovbyk, chân sút số một với 10 pha lập công trên mọi đấu trường, được chiêu mộ với mức phí chuyển nhượng kỷ lục của CLB: 7 triệu euro.
Điều đó cho thấy thành công của Girona trong khâu quản lý, tuyển dụng và huấn luyện, với dấu ấn lớn từ HLV Michel. Vị chiến lược gia từng suýt bị sa thải vì chỉ thắng 2 trong 10 trận đấu đầu tiên dẫn dắt Girona đã lột xác hoàn toàn đội bóng.
Tương tự những đội bóng thành công ngày nay, hệ thống chiến thuật của HLV Michel dựa trên khả năng cầm bóng tự tin để thao túng vị trí, kéo giãn đội hình đối phương và chiếm quyền kiểm soát trận đấu. Tuy nhiên, Michel tạo cá tính cho đội bóng của mình bằng những quyết định táo bạo.
Nếu như các đội bóng sử dụng 5 mũi tiến công (hành lang, hành lang trong, trung lộ), Girona lại sử dụng tới 6 cầu thủ và luôn sẵn sàng dồn hết sang phần sân đối phương. Phiêu lưu hơn, những thời điểm đối phương co cụm tử thủ, HLV Michel còn khuyến khích học trò phô diễn những động tác thường thấy ở bóng đá đường phố để "câu kéo".
Chính vì vậy, Girona là đội bóng thi đấu cởi mở và khoáng đạt nhất La Liga, với việc ghi 41 bàn thắng và cũng đã nhận 20 bàn thua. Đó cũng là điểm độc đáo của "đám phiến quân" này.
Từ việc vật lộn với cuộc chiến trụ hạng đến đứng đầu Bundesliga, hơn điểm Bayern Munich, là thành tựu rất đáng ghi nhận của Xabi Alonso chỉ sau 12 tháng dẫn dắt Leverkusen.
Sau nỗi đau về nhì ở cả ba đấu trường Bundesliga, Cúp Quốc gia và Champions League vào năm 2002, Leverkusen bị đặt biệt danh theo kiểu chơi chữ và châm biếm là Neverkusen (Never: không bao giờ). Từ đó, bất ổn và thiếu kiên trì dường như trở thành đặc tính của đội bóng này. Chính Alonso thay đổi thân - tâm - trí của CLB.
"Sự nghiêm túc và chín chắn trong lối chơi của Leverkusen phản ánh con người Xabi", Simon Rolfes, Giám đốc thể thao Leverkusen ca ngợi.
Trên sân cỏ, Xabi Alonso không bùng nổ như Steven Gerrard, không tài hoa và khắc kỷ như Andrea Pirlo, không thấm đẫm triết lý như Xavi Hernandez và cũng không bền bỉ như Frank Lampard, những tiền vệ cầm trịch tiêu biểu cùng thời, nhưng cựu tiền vệ Liverpool, Real Madrid, Bayern Munich này là người "quản lý" trái bóng lẫn cục diện chỉn chu nhất.
Những đường chuyền của Alonso đa dạng, ngắn dài đều có, với độ chuẩn xác cực cao. Alonso cũng hiếm khi dâng cao dù vẫn biết cách kết liễu đối phương bằng những pha kiến tạo sắc lẹm hoặc những cú sút xa hiểm hóc.
Alonso càng ít tắc bóng hay tranh cướp thô bạo. Mỗi pha xử lý hay đường chuyền của Alonso đều mang "hàm lượng thông tin" rất cao, thể hiện khả năng quan sát, tổng hợp và phân tích.
Tất cả các tiền vệ cầm trịch đều sở hữu nhãn quan nhạy bén, nhưng phần đa ưa làm chủ hoặc mạo hiểm và tạo nên màu sắc cá nhân. Alonso lại sử dụng bản năng thiên phú ấy bằng tất cả sự cầu toàn.
Không chỉ vậy, ứng với thời gian khoác áo những đội bóng hàng đầu châu Âu, Alonso hấp thụ tư duy chiến thuật và cầm quân của hầu hết những chiến lược gia thành công nhất châu Âu trong 20 năm trở lại đây. Đó là Rafa Benitez, Jose Mourinho, Carlo Ancelotti và Pep Guardiola.
Đúc rút từ những ông thầy, việc đầu tiên Alonso thực hiện là ổn định hàng thủ để sử dụng lối đá phản công. Khi đã biết cách cầm bóng vững vàng hơn, Alonso mới tập trung cải thiện khâu kiểm soát thế trận. Nhờ vậy, Leverkusen không chỉ thăng tiến thần kỳ và còn rất ổn định.
"Xabi không phải người giáo điều", Rolfe đánh giá. "Khi cần, toàn đội chơi phòng ngự và thực dụng chứ không phải lúc nào cũng phải lên bóng uyển chuyển từ sân nhà. Tìm cách giành chiến thắng mới là mục tiêu quan trọng nhất với ông ấy".
Bởi vậy, Leverkusen vẫn chưa thua trận nào từ đầu mùa giải, thắng 12 và hòa 3 trận. Tất nhiên, đánh bại Bayern đã 11 mùa đăng quang liên tiếp là điều không hề đơn giản. Nhưng khác với Dortmund hay bất cứ đội bóng nào khác, Leverkusen của Alonso đem đến cảm giác rất chắc chắn nhưng vẫn ngoạn mục như cái cách cựu tiền vệ này từng vung chân chuyền trái bóng đi 50m như đặt cho đồng đội.
Hẳn có ý kiến thắc mắc tại sao cuộc chia ly Messi và Ronaldo lại ảnh hưởng đến cục diện các giải VĐQG hàng đầu châu Âu?! Trước hết, xin nhắc lại câu "thiên hạ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan".
Sự hiện diện của Messi và Ronaldo có thể ví là giai đoạn ổn định của bóng đá châu Âu. Không chỉ hai siêu sao này thống trị, các đội bóng sở hữu hai siêu sao này cũng thống trị. Đó là Barcelona và Real Madrid tại Tây Ban Nha.
Khi đã sở hữu hai cầu thủ vĩ đại bậc nhất lịch sử, Barca và Real cũng chuyên tâm xây dựng đội hình xoay quanh Messi và Ronaldo thay vì mỗi năm đến hè lại nháo nhác đi tìm ngôi sao mới.
Messi có 17 năm khoác áo Barca, giành 10 danh hiệu La Liga, 4 Champions League. C.Ronaldo cũng gắn bó 9 năm với Real Madrid, đoạt 4 Champions League và 2 La Liga.
Khi Barca và Real Madrid không ráo riết săn sao, các đội bóng mạnh khác cũng giữ chân được trụ cột, thay vì mất Ronaldo vào tay Real như Man Utd. Bằng chứng là De Bruyne gắn bó với Man City từ năm 2015 đến nay. Salah cũng khoác áo Liverpool từ năm 2017. Chỉ có Man City và Liverpool đăng quang Premier League từ mùa 2017/18 đến nay.
Tại các giải đấu khác, Juventus vô địch Serie A 9 năm liên tiếp, Bayern đăng quang Bundesliga 11 năm liền, còn PSG thống trị Ligue 1. Tất nhiên, trường hợp của PSG hơi khác biệt bởi tiềm lực tài chính vượt trội các đội trong nước, song Juventus và Bayern gần như chung công thức.
Đó là thống trị bằng cách tuyển mộ những cầu thủ giỏi nhất tại giải quốc nội, vừa tăng sức mạnh và giảm chất lượng của đối thủ trực tiếp. Juventus kéo Higuain từ Napoli còn Bayern cướp Lewandowski từ Dortmund.
Vì vậy, khi kỷ nguyên Messi và Ronaldo khép lại, thiên hạ hợp rồi lại tan. Không hẳn chuyện mất ổn định của các đội bóng lớn mà là vấn đề không còn đội nào đủ lực áp đảo tuyệt đối. "Loạn thế xuất anh hùng", những hiện tượng, những ngôi sao mới xuất hiện như nấm mọc sau mưa, tạo nên cảnh tượng thật sôi động cho bóng đá châu Âu.