1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Xung đột Nga - Ukraine có thể kết thúc thế nào?

Minh Phương

(Dân trí) - Tại một thời điểm nhất định, Ukraine và Nga sẽ phải đưa ra quyết định về một giải pháp cho cuộc xung đột đã kéo dài một năm rưỡi qua.

Xung đột Nga - Ukraine có thể kết thúc thế nào? - 1

Lực lượng thân Nga điều khiển một xe tác chiến bộ binh ở miền Đông Ukraine (Ảnh: minh họa: Reuters).

Cuộc chiến dai dẳng

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bước sang một giai đoạn mới vào mùa hè này khi Kiev tiến hành cuộc phản công được chờ đợi từ lâu. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine đang phải đối mặt với tiền tuyến trải dài hơn 1.000km và các công sự phòng thủ kiên cố, dày đặc mà Nga xây dựng vào mùa đông năm ngoái khi Ukraine còn đang chờ đồng minh viện trợ thêm vũ khí hạng nặng.

Các chuyên gia quân sự cảnh báo cuộc chiến có thể sẽ kéo dài, gây áp lực lớn và buộc Ukraine phải chiến đấu trong vài năm tới. Điều đó đồng nghĩa các đồng minh quốc tế của Kiev có thể phải chi thêm hàng tỷ USD để hỗ trợ nguồn lực quân sự, nhân đạo và tài chính cho nước này.

"Ukraine phải chứng tỏ rằng họ có thể đạt được bước tiến, nhưng mọi người đều biết rằng với quy mô lực lượng hiện có, Ukraine khó đẩy lùi quân Nga trong năm 2023", Richard Barrons, cựu chỉ huy Bộ chỉ huy lực lượng chung của Anh, nhận định với CNBC.

Theo ông Barrons, cuộc phản công của Ukraine có thể sẽ đạt được một số tiến bộ trong thời gian còn lại của năm nay, nhưng chưa đủ để chấm dứt xung đột. Cuộc chiến nhiều khả năng kéo dài sang năm 2024, thậm chí 2025.

"Ở một mức độ nào đó, chúng ta phải chấp nhận rằng có bằng chứng cho thấy Ukraine có thể giành chiến thắng trên chiến trường. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc họ sẽ cần viện trợ lớn hơn, khoảng 100 tỷ USD/năm từ tất cả đồng minh, ít nhất là trong năm 2024 và 2025", ông dự đoán.

Kể từ khi phát động phản công hồi đầu tháng 6, Kiev chỉ giành lại được quyền kiểm soát một số ít ngôi làng.

Mặc dù Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết các lực lượng của họ đã đạt được những tiến bộ gần Bakhmut ở miền Đông và giành lại hơn 200km2 lãnh thổ ở miền Nam, họ vẫn phải đối mặt với thách thức lớn khi cố vượt qua tuyến phòng thủ của Nga để hướng tới các thành phố cảng Berdyansk và Melitopol bên bờ biển Azov.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi cuộc phản công của Ukraine gặp khó khăn như hiện nay, Nick Reynolds, nhà nghiên cứu về chiến tranh trên bộ tại Viện Royal United Services, một tổ chức nghiên cứu về quốc phòng và an ninh có trụ sở tại London, đánh giá.

"Nga đã có cơ hội rất lớn trong những tháng đầu năm nay để đào hào sâu. Nếu nhìn vào quy mô của hệ thống phòng thủ mà họ đã xây dựng, đây luôn là một thách thức ghê gớm đối với Ukraine, đặc biệt là khi không quân của nước này không thể hoạt động trên các tuyến của Nga", ông Reynolds nói.

Một trong những mục tiêu chính của Ukraine là cắt đứt cây cầu hành lang trên bộ của Nga từ miền Đông Ukraine đến bán đảo Crimea. Tuy vậy, đây là một trong những khu vực mà các công sự của Nga được bố trí dày và kiên cố nhất.

"Lực lượng Ukraine đang tiến vào tuyến phòng thủ đầu tiên, nhưng đó là một vành đai với chiều rộng 30km gồm các bãi mìn, chiến hào và các cuộc phản kích. Từ vị trí hiện tại của họ đến biển khoảng 100km, đến nay họ mới tiến được 10km. Vì vậy đây thực sự là một câu hỏi lớn", ông Barrons cho hay.

Trong khi đó, chiến lược của Nga là bám và giữ phần đất họ đang kiểm soát.

Viễn cảnh kết thúc

Xung đột Nga - Ukraine có thể kết thúc thế nào? - 2

Phái đoàn Nga và Ukraine hòa đàm tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3/2022 (Ảnh: Reuters).

Các chuyên gia quốc phòng cho rằng cuộc phản công của Ukraine sẽ khó tạo được bất kỳ đột phá nào trong năm nay. Tuy nhiên, họ lưu ý rằng điều quan trọng đối với Ukraine là đạt được ít nhất một số tiến bộ nhằm duy trì sự ủng hộ của phương Tây đến năm 2024, thậm chí xa hơn nữa.

"Rõ ràng, từ quan điểm của Ukraine, ít nhất họ phải đạt được một số thành công đáng kể để có thể nói với Mỹ và NATO rằng cuộc phản công không như mong đợi, nhưng với những vũ khí mà phương Tây viện trợ, Ukraine đã làm hết mình để chia cắt lực lượng Nga và giờ cần đầu tư vào một mục tiêu khác", Jamie Shea, một cựu quan chức NATO cấp cao, bình luận.

Chuyên gia này nói thêm: "Tôi nghĩ rằng rủi ro đối với người Ukraine là khi họ thực sự rơi vào thế bế tắc, tức là họ giành lại được rất, rất ít lãnh thổ, nhưng lại tiêu hao rất nhiều thiết bị do phương Tây cung cấp và người Ukraine phải chịu thương vong lớn".

Kịch bản đó có thể khiến công chúng gia tăng sự bất mãn với việc tiếp tục tài trợ cho Ukraine, đồng thời đặt ra vấn đề về sản xuất và cung cấp vũ khí cho phương Tây.

Hiện tại, các đồng minh của Ukraine vẫn vững tâm ủng hộ Ukraine khi khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev chừng nào còn cần thiết. Nga cũng tuyên bố không từ bỏ chiến dịch quân sự ở Ukraine cho đến khi đạt mọi mục tiêu đề ra.

Trong khi đó, triển vọng hòa đàm giữa Nga và Ukraine mong manh bất chấp nhiều nỗ lực gần đây nhằm đưa hai bên ngồi vào bàn đàm phán.

Tại một thời điểm nào đó, Ukraine sẽ phải quyết định đưa ra một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột với Nga, hay tìm kiếm một lối thoát khác mà không chịu bất kỳ hình thức thất bại nào, ông Barrons nói. Một cách để làm điều đó là đình chiến, một thỏa thuận tạm thời để chấm dứt các hoạt động quân sự, nhưng không thể kết thúc chiến sự một cách dứt khoát.

Chuyên gia Barrons bình luận: "Một kịch bản là cuộc chiến này kết thúc vì Ukraine nhận được sự giúp đỡ để làm điều đó. Một kịch bản khác là Ukraine quyết định đóng băng cuộc chiến, nhưng hiện tại chúng ta không thấy có dấu hiệu đó".

"Ngoài ra, có một kịch bản lơ lửng hơn, điều mà từng xảy ra với rất nhiều cuộc chiến, tức là họ đi đến một bế tắc miễn cưỡng và sau đó họ cứ phải dè chừng trong suốt một thế hệ tiếp theo", ông nói và viện dẫn cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên.

Theo CNBC
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine