1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan hệ Trung Quốc - châu Phi: Bên kia bờ ảo vọng

(Dân trí) - Nhật báo Le Monde ngày 5/12 tổng kết lại công cuộc hợp tác Trung - Phi với ghi nhận về sự "vỡ mộng" của Bắc Kinh, nhân chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Châu Phi từ ngày 2/12 và tham dự Diễn đàn hợp tác Trung-Phi lần thứ 6 tại Johannesburg, Nam Phi.

Quan hệ Trung Quốc - châu Phi: Bên kia bờ ảo vọng - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn hợp tác Trung-Phi lần thứ 6 ở Johannesburg, Nam Phi ngày 4/12. (Ảnh AFP)

Le Monde không quên nhắc lại hợp tác Trung – Phi từng có thời kỳ huy hoàng từ 2000 đến 2011, đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi đã lên tới 75 tỷ USD, nhưng rồi quan hệ dần tuột dốc tới mức số tiền đầu tư 6 tháng đầu năm nay đã giảm hơn 40%.

Diễn đàn hợp tác Trung-Phi diễn ra trong bối cảnh khó khăn trên. Đây cũng chính là lý do khiến cho hầu hết lãnh đạo của 54 quốc gia châu Phi đều đến để gặp ông Tập Cận Bình và phái đoàn bộ trưởng, doanh nhân, lãnh đạo ngân hàng của Trung Quốc, bởi chắc không ai muốn bỏ lỡ cơ hội này.

Nhìn lại quá trình chen chân của Trung Quốc vào lục địa Đen, Le Monde ghi nhận: Từ lúc khởi đầu năm 2000 với sự hiện diện khiêm tốn, nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi vào năm 2009. Năm 2013, Trung Quốc chiếm vị trí nhà đầu tư lớn thứ 4 ở châu Phi sau Pháp, Mỹ và Anh. Mục tiêu của Trung Quốc hiện nay là tăng giá trị trao đổi thương mai với châu Phi lên 400 tỷ USD từ nay đến năm 2020.

Về những cái Được, theo các phân tích được Le Monde trích dẫn, nhìn từ phía Bắc Kinh thì công cuộc họp tác này mang tính chất hai bên cùng có lợi: Trung Quốc đảm bảo được nguồn cung ứng tài nguyên, tìm được thị trường mới cho các công ty Trung Quốc, gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở những vùng đất mới, có được đồng minh mới. Còn từ phía châu Phi, công cuộc hợp tác này cũng đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho các nước tại châu lục còn nhiều khó khăn này.

Tuy nhiên, về những cái Mất, các nước châu Phi dần dà đều cảm thấy rõ phải oằn mình thế nào dưới gánh nặng tài trợ của Trung Quốc. Nếu như ban đầu tài trợ của Trung Quốc có những điều kiện dễ dãi, thì về lâu dài lại trở thành gánh nặng khó chịu nổi bởi lãi suất rất cao. Trong thời buổi khó khăn, ngân sách eo hẹp, nhiều quốc gia châu Phi không thể không thấy áp lực ngày càng tăng từ những khoản nợ dần chồng chất với Trung Quốc.

Mặt khác, hợp tác với Trung Quốc cũng đặt ra những vấn đề xã hội : tiền của Trung Quốc đưa vào châu Phi cũng để chi vào những lợi ích kinh tế của Trung Quốc. Các nước châu Phi thường than phiền và chỉ trích rằng Trung Quốc không thuê lao động tại chỗ mà đưa người của mình đến, còn nếu có mướn nhân công bản địa thì Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách quản lý với bàn tay sắt.

Quan hệ Trung Quốc - châu Phi: Bên kia bờ ảo vọng - 2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tại Pretoria (Nam Phi) ngày 2/12. (Ảnh: AFP)

Hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh mạnh mẽ với hàng nội địa. Người Trung Quốc mang hàng đi bán tận các vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa, tạo ra không khí bất bình ngày càng gia tăng và thậm chí còn dẫn tới tâm lý bài trừ hàng Trung Quốc.

Điều này khiến một số lãnh đạo châu Phi phản ứng. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma từng gây chấn động hồi năm 2012 ngay tại Bắc Kinh khi thẳng thắn nhận xét rằng “hợp tác với Trung Quốc có vấn đề”.

Bởi thế, Le Monde cho rằng ông Tập Cận Bình chắc chắn biết rất rõ những vấn đề đang chờ đợi chính quyền của ông, đó là tăng mức tài trợ, xóa nợ và 600 đề án phát triển có lẽ vẫn không đủ để mang lại nụ cười cho người dân châu Phi.

Quý Cao (theo Le Monde)