1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Xuất hiện “tai mắt” của Nga tại châu Âu

Cuộc khủng hoảng tại Ukraina hiện nay là kết quả của sự tranh giành giữa EU và Nga. Nhưng chẳng phải tất cả 28 nước thành viên đều ủng hộ đường lối chung của khối, thậm chí có nhiều nước còn đứng về phía Nga. Hy Lạp và Hungary là hai “đồng minh” mới nhất của Nga.

Xuất hiện “tai mắt” của Nga tại châu Âu

Ngày 5/2/215, Tổng thống Nga Putin (phải) đã mời tân thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thăm chính thức nước Nga

Hy Lạp- con ngựa thành Troy của Nga giữa lòng EU?

Những ngày qua, tân chính phủ cánh tả Hy Lạp liên tiếp đưa ra các tuyên bố thân Nga rõ rệt khiến dư luận hoài nghi Athènes sẽ trở thành con ngựa thành Troy của Nga giữa lòng EU. Giới phân tích chính trị thì không khỏi phân vân về khả năng Hy Lạp thay đổi đối sách ngoại giao đi ngược với cả khối.

Tuần trước, Ngoại trưởng Nikos Kotzia đã nhắc đến mối quan hệ lịch sử lâu đời giữa Hy Lạp và Nga, đồng thời ông cũng không ngần ngại chỉ trích chính sách hiện nay của Bruxelles đối với Moskva là cứng nhắc.

Trước đó, chính phủ của Thủ tướng Tsipras đã thẳng thắn phản đối thông cáo của EU đe dọa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Moskva trên hồ sơ Ukraina và nói rằng Athènes không được tham khảo trước về thông cáo này. Đến lúc này, nhiều nhà bình luận bắt đầu cảm thấy thái độ của chính phủ Hy Lạp không đơn thuần là mối thiện cảm với nước Nga mà còn là những dấu hiệu chuyển hướng ngoại giao đáng quan tâm.

Thái độ thân Nga của Athènes được khẳng định thêm khi trong chuyến thăm đảo Chypre hôm 2/2/2015, ông Tsipras tuyên bố mong muốn Hy Lạp trở thành cầu nối giữa châu Âu và nước Nga.

Dư luận báo chí ở châu Âu bắt đầu tỏ nghi ngại về thái độ thân Nga của Hy Lạp. Tuy nhiên, ông Constantinos Filis, Giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Athènes nhận thấy những động thái như vậy của chính phủ Tsipras chưa thể nói lên rằng trong thời gian tới Hy Lạp sẽ quay ngoắt 180 độ trong chiến lược đối ngoại.

Giới quan sát cũng ghi nhận, đại sứ Nga tại Athènes là người đầu tiên gặp Alexis Tsipras ngay sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 25/1. Điều đáng chú ý nữa là trước đó hồi tháng 5/2014, tức là chỉ hai tháng sau khi Nga sáp nhập Crưm, ông Tsipras đã tới Moskva gặp gỡ nhiều quan chức của chính quyền Kremlin và tại đó ông đã công khai phản đối chủ trương NATO mở rộng về phía đông.

Cũng cần phải hiểu là Hy Lạp có mối liên hệ văn hóa lịch sử lâu dài và nhiều tương đồng với Nga. Không chỉ có chính phủ cánh tả của ông Tsipras mà ngay cả chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Antonis Samaras, được coi là bảo thủ, cũng không bao giờ tỏ thái độ thù hằn với Moskva.

Vấn đề đặt ra là tình cảm của chính phủ Athènes hiện nay giành cho Moskva có tác động đến chính sách đối với Nga của châu Âu trong thời gian tới? Trong khi EU chưa bao giờ là một khối thống nhất hoàn hảo, thì liệu nhân tố Hy Lạp thân Nga có gây thêm chia rẽ?

Theo nhiều nhà phân tích chính trị thì phản ứng chống đối của chính phủ Tsipras đối với thông cáo của EU dọa trừng phạt Nga tuần trước chỉ là một động thái tỏ cho thấy Hy Lạp là một đối tác quan trọng trong liên minh. Giới quan sát hiểu rằng các động thái gần gũi Nga được tung ra trong bối cảnh chuẩn bị cho các cuộc đàm phán nợ sắp tới của Hy Lạp.

Chính phủ mới ở Athènes muốn tìm cho mình một áp lực trở lại với các đối tác châu Âu. Đó cũng có thể là cách để Athènes khẳng định rằng nếu Bruxelles không mềm mại với họ trên vấn đề trả nợ thì Hy Lạp có thể gây ách tắc trên những hồ sơ nhạy cảm của cả khối.

Hungary ủng hộ Nga trong hồ sơ Ukraina

Ngày 2/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có chuyến thăm Hungary. Hiếm khi các vị lãnh đạo lại bày tỏ những bất đồng một cách công khai trong cuộc họp báo chung sau khi đôi bên đã tiến hành đàm phán mà kết quả tới giờ vẫn chưa được công bố cụ thể.

Ngay sau khi chào hỏi và cám ơn theo đúng thông lệ ngoại giao, Thủ tướng Merkel nhận định rằng Hungary và Đức có mối quan hệ hữu nghị, nhưng bà đưa ra ngay một thông điệp cho thấy phía Đức không bằng lòng với sự thất thường trong đường lối của chính quyền Hungary.

Bởi lẽ, theo bà, nền kinh tế Đức khi đầu tư ở bất cứ đâu cũng rất cần sự tin tưởng, và khi đó đầu tư của Đức mới có thể "chung thủy" được với một thị trường. Niềm tin đó, dường như đã không có đối với phía Đức trong các vấn đề mà đôi bên đã trao đổi, nhất là trong vấn đề quan trọng nhất: xung đột quân sự Ukraina - Nga.

Một năm qua, Hungary luôn thể hiện sự "nước đôi" và dè dặt, nhiều khi đi ngược lại quan điểm chung của EU trong vấn đề Ukraina qua một số biểu hiện khá rõ rệt. Đảng cực hữu JOBBIK của Hungary bày tỏ sự ủng hộ Nga và gửi các "quan sát viên" sang tham dự cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm.

Chính quyền Hungary nhiều lần phát biểu không đồng tình với chính sách cấm vận và trừng phạt Nga của phương Tây, Hungary sau thời gian đầu bán khí đốt cho Ukraina thì đột ngột ngừng bán sau chuyến công du Budapest của người đứng đầu tập đoàn năng lượng Nga Gasprom, viện cớ phải giữ khí đốt cho nhu cầu trong nước...

Trong cuộc họp báo với bà Merkel, Thủ tướng Hungary Orbán Viktor cho rằng tình trạng của Ukraina là "quan trọng đặc biệt" với Hungary vì không chỉ là một nước láng giềng, mà còn vì tại Ukraina có một cộng đồng Hungary kiều đông đảo, và khí đốt được chuyển từ Nga qua Hungary cũng theo con đường này. Do đó, Hungary đứng về phía hòa bình và chỉ có thể chấp nhận giải pháp theo hướng hòa bình.

Cạnh đó, Thủ tướng Hungary còn nói thêm, không chỉ Hungary mà các quốc gia châu Âu khác cũng rất phụ thuộc vào khí đốt Nga, do đó theo ông tất cả đều có lợi ích là phải kiến tạo được một mối quan hệ tốt và không thất thường, và Hungary cũng nằm trong số đó.

Để đáp trả, bà Angela Merkel nói rằng người Đức cũng muốn đình chiến tại Ukraina và nước này có một trạng thái ổn định, nhưng bảo toàn được sự toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, bà cho hay Đức nhập 30% khí đốt từ Nga, nghĩa là còn phụ thuộc năng lượng vào Moskva hơn Hungary, và đối với các nước châu Âu khác thì năng lượng Nga vẫn mang tính sống còn.

Tuy nhiên, khi đề cập tới những trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga, Thủ tướng Đức lưu ý người đồng nhiệm Hungary rằng không thể chấp nhận việc Budapest có quan điểm riêng. Điều cần làm là giảm thiểu sự phụ thuộc năng lượng vào Nga bằng cách nối hệ thống dẫn ga ở châu Âu và mở ra hướng Azerbajian.

Sau phần phát biểu của bà Merkel, điều bất ngờ là ông Orbán lại "cướp lời" và giải thích rất dài dòng "để các ký giả nước ngoài cũng hiểu được sự nghiêm trọng của tình hình". Trong năm nay, hợp đồng vận chuyển khí đốt giữa Hungary và Nga hết hạn, đây là một trong những vấn đề lớn nhất của Hungary năm 2015 và như thế, tình trạng kinh tế Hungary cần được đánh giá nghiêm túc với mối liên quan tới Nga.

Như thế, dù không nói ra lời, nhưng báo chí Hungary cho rằng ông Orbán vẫn tiếp tục theo đuổi con đường riêng trong hồ sơ Ukraina.

Cuộc tranh luận gần đây về việc có nên giao vũ khí cho Ukraina hay không cũng đang gây chia rẽ châu Âu. London cũng như Paris và Berlin kịch liệt phản đối. Nhưng Litva xác nhận đã cung cấp trang thiết bị quân sự cho Kiev. Họ cũng không phải là nước duy nhất làm điều đó.

Ngoài ra, còn có cả các đảng phái lớn tại một số nước châu Âu cũng là “đồng minh” của Nga, chẳng hạn tại Pháp có đảng Mặt trận quốc gia (FN) của Jean Marie Le Pen, hay đảng Vlaams Belang (Bỉ), đảng Nhân dân ở Áo, Đảng Tự do (Hà Lan)…

Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes