1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Xung quanh việc Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân tại Djibouti

Ngày 4-12, Ngoại trưởng Djibouti, ông Mahamoud Ali Youssouf thông báo nước này và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận xây dựng căn cứ hải quân đầu tiên tại Djibouti. Điều đáng nói là Djibouti còn là nơi Mỹ, Pháp và Nhật đặt căn cứ quân sự.

Căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài

Phát biểu bên lề một hội nghị các nhà lãnh đạo châu Phi ở Johanesburg, Nam Phi, Ngoại trưởng Yusuf cho biết, mục đích của căn cứ này là chống lại cướp biển và bảo vệ an toàn cho tàu thuyền Trung Quốc đi qua eo biển quan trọng này.

Xung quanh việc Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân tại Djibouti - 1

Bản đồ địa lý quốc gia Djibouti. (Ảnh: Operationworld)

Trước đó, Tư lệnh Bộ chỉ huy Quân đội Mỹ tại châu Phi, Tướng David Rodriguez cho biết, Trung Quốc đã ký bản hợp đồng trong 10 năm với Djibouti và đang xây dựng căn cứ quân sự tại nước này. Căn cứ quân sự này có thể hoạt động như một trung tâm hậu cần (vận chuyển, hỗ trợ và duy trì hoạt động của lực lượng quân đội) nhằm "mở rộng khả năng vươn xa của Trung Quốc”.

Không gọi đây là một căn cứ quân sự, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, chính phủ nước này đang tiến hành đàm phán về việc xây dựng một “cơ sở hỗ trợ” cho các tàu hải quân Trung Quốc hoạt động trong khu vực. “Cơ sở này sẽ giúp quân đội Trung Quốc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, mà trước hết là gìn giữ hòa bình theo sự bảo trợ của Liên hợp quốc, hộ tống hải quân ở vịnh Aden và vùng biển Somalia và hỗ trợ nhân đạo”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian nói.

Trả lời phỏng vấn tờ Svobodnaya Pressa, Vasili Kashin, chuyên gia về quân sự Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ có trụ sở tại Mátxcơva, cho biết, đây là lần đầu tiên Trung Quốc đạt được thỏa thuận xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài. Ông Kashin cũng cho rằng, căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang sẵn sàng để trở thành một cường quốc hải quân.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc mở rộng nhanh chóng khả năng quân sự của mình với việc tăng cường hoạt động hải quân với các đội tàu ngầm và tàu nổi xuất hiện trên khắp các đại dương trên thế giới, từ châu Mỹ La-tinh và châu Phi tới Biển Đen và Biển Baltic

Một số nhà bình luận khác cho rằng Trung Quốc có thể đang muốn “tranh giành ảnh hưởng với phương Tây ở các nước châu Phi và Trung Đông". Việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại đây sẽ phá vỡ vai trò trước đó của Mỹ và Nhật Bản. Căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti có thể trở thành đài quan sát, là tiền đề để Trung Quốc tiến vào Trung Đông.

Tầm quan trọng của Djibouti

Djibouti là một quốc gia nhỏ nằm ở vùng Sừng châu Phi giữa Eritrea và Somalia, cách Yemen bởi Vịnh Aden, với dân số dưới 830.000 người, nơi eo biển Bab al-Mandeb đi qua. Kết nối với bán đảo A-rập, Biển Đỏ và có thể đi tới Địa Trung Hải, eo biển này được coi là “yết hầu của Biển Đỏ” hay “người canh gác con đường dầu”. Đây cũng là một trong những tuyến đường hàng hải bận rộn nhất thế giới.

Các tàu neo đậu ở thành phố cảng Djibouti giữ vai trò kiểm soát các lối vào ra từ kênh đào Suyez và Vịnh Aden. Và khi Djibouti bất ổn, con đường vượt Ấn Độ Dương đến khu vực Đông Á sẽ bị cắt đứt và tàu thuyền chỉ có thể vòng qua mũi Hảo Vọng của Nam Phi.

Với vị trí địa lý quan trọng này, Mỹ, Nhật, Pháp đều xây dựng căn cứ quân sự của mình trong khu vực. Có khoảng 4.000 quân Mỹ và đồng minh đóng ở trại Lemonnier, trụ sở Bộ chỉ huy Liên quân Mỹ tại Sừng châu Phi. Doanh trại Lemonnier dùng cho các chiến dịch chống khủng bố bí mật và các hoạt động quân sự khác ở Yemen, Somalia và các nước châu Phi khác. Đây cũng là căn cứ quân sự vĩnh viễn duy nhất của Mỹ tại lục địa châu Phi.T

Trung Quốc có một lợi thế đặc biệt khi xây dựng “cơ sở hỗ trợ” tại Djibouti. Nước này nằm tiếp giáp với lãnh thổ Etiopia, nơi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng nhanh chóng trong vòng 10 năm qua. Phía Đông của Djibouti tiếp giáp với Somalia, nơi Trung Quốc đã tham gia hoạt động chống cướp biển quốc tế ngoài khơi nước này từ năm 2008.

Việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên trên vùng biển của Djibouti không chỉ cung cấp dịch vụ hậu cần cho hạm đội thuyền bảo vệ, mà còn liên kết những ưu thế của Trung Quốc trong khu vực Đông Phi, cùng với sự ảnh hưởng truyền thống của nước này tại quốc gia Sudan gần đó thành một chỉnh thể hoàn chỉnh.

Tổng thống Ismail Omar Guelleh của Djibouti tuyên bố hoan nghênh Trung Quốc đóng quân. “Pháp đóng quân đã từ lâu, người Mỹ phát hiện vị trí địa lý của Djibouti có lợi cho tấn công chủ nghĩa khủng bố ở khu vực này. Người Nhật Bản hy vọng không bị cướp biển xâm phạm. Hiện nay, người Trung Quốc cũng hy vọng bảo vệ lợi ích của nước họ, chúng tôi hoan nghênh họ”, ông Guelleh nói.

Theo Ngọc Hà

Quân đội nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm