Xung đột Israel - Hamas: Ai có thể "tháo ngòi nổ"?
(Dân trí) - Trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza tiếp tục leo thang và có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực, một số bên đã đề nghị đóng vai trò trung gian hòa giải.
Hơn một tháng kể từ khi chiến sự bùng phát, cho đến nay, một số quốc gia trong và ngoài khu vực đã liên tục bày tỏ lo ngại và kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay để sớm chấm dứt cuộc xung đột Israel - Hamas, đồng thời đề nghị được đứng ra làm trung gian hòa giải.
Hiện tại, có 5 quốc gia gồm Trung Quốc, Nga, Ai Cập, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã sẵn sàng cho các hoạt động "ngoại giao con thoi" để giúp Hamas và Israel đi tới ngừng chiến.
Để có thể đưa hai bên đến một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và sau đó là kế hoạch hòa giải, một điều kiện quan trọng trong "hồ sơ" của quốc gia trung gian là phải có sự tiếp xúc trước đó với cả hai bên dù chính thức hay không chính thức, sâu sắc hay mờ nhạt.
Trung Quốc
Hôm 11/10, trong cuộc điện đàm với Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập phụ trách vấn đề Palestine Osama Khedr, Đặc phái viên Trung Quốc về Trung Đông Zhai Jun đề nghị phối hợp với Ai Cập để giúp Israel và Hamas đạt được lệnh ngừng bắn khẩn cấp.
Kể từ sau khi Mỹ thực hiện chiến lược "xoay trục sang châu Á" những năm gần đây và hướng trọng tâm chính sách đối ngoại ra khỏi Trung Đông, Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào kế hoạch mở rộng ảnh hưởng tại khu vực.
Vào tháng 4 năm nay, nhờ vào những nỗ lực trung gian của Bắc Kinh, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian và người đồng cấp Ả Rập Xê Út Faisal bin Farhan Al-Saud đã ký vào thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao, chấm dứt căng thẳng kéo dài nhiều năm giữa hai cường quốc chủ chốt tại Trung Đông.
Tuy nhiên, kinh nghiệm trung gian hòa giải của Trung Quốc mới chỉ dừng lại ở các cuộc đàm phán giữa các quốc gia độc lập có chủ quyền, và sẽ chưa thể áp dụng với cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas. Hơn nữa, cả Iran và Ả Rập Xê Út khi đó đều đã có thiện chí muốn hòa giải, nên trách nhiệm của Trung Quốc cũng có phần nhẹ nhàng hơn.
Mặc dù vậy, vị trí của Trung Quốc trong mối quan hệ giữa Israel và Palestine có thể là một lợi thế riêng biệt mà nước này sẽ khai thác để phục vụ cho tiến trình xây dựng hòa bình.
Sau khi Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội Palestine vào năm 2006 và chiếm đa số ghế trong nghị viện Palestine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó là Lưu Kiến Siêu khẳng định rằng "chính phủ của Palestine đã được bầu cử hợp pháp theo nguyện vọng của người dân và nên được tôn trọng", hàm ý công nhận tính chính danh của phong trào này.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không duy trì kênh liên lạc chính thức nào với các lãnh đạo của phong trào Hamas, mà chỉ làm việc với phía chính quyền Palestine của Tổng thống đương nhiệm Mahmoud Abbas.
Bắc Kinh cũng xây dựng quan hệ hữu nghị với Israel và hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của nước này. Hồi tháng 6, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết đã nhận được lời mời thăm chính thức Trung Quốc vào cuối năm nay.
Kể từ khi xung đột bùng phát vào ngày 7/10, Bắc Kinh luôn duy trì sự trung lập trong các phát ngôn của mình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nêu rõ, Bắc Kinh tự coi mình là bạn của cả Israel và Palestine.
Hôm 27/10, nước này cũng nằm trong danh sách 120 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc thông qua một lệnh ngừng bắn vì nhân đạo. Israel cho biết họ thất vọng vì Bắc Kinh không trực tiếp lên án Hamas sau vụ tấn công ngày 7/10.
Báo South China Morning Post dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng, điều tốt nhất Trung Quốc có thể làm là giúp ngăn chặn một cuộc xung đột tầm khu vực. Điều này là khả thi bởi Trung Quốc và các nước Trung Đông đang xích lại gần nhau hơn những năm gần đây.
Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thể sử dụng tầm ảnh hưởng của mình với Iran để ngăn chặn các lực lượng vũ trang được Tehran hậu thuẫn, trong đó có Hezbollah, tấn công vào Israel hay không.
Lực lượng Hezbollah ở Li Băng có thể coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Israel hơn Hamas vì nhóm này sở hữu kho tên lửa khổng lồ, hàng nghìn chiến binh giàu kinh nghiệm và nhiều nguồn lực khác.
Nga
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) tại Kyrgyzstan, vào ngày 13/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định nước này sẵn sàng làm việc với "các đối tác có thiện chí" để giúp Israel, Hamas đạt được lệnh ngừng bắn.
Bên cạnh Trung Quốc, Nga cũng là một trong số ít các quốc gia có duy trì quan hệ hữu nghị với cả Palestine lẫn Israel. Đặc biệt, khác với Bắc Kinh, Moscow có tiếp xúc và cũng thường xuyên đón tiếp các nhà lãnh đạo của Palestine và Hamas.
Hôm 26/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova xác nhận đại diện của Hamas đang thăm và làm việc tại Moscow nhằm thảo luận về vấn đề trao trả các con tin mà phong trào này đã bắt giữ từ Israel, trong đó có công dân của Nga.
Theo hãng thông tấn TASS, Ali Baraka, người phụ trách quan hệ đối ngoại của Hamas, khẳng định rằng phong trào này "tin tưởng cao độ vào phía Nga cũng như Tổng thống Vladimir Putin" và "hoan nghênh nỗ lực của Moscow trong việc giải quyết xung đột".
Kể từ sau khi xung đột bùng phát tới nay, các động thái của Moscow có vẻ đang nghiêng dần theo hướng có lợi cho Hamas và bất lợi với Israel.
Trước đó, vào ngày 11/10, trong một phiên họp của CIS, Tổng thống Putin cho rằng Israel hoàn toàn có quyền tự vệ sau khi phải hứng chịu "một cuộc tấn công nghiêm trọng chưa từng có tiền lệ".
Tuy nhiên, trong một phiên họp tại Đại hội đồng vào ngày 2/11, Đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya lại trích dẫn một phán quyết lập trường của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) vào năm 2004 để khẳng định rằng, Israel không hề có quyền tự vệ trong Dải Gaza.
Phát ngôn của ông Nebenzya hàm ý đề cập đến một phán quyết của ICJ trong đó tuyên bố Israel không thể thực thi quyền tự vệ theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc trong Dải Gaza, vì vùng lãnh thổ này khi đó vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Israel. Tuy nhiên, trên thực tế, Israel đã rút khỏi Gaza từ năm 2006, và chỉ còn duy trì kiểm soát không phận và đường biển của vùng đất này.
Những hành động đáp trả được cho là không cân xứng của Israel tại Dải Gaza cũng có thể là một phần nguyên nhân đưa tới sự thay đổi trong lập trường của Moscow.
Nếu như cuộc chiến vẫn diễn biến theo hướng khó lường, chắc chắn lập trường của Nga sẽ tiếp tục có sự thay đổi. Tuy nhiên, với vị thế là một cường quốc lớn, chắc chắn Nga sẽ không chịu đứng ngoài tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.
Ai Cập
Chỉ hai tuần sau khi xung đột bùng phát, vào ngày 21/10, Ai Cập đã đứng ra tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Cairo nhằm thảo luận về giải pháp cho cuộc xung đột, với sự tham dự của cả các nước trong khu vực như Jordan, Qatar và các cường quốc ngoài khu vực như Đức, Nga, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Anh...
Dù hội nghị không đạt được tuyên bố chung nào, nhưng động thái này cho thấy Ai Cập, quốc gia láng giềng với cả Israel và Palestine, đang thực sự lo ngại về tình hình an ninh ở biên giới cũng như toàn khu vực.
Điều này khá dễ hiểu, bởi nếu xung đột tiếp tục leo thang, một làn sóng người tị nạn khổng lồ từ Palestine sẽ đổ về khu vực bán đảo Sinai ở Ai Cập. Thậm chí, không loại trừ khả năng các tay súng của Hamas sẽ chuyển địa bàn từ Dải Gaza sang phía Ai Cập để tiếp tục chiến đấu chống lại Israel.
Trước kia, Ai Cập có mối quan hệ khá phức tạp với Hamas.
Vào tháng 2/2015, sau khi Tổng thống đương nhiệm Abdel Fattah el-Sisi lên nắm quyền, một tòa án tại Cairo đã liệt Hamas và Lữ đoàn al-Qassam, cánh vũ trang của lực lượng này, vào danh sách các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, phán quyết trên đã bị hủy bởi một tòa án phúc thẩm. Sau khi phong trào này công bố tài liệu cho thấy không có liên hệ với đảng đối lập Anh em Hồi giáo tại Ai Cập, quan hệ giữa hai bên đã có sự cải thiện.
Ai Cập cũng là một trong số ít các quốc gia láng giềng nói riêng và trong thế giới Ả Rập nói chung đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, và hai bên đã ký kết một hiệp định hòa bình từ năm 1979.
Trong nhiều năm trở lại đây, Cairo liên tục phải đứng ra làm trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột giữa những lực lượng ở Palestine và Israel.
Kể từ ngày 7/10, Ai Cập đã mở cửa khẩu Rafah để các chuyến hàng nhân đạo quốc tế đi vào Dải Gaza, đồng thời giúp các công dân nước ngoài bị kẹt trong vùng chiến sự trở về nước. Tuy nhiên, nước này nói không với việc tiếp nhận các trường hợp người tị nạn nhập cảnh qua cửa khẩu.
Dù hoàn toàn đủ khả năng để đưa cả hai ngồi vào bàn đàm phán, nhưng Ai Cập không có nhiều công cụ để thúc đẩy Israel đi tới thỏa hiệp. Thậm chí, nước này đã phải thận trọng triển khai quân đội lên khu vực giáp ranh Sinai, sau khi có thông tin các cơ quan tình báo Israel đang nghiên cứu kế hoạch đẩy người tị nạn từ Gaza di chuyển tạm thời tới bán đảo này nhằm dễ dàng đối phó Hamas.
Qatar
Qatar nổi tiếng với vai trò hòa giải trong rất nhiều cuộc xung đột tại Trung Đông, đặc biệt phải kể đến đóng góp của Qatar giúp mang lại thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và đại diện của phong trào Taliban tại Afghanistan vào năm 2021.
Hamas hiện đặt một văn phòng liên lạc tại thủ đô Doha của Qatar và các nhà lãnh đạo của phong trào cũng thường xuyên tới nước này. Chính vì mối quan hệ có phần gần gũi với Hamas, Qatar đã phải hứng chịu lệnh cấm vận từ một số quốc gia Ả Rập khác từ năm 2017 đến 2021.
Vào ngày 9/10, Bộ Ngoại giao Qatar xác nhận nước này đã thực hiện các cuộc điện đàm khẩn nhằm cố gắng thuyết phục Hamas thả các con tin là phụ nữ và trẻ em từ Israel để đổi lấy 36 người Palestine đang bị giam giữ trong các nhà tù của Israel.
Trước đó, vào tháng 9, Doha cũng đã thành công giúp Iran và Mỹ đạt một thỏa thuận trao đổi tù nhân.
Trên thực tế, Qatar không có quan hệ ngoại giao với Israel, và quan hệ thương mại giữa hai nước cũng bị tạm dừng từ năm 2009. Tuy nhiên, tương tự Ai Cập, Qatar vẫn đóng vai trò trung gian trong nhiều nỗ lực hòa giải xung đột giữa Israel và Hamas.
Nếu xét về tiềm năng, Qatar có thể là ứng viên sáng giá nhất trong khu vực để làm trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas.
Thứ nhất, nước này đã có rất nhiều kinh nghiệm về các hoạt động ngoại giao hậu trường, trong đó có cả các cuộc đàm phán với những chủ thể phi quốc gia, như Taliban hay Hamas. Thứ hai, Qatar đã khéo léo cân bằng quan hệ với các cường quốc khu vực, khi vừa có thể gần gũi với Iran nhưng cũng hợp tác chặt chẽ với Mỹ.
Tuy nhiên, vì không có quan hệ với Israel, chắc chắn Qatar sẽ cần sự hỗ trợ từ các quốc gia khác, có thể là Mỹ hoặc Ai Cập, để có thể thành công thuyết phục nước này đi tới những nhượng bộ cần thiết nhằm đạt được hòa bình về lâu dài.
Thổ Nhĩ Kỳ
Cuối cùng, danh sách các ứng cử viên tiềm năng sẽ không thể thiếu sự góp mặt của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tương tự Doha, Ankara cũng có quan hệ gần gũi với phong trào Hamas. Dù là một nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nước này không hề liệt Hamas vào danh sách tổ chức khủng bố như nhiều quốc gia đồng minh khác. Thậm chí, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhiều lần ca ngợi các thành viên của phong trào này là "các chiến binh đấu tranh vì tự do".
Nước này cũng mới đạt được một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel vào tháng 8 năm ngoái, sau hơn một thập niên căng thẳng.
Tuy nhiên, sau khi chiến sự Israel - Hamas bùng phát trở lại, trong một bài phát biểu trước dòng người biểu tình ủng hộ Palestine tại Istanbul, Tổng thống Erdogan đã chỉ trích chiến dịch đáp trả quân sự của Israel nhằm vào Gaza.
Ankara đã triệu hồi đại sứ nước này tại Tel Aviv về nước để tham vấn. Đồng thời, ông Erdogan cũng cho biết sẽ cắt đứt quan hệ với cá nhân Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, nhưng không đồng nghĩa với việc cắt đứt quan hệ với Israel.
Israel cũng triệu hồi các nhà ngoại giao của nước này tại Ankara, và khuyến cáo công dân rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù vậy, chắc chắn tiến trình hòa bình sẽ cần tới sự góp mặt của Thổ Nhĩ Kỳ. Bản thân Ankara cũng đang đầu tư nhiều nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột.
Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Li Băng Abdallah Bou Habib, khi đề cập tới cuộc xung đột giữa Hamas và Israel, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết nước này sẽ tiếp tục "bày tỏ các ý tưởng về những cách tiếp cận mới" nhằm "mở ra cánh cửa tiến tới một nền hòa bình lâu dài và toàn diện" dựa trên giải pháp hai nhà nước.
"Các quốc gia trong khu vực nên đóng vai trò dẫn dắt"
Theo Tiến sĩ Sanam Vakil, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, cho dù vai trò của các chủ thể quốc tế rất quan trọng, nhưng các quốc gia trong khu vực nên đóng vai trò dẫn dắt quá trình xây dựng một lộ trình đi tới hòa bình mang tính thực tiễn và khả thi.
Căng thẳng Palestine - Israel là một vấn đề phức tạp, đã kéo dài qua nhiều thập niên, và chắc chắn sẽ không có một cường quốc ngoài khu vực nào có đủ khả năng đưa ra một giải pháp lâu dài có thể thỏa mãn cả hai bên.
Tuy nhiên, để có thể tính tới các kế hoạch hòa bình về lâu dài, một lệnh ngừng bắn vì nhân đạo là hết sức cần thiết và nên trở thành ưu tiên của các bên trung gian trong thời điểm hiện nay, trong bối cảnh tình hình nhân đạo đang ngày càng xấu đi, và cuộc xung đột đang có nguy cơ lan rộng ra ngoài biên giới hai nước.
Vừa qua, nhóm phiến quân Houthi tại Yemen xác nhận đã tham gia vào cuộc xung đột. Đồng thời, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cũng cáo buộc Lữ đoàn Imam Hussein - một lực lượng do Iran hỗ trợ - đã di chuyển từ Syria xuống phía Nam Lebanon để hỗ trợ phong trào Hezbollah tại nước này tấn công vào miền Bắc Israel.
Theo Times of Israel, Al Jazeera, Reuters, TASS, China Daily