1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Xung đột Ukraine "đóng băng" nền khoa học Nga

Thanh Thành

(Dân trí) - Nhiều dự án khoa học quan trọng với cả thế giới đang được thực hiện tại Nga đã bị "đóng băng" vô thời hạn do xung đột ở Ukraine.

Xung đột Ukraine đóng băng nền khoa học Nga - 1

Dự án nghiên cứu biến đổi khí hậu của môi trường Bắc Cực cũng đã bị ngưng trệ (Ảnh minh họa: Korabli).

Kể từ năm 2000, hàng chục nhà khoa học quốc tế đã đến Trạm Khoa học Đông Bắc trên sông Kolyma ở vùng Siberia của Nga để nghiên cứu sự thay đổi khí hậu trong môi trường Bắc Cực. Nhưng năm nay thì khác.

Theo Euro News, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Viện Hóa sinh Max Planck (Đức) đã đóng băng nguồn kinh phí được sử dụng để trả lương cho nhân viên tại trạm nghiên cứu và duy trì hoạt động của một số công cụ dùng để đo lường mức độ của việc biến đổi khí hậu làm tan băng vĩnh cửu ở Bắc Cực và cả lượng khí mê tan, một loại khí mạnh làm Trái đất ấm nóng lên, phát thải.

Theo người phát ngôn Peter Hergersberg của Hiệp hội Max Planck do chính phủ Đức tài trợ, việc đóng băng nguồn kinh phí như thế này có thể làm gián đoạn các phép đo liên tục tại trạm từ năm 2013, ảnh hưởng đến sự hiểu biết của các nhà khoa học về xu hướng ấm nóng lên trên toàn cầu.

"Các đồng nghiệp (người Nga) tại Trạm Khoa học Đông Bắc nỗ lực cho trạm tiếp tục hoạt động", ông Hergersberg nói nhưng từ chối cho biết số tiền tài trợ được giữ lại.

Phóng viên Reuters đã nói chuyện với hơn 20 nhà khoa học, hỏi về tác động của cuộc xung đột Ukraine đối với nền khoa học Nga. Nhiều người bày tỏ lo ngại về tương lai khi hàng chục triệu USD tài trợ của phương Tây cho khoa học Nga đã bị đình chỉ do các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Moscow.

Hàng trăm quan hệ đối tác giữa các tổ chức khoa học Nga và phương Tây bị tạm dừng, nếu không muốn nói là bị hủy bỏ hoàn toàn. Nhiều kênh liên lạc bị đóng và không ít chuyến đi nghiên cứu bị hoãn vô thời hạn.

Các dự án bị ảnh hưởng lớn

Dự án xây dựng các cơ sở nghiên cứu công nghệ cao ở Nga đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong số này có một máy va chạm ion và một lò phản ứng neutron mà châu Âu đã cam kết hỗ trợ 25 triệu Euro (27,4 triệu USD). Các nhà khoa học cho biết, công nghệ này hứa hẹn mở ra kỷ nguyên nghiên cứu mới, có thể đóng góp cho nhiều lĩnh vực, từ vật lý cơ bản đến phát triển vật liệu, nhiên liệu và dược phẩm mới.

Một khoản đóng góp trị giá 15 triệu euro nhằm hỗ trợ phát triển vật liệu carbon thấp và công nghệ pin cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm đối phó biến đổi khí hậu cũng đã bị đóng băng, sau khi Liên minh châu Âu (EU) ngừng mọi hợp tác với các thực thể của Nga vào tháng trước.

Dimitry Scheoanshchenko, nhà khoa học môi trường người Nga vốn có liên kết với Viện Phân tích hệ thống ứng dụng quốc tế (Áo) từ năm 2007, nhận định rằng khoa học là lĩnh vực chịu thiệt từ những diễn biến xung đột ở Ukraine.

"Về mặt cảm xúc, tôi có thể hiểu được quyết định đình chỉ này", ông nói. Tuy nhiên, theo ông, "về tổng thể khoa học đây là một giải pháp bị mất mát. Các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học… khó có thể được giải quyết nếu không có lãnh thổ Nga và chuyên môn của các nhà khoa học Nga".

Kể từ sau khi Liên Xô tan rã, nguồn tài trợ của Nga cho khoa học hiện đã được cải thiện, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với phương Tây. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vào năm 2019, Nga đã chi 1% GDP cho nghiên cứu và phát triển, tương đương khoảng 39 tỷ USD, được điều chỉnh theo sự thay đổi về tiền tệ và giá cả.

Phần lớn số tiền đó đã được chi cho các lĩnh vực khoa học vật lý, chẳng hạn như công nghệ vũ trụ và năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, Đức, Nhật Bản và Mỹ mỗi nước chi tiêu khoảng 3% GDP. Với Mỹ, con số đó lên tới 612 tỷ USD vào năm 2019.

Và nay, nhiều dự án khoa học đang được thực hiện tại Nga và có ý nghĩa lớn đối với khoa học thế giới đã bị ngừng trệ vô thời hạn do tác động của cuộc chiến ở Ukraine.

Nền khoa học Nga đã được thúc đẩy nhờ quan hệ đối tác trong các dự án với các nhà khoa học ở nước ngoài. Ví dụ, Nga và Mỹ dẫn đầu liên minh quốc tế đã phóng Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào năm 1998. Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan vũ trụ của Nga, Roscosmos trong tháng này cho biết họ sẽ đình chỉ việc tham gia ISS cho đến khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Riêng Đức đã tài trợ khoảng 110 triệu Euro cho hơn 300 dự án Đức - Nga trong 3 năm qua. EU tài trợ 12,6 triệu euro cho các tổ chức của Nga cho 18 dự án khác tập trung vào mọi thứ, từ giám sát khí hậu Bắc Cực đến các bệnh truyền nhiễm ở động vật.

Nhà hóa học Pavel Troshin gần đây đã nhận được tài trợ của chính phủ Nga cho dự án hợp tác với Đức về phát triển pin năng lượng mặt trời thế hệ tiếp theo để cung cấp năng lượng cho các vệ tinh liên lạc. Dù phía Đức hiện đã bị đình chỉ, dự án vẫn đang được triển khai.

"Các dự án chung lẽ ra nên được thực hiện vì lợi ích của toàn thế giới và việc loại bỏ các nhà khoa học Nga thực sự phản tác dụng", nhà hóa học Troshin hiện làm việc tại Viện Vật lý Hóa học của Nga cho biết. "Tôi sẽ không bao giờ mong đợi điều gì đó như thế này. Điều đó thật gây sốc đối với tôi".

Trong số các nỗ lực nghiên cứu khẩn cấp đang bị đình chỉ là các dự án nghiên cứu biến đổi khí hậu ở Bắc Cực của Nga.

Nhà sinh thái học Ted Schuur của Đại học Bắc Arizona cho biết: "2/3 khu vực đóng băng vĩnh cửu là ở Nga, vì vậy dữ liệu từ đó rất quan trọng. Nếu các bạn cắt đứt quan điểm của mình về việc thay đổi lớp băng vĩnh cửu ở Nga, bạn đang thực sự cắt đứt hiểu biết của chúng tôi về những thay đổi toàn cầu đối với lớp băng vĩnh cửu".

Đó là điều đáng báo động đối với các nhà khoa học khi hiện tượng ấm nóng lên toàn cầu làm tan băng đang ngày càng cấp bách hơn.

Theo Euro News