1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ý đồ thực sự của Philippines, Mỹ sau chiến lược hợp tác quân sự

(Dân trí) - Philippines hoan nghênh kế hoạch hiện diện quân sự lớn mạnh hơn của Mỹ tại nước này. Mỹ tuyên bố cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Philippines vừa diễn ra “đã thu được thành quả”. Giới phân tích quốc tế và khu vực xôn xao về ý đồ thực sự của Manila và Washington.

Ý đồ thực sự của Philippines, Mỹ sau chiến lược hợp tác quân sự - 1
Các quan chức Philippines không giấu giếm ý muốn sẵn sàng đón tiếp các tàu chiến và máy bay do thám Mỹ.
Manila: “... sẽ giúp cân bằng ảnh hưởng”

Sau hai ngày làm việc 26 và 27/1, cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Philippines lần thứ hai đã kết thúc tại Mỹ với tuyên bố chung viết: hai bên thể theo "Tuyên bố Manila" sẽ mở rộng và sâu sắc hơn nữa quan hệ đồng minh, nhằm ứng phó với thách thức của thế kỷ 21.

Mỹ sẽ gia tăng hiện diện quân sự qua hình thức tổ chức chiến dịch tập trận chung thường xuyên hơn cũng như gia tăng nhịp độ thay quân. Hai bên đồng ý sâu sắc và mở rộng hợp tác an ninh trên biển và thỏa thuận sẽ tổ chức cuộc thương lượng cấp bộ trưởng. Kế hoạch cụ thể “tăng cường hợp tác quân sự song phương” sẽ được thảo luận vào tháng 3 tới.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27/1 tuyên bố, cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Philippines lần này đã thu được thành quả, trong đó bao gồm Mỹ chuyển giao tàu phóng ngư lôi có vũ trang "Hamilton" cho hải quân Philippines, nhằm tăng cường năng lực cảnh báo trên biển của Philippines. Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho biết, việc Mỹ chuyển giao tàu phóng ngư lôi có vũ trang thứ hai cho Philippines hiện đang được tiến hành xem xét tại Quốc hội Mỹ.

Ngay trước đó, từ Wasington, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Robert F. Willard tuyên bố Mỹ sẵn sàng đóng quân tại Philippines theo hình thức luân chuyển quân nếu Philippines đề xuất yêu cầu. Song ông cho biết Mỹ không có ý định xây dựng căn cứ quân sự mới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Về phía Manila, Ngoại trưởng Philippines giải thích là hai nước đang tìm cách làm sao cho có hiệu quả tối đa cho trong việc thi hành hiệp ước quân sự.

Ông Albert del Rosario không gọi đích danh Trung Quốc là nguyên nhân thúc đẩy Philippines tiến gần với Mỹ, nhưng nhấn mạnh về tình trạng chủ quyền biển đảo của Philippines đang bị tranh chấp và Manila cần có đồng minh.

Theo nhận định của Ngoại trưởng Philippines thì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Philippines sẽ giúp cân bằng ảnh hưởng trung khu vực, củng cố an ninh , hòa bình, ổn định và phát triển. Ông cũng nói rõ là không có kế hoạch cho phép Mỹ mở lại các căn cứ quân sự đã bị một đạo luật do Thượng viện Philippines thông qua năm 1992 đóng cửa.

Vào tuần trước, một tướng hải quân Philippines cho biết Mỹ và Philippines có kế hoạch thực hiện một cuộc diễn tập quân sự chung nhằm kiểm tra sự sẵn sàng của quân đội hai nước trong việc bảo vệ nguồn dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi Biển Đông.

Giới phân tích chính trị tại Manila cho rằng tiếp sau động thái trên, quyết định của Philippines cho phép quân đội Mỹ hiện diện nhiều hơn bắt nguồn từ thái độ được xem là càng ngày càng gây hấn của Trung Quốc tại biển Đông. Giám đốc Viện nghiên cứu về Hòa bình, Bạo lực và Khủng bố tại Manila, ông Rommel Banlaoi nhận định: “Giờ đây, Philippines sử dụng lá bài Mỹ để tạo thế bật chống lại Trung Quốc”.

Đây cũng là phân tích của giáo sư Rene de Castro, đại học De la Salle. Ông nói là đất nước của ông “phải dùng đến chiến thuật quân bình cán cân lực lượng vì Philippines không có phương tiện nào khác để đối phó với sức mạnh của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, tại Philippines, cũng có một thành phần thiểu số chống lại chủ trương này.

Washington: Ghi thêm một thành công đáng kể

Với việc Philippines không những đồng ý mà còn yêu cầu Mỹ tăng cường hợp tác quân sự và đưa thêm lực lượng vào Philippines , Mỹ được cho là vừa ghi thêm một thành công đáng kể trong chiến lược tăng cường hiện diện quân sự tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Theo chiến lược quân sự mới của Mỹ, châu Á-Thái Bình Dương sẽ là trọng tâm chiến lược an ninh của Mỹ. Hiện Mỹ đã ký thoả thuận về đóng quân với Australia và Singapore. Sự mời gọi của Philippines xảy ra hai tháng sau khi chính phủ Australia chấp thuận cho Mỹ sử dụng căn cứ quân sự gần Darwin, và quy mô quân Mỹ đóng tại Australia sẽ lên tới 2.500 quân trong vài năm tới. Còn theo thoả thuận đạt được với Singapore năm ngoái, quân Mỹ sẽ cử tàu chiến tới đóng tại Singapore.

Phương án trú quân của tầu chiến Mỹ ở căn cứ Subik-bay, triển khai quân đội tại các đảo Philippines, cũng như việc thường xuyên tiến hành tập trận chung là những chủ đề thảo luận tại cuộc tư vấn Mỹ - Philippines ở Washington trong các ngày 26-27/01, nhưng rất được khu vực quan tâm.

Báo chí Nga phân tích: “Philippines nhiều khả năng sẽ là quốc gia đầu tiên mà Lầu Năm Góc dự kiến chạy thử chiến lược quân sự mới, được Tổng thống Barack Obama công bố cách đây 2 tuần. Đây chưa hẳn là sự gia tăng toàn diện tính hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực. Tuy nhiên, nó là động thái mở rộng đáng kể, bởi sự có mặt quân sự của Mỹ ở các vùng khác đang ngày một giảm đi”.

“Bản thân việc Mỹ có ý định tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương sát với Đông Nam Á cũng nói lên một điều là, khu vực này đang được Mỹ đặc biệt quan tâm. Địa bàn là nơi tập trung các giao điểm chủ chốt của những đối đầu mới toàn cầu”.

Hai mươi năm trước, Philippines đã đề nghị người Mỹ rút khỏi các căn cứ quân sự lớn của họ ở Thái Bình dương. Giờ đây có khả lớn là Mỹ quay trở lại vịnh Subik-bay. Nhân đó, báo Washington Post đã viết rằng, vấn đề được đề cập là “loạt bước tiến chiến lược, nhằm vào Trung Quốc”. Các tàu hàng và tàu chở dầu của cả hai nước đều đi qua khu vực này. Sự kiểm soát ở đây sẽ khẳng định tiềm năng khống chế trong khu vực.

Theo hãng tin AFP, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân sách được tiết kiệm, chiến lược của Mỹ tại Châu Á có vẻ thuận buồm xuôi gió. Từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Singapore kéo dài xuống tận Úc, một vành đai hình cánh cung đang hình thành vây quanh Trung Quốc trải dài từ bắc xuống nam với những đồng minh truyền thống của Mỹ và có cùng lo âu trước tham vọng phát triển của Bắc Kinh.

Xét trên mọi phương diện, bước tiếp theo của Mỹ về củng cố sự có mặt tại khu vực sẽ là việc xuất hiện các tiêm kích mới tại những căn cứ ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ cũng tìm kiếm khả năng bố trí ở phía Nam bán đảo Triều Tiên các máy bay không người lái thế hệ mới.

Còn về ý đồ thực sự của Mỹ và Philippines trong “chiến lược hợp tác quân sự”, vừa được thảo luận, hãng tin ABC của Australia dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, nói tóm lại như sau: “Trong thời gian qua, Trung Quốc trở nên rất “hung hăng” trong các hành động ở Biển Đông. Vì vậy, sự hợp tác Mỹ-Philippines nhằm đối trọng lại Trung Quốc. Về phía Mỹ, sự hợp tác này cũng có mục đích cân đối cán cân quyền lực của mình ở Châu Á”.

Nguyễn Viết
Tổng hợp