1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Xoay chuyển cục diện Biển Đông: Tàu ngầm mini hợp sức Kilo

Vừa qua, Nga và Pháp, Đức đã tung ra rất nhiều mẫu tàu ngầm mini độc đáo. Đây là những phương tiện tác chiến ngầm rất phù hợp trên Biển Đông.

Vai trò quan trọng của tàu ngầm mini trong tác chiến biển đảo

Hiện nay, các cường quốc hải quân thế giới không ngừng sử dụng các công nghệ có tính đột phá để phát triển các loại tàu ngầm có tính năng hiện đại, đặc biệt là các tàu ngầm chiến lược mang tên lửa đạn đạo liên lục địa, có khả năng tấn công toàn cầu.

Nhận thức được vai trò quan trọng của tàu ngầm cỡ nhỏ trong tác chiến biển đảo, các nước nhỏ, có ngân sách eo hẹp thường thiên về các tàu ngầm nhỏ, linh hoạt, mang tính chất phòng thủ và thiên về tác chiến gần bờ.

Tuy nhiên, một xu hướng mới là trong thời gian qua, hàng loạt các cường quốc tàu ngầm trên thế giới đã ồ ạt triển khai nghiên cứu phát triển nhiều dự án tàu ngầm nhỏ và siêu nhỏ, nổi bật trong đó là Nga với các tàu ngầm Piranha, Pháp chế tạo 2 loại là SMX-26, SMX-22, Đức có tàu ngầm Type 800.

Tàu ngầm mini phát ra tiếng ồn cực nhỏ, có thể nói là gần như không có tiếng động, đặc trưng sóng điện từ cực thấp, nâng cao cực đại khả năng tàng hình. Nó còn có khả năng chuyển hướng tại chỗ, nâng cao tính cơ động và linh hoạt.

Tàu ngầm cỡ nhỏ có thể tiến hành nhiều hoạt động khác nhau như: Phá hoại các tuyến giao thông trên biển của kẻ địch; vận chuyển lực lượng đặc nhiệm đổ bộ lên đảo; trinh sát, vô hiệu hóa các bãi thủy lôi và rải lôi phong tỏa; phá hoại các công trình ở cảng khẩu và các mục tiêu quan trọng khác.

Tàu ngầm cỡ nhỏ SMX-26 của Pháp
Tàu ngầm cỡ nhỏ SMX-26 của Pháp

Tàu ngầm mini còn có thể được trang bị các loại tên lửa và ngư lôi cho nhiệm vụ tác chiến chống ngầm và chống hạm, không chỉ đơn thuần là “đánh và chạy”. Lực lượng tác chiến đặc chủng trang bị loại tàu ngầm này có thể hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ các công trình quan trọng.

Hơn nữa, tàu ngầm mini còn được trang bị hệ thống động lực AIP, có thể duy trì hoạt động dưới nước rất lâu, chỉ cần một vài thuyền viên là có thể duy trì được hoạt động của tàu, kinh phí bảo trì và chi phí hoạt động rất thấp.

Tuy vậy, tàu ngầm mini cũng có những điểm yếu nhất định như: hành trình ngắn, khả năng tự cung cấp yếu… Để khắc phục các nhược điểm này, gần đây các cường quốc hải quân đã tăng cường ứng dụng các thành tựu công nghệ mới nhất vào chế tạo tàu ngầm mini.

Trong đó, họ tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực là: Sử dụng hệ thống động lực AIP để làm tăng khả năng tiềm phục dưới nước, nâng cao khả năng tàng hình và tính linh hoạt cơ động trong tác chiến; nâng cao trình độ điều khiển tự động hóa để giảm số lượng thủy thủ, rút gọn các quy trình thao tác và đẩy mạnh nghiên cứu các hệ thống vũ khí cỡ nhỏ chuyên dụng cho tàu ngầm mini.

Tàu ngầm mini lớp Piranha của Liên Xô
Tàu ngầm mini lớp Piranha của Liên Xô

Một khi công nghệ thông tin và công nghệ kết cấu nano được áp dụng vào thiết kế, chế tạo, tính năng của tàu ngầm mini sẽ ngày càng hoàn thiện, khả năng tác chiến đa nhiệm, tính năng tàng hình và uy lực tấn công sẽ được nâng cao rất nhiều.

Vậy thế giới đã bước vào thời đại “tàu ngầm mini” hay chưa? Đưa ra một câu trả lời vào thời điểm này có lẽ là hơi sớm nhưng có thể chắc chắn một điều là, tàu ngầm mini sẽ trở thành một phương tiện tác chiến ngầm rất quan trọng, giúp các nước có ngân sách eo hẹp bảo vệ được chủ quyền lãnh hải của mình.
 
Tàu ngầm mini với các nước nghèo ở Đông Nam Á

Hiện các nước nghèo khu vực Đông Nam Á đang bị cuốn vào tranh chấp biển đảo với những cường quốc trong khu vực. Phát triển lực lượng tàu ngầm đủ sức bảo vệ chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông là xu thế tất yếu, vậy phải lựa chọn những loại tàu ngầm nào cho phù hợp với điều kiện kinh phí và đáp ứng yêu cầu tác chiến biển?

Từ trước đến nay, chiến lược quốc phòng hướng biển của những nước này luôn được xây dựng theo định hướng lấy “Bảo vệ lãnh hải” làm tư tưởng chủ đạo nên các trang bị quốc phòng thường thiên về xu hướng phòng thủ.

Hơn nữa, do ngân sách quốc phòng hạn hẹp nên thường mua sắm các loại trang bị cỡ nhỏ nhưng có tính năng cơ động và hiệu quả tác chiến cao. Điều này có thể thấy rõ qua chiến lược phát triển tàu nổi của các nước trong khu vực.
 
Các tàu mặt nước mạnh nhất trong khu vực có lượng giãn nước lớn nhất cũng chỉ dưới 3000 tấn, ví dụ như: Formidable (Singapore), Van Speijk (Indonesia), Lekiu (Malaysia)... Còn lại chủ yếu là các tàu nhỏ dưới 1000 tấn, thậm chí chỉ tầm 500 tấn, có tốc độ cao và linh hoạt, được trang bị hệ thống vũ khí khá mạnh.

Tàu ngầm mini giá thành rất rẻ, trong khi đó 1 tàu ngầm hạng trung thấp nhất cũng phải khoảng trên 300 triệu USD/chiếc (ví dụ tàu ngầm Kilo có giá khoảng trên 350 triệu USD), thậm chí có tàu lên tới 6-700 triệu USD. Số tiền bỏ ra mua 1 tàu ngầm hạng trung có thể mua được nửa tá tàu ngầm mini.

Tàu ngầm mini có rất nhiều công dụng và có thể mang được các hệ thống tên lửa và ngư lôi hoàn chỉnh, nó hoàn toàn có khả năng tấn công mặt nước và tàu ngầm, có thể sử dụng trong nhiệm vụ tác chiến tấn công đặc biệt hoặc tuần tiễu bảo vệ cảng, vịnh và dải bờ biển, là sự bổ sung tác chiến rất tốt cho các tàu ngầm cỡ lớn thiên về tấn công.

Tàu ngầm mini lớp Sang-O của Triều Tiên
Tàu ngầm mini lớp Sang-O của Triều Tiên

Có thể khẳng định, tàu ngầm mini rất phù hợp với các nước ASEAN, mua vài chục tàu ngầm mini loại này cũng chỉ bằng giá tiền mua vài tàu ngầm hạng trung mà có thể thực hiện được rất nhiều nhiệm vụ.

Sức mạnh của biên đội tàu ngầm cỡ nhỏ này hoàn toàn có thể đối chọi được với những đối thủ sở hữu những tàu ngầm và tàu mặt nước cỡ lớn.

Trong kỳ sau chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những nhiệm vụ mà tàu ngầm mini có thể thực hiện và những loại tàu ngầm mini nào phù hợp với đặc điểm tác chiến của hải quân Việt Nam.
 
Theo Thiên Nam
Đất Việt
 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Thế giới, quý độc giả có thể gửi đến ban Quốc tế báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email thegioi@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!